Vì sao việc xây dựng dữ liệu đất đai ở Việt Yên, Bắc Giang chậm?

Thứ hai, 10/07/2023 16:47
(ThanhtraVietNam) - Mục tiêu của Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai do UBND huyện Việt Yên làm chủ đầu tư giai đoạn 2010 – 2022 là để đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai; phục vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai…Tuy nhiên, quá trình triển khai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Thanh tra tỉnh Bắc Giang đã chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại.

Mới đạt 56% khối lượng dự án được duyệt

Dự án Xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai do UBND huyện Việt Yên làm chủ đầu tư giai đoạn từ năm 2010 đến 2022 được Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cho phép thực hiện, với quy mô, khối lượng thực hiện gồm: Đo đạc bản đồ địa chính chính quy, đo đạc bản đồ đất nông nghiệp và đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa tại 17 xã, thị trấn.

Mục tiêu của Dự án này là: Đo đạc ảnh đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD) đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý đất đai (đăng  ký QSD đất, đền bù, giải phóng mặt bằng); lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất; làm cơ sở phục vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai các cấp.

Qua xem xét báo cáo và kiểm tra xác suất một số hồ sơ dự án đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp GCNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, Thanh tra tỉnh ghi nhận, sản phẩm của dự án góp phần hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; là tài liệu quan trọng làm cơ sở phục vụ cho khai thác, sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến đo đạc, bản đồ, quản lý nhà nước về đất đai, phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai; tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất thực hiện các quyền, hạn chế được các tranh chấp về đất đai…

Phòng Tài nguyên và môi trường huyện xem xét năng lực, trình đặt hàng và ký hợp đồng với(1) Các đơn vị tư vấn lập TTKT-DT: Công ty Cổ phần Tư vấn Kiến trúc Hoàng Minh; Công ty Cổ phần Địa chính và Môi trường Bắc Giang; Công ty TNHH MTV Địa chính Bắc Giang; Công ty Cổ phần Tân Á Hoàng Minh. (2) Các đơn vị thi công đo đạc, cấp GCNQSD đất: Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ Delta; Công ty Cổ phần Tân Á Hoàng Minh; Công ty Cổ phần Tư vấn Kiến trúc Hoàng Minh; Công ty TNHH Tư vấn Công nghệ Gia Linh; Công ty TNHH một thành viên Phúc Lâm. (3) Đơn vị tư vấn giám sát kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm: Trung tâm Kiểm định chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ.

Tuy nhiên, Đoàn thanh tra cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế.

Đó là, Dự án thi công thời gian dài; công tác kê khai, lập hồ sơ cấp mới, cấp đổi GCNQSD đất còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra (đến thời điểm thanh tra mới đạt 56% khối lượng của dự án được duyệt, tỷ lệ GCN đã cấp mới đạt 33%).

Quá trình triển khai thực hiện đo đạc bản đồ còn tồn tại như: Chưa có chấp thuận bằng văn bản của Chủ đầu tư khi khối lượng thực tế thi công có thay đổi so với thiết kế  kĩ thuật, dự toán đã được phê duyệt (Chủ đầu tư theo thẩm quyền đã chấp thuận và nghiệm thu theo khối lượng thực tế phát sinh); có hợp đồng thi công đo đạc, cấp giấy đã thực hiện xong từ năm 2010 - 2017 (các hợp đồng với Công ty CP Đầu tư và phát triển công nghệ Delta) nhưng chưa thanh lý hợp đồng.

Cần làm rõ trách nhiệm trong thực hiện hợp đồng

Kết luận thanh tra khẳng định, trách nhiệm chung đối với tồn tại, thiếu sót nêu trên thuộc về UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện được giao phụ trách lĩnh vực tài nguyên và môi trường và trách nhiệm trực tiếp thuộc về Phòng Tài nguyên và môi trường huyện, lãnh đạo và công chức được giao thực hiện nhiệm vụ.

Thanh tra tỉnh Bắc Giang yêu cầu UBND huyện Việt Yên, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên phụ trách lĩnh vực tài nguyên và môi trường nghiêm túc rút kinh nghiệm; xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan được giao thực hiện nhiệm vụ để xảy ra những tồn tại, thiếu sót.

Đồng thời, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện; kịp thời xử lý, giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án.

Riêng Phòng Tài nguyên và Môi trường phải theo dõi chặt chẽ việc thực hiện của các nhà thầu; làm rõ trách nhiệm, tiến độ thực hiện hợp đồng thi công, những khó khăn, vướng mắc và xử lý theo quy định; phối hợp với các nhà thầu thi công, UBND các xã, thị trấn đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSD đất tại đơn vị đã hoàn thành việc đo đạc; nghiệm thu, thanh lý đối với các hợp đồng đã thực hiện xong hoặc không thể tiếp tục thực hiện.

leftcenterrightdel
 Theo phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Việt Yên và đô thị Chũ, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045, đến năm 2025 để đô thị Việt Yên đủ điều kiện trở thành thị xã. Ảnh: bacgiang.gov.vn

Có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan

Thanh tra tỉnh nhận định, những tồn tại, hạn chế được chỉ ra qua thanh tra xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan sau:  

Một là, việc tổ chức kê khai, lập hồ sơ cấp GCNQSD đất kéo dài, gặp nhiều khó khăn do nhiều nơi người dân không sử dụng đất nông nghiệp trong thời gian dài (nhất là các khu vực xã, thị trấn ven khu, cụm công nghiệp); nhiều diện tích bị ngập úng, không có bờ thửa rõ ràng; gây khó khăn cho công tác đo đạc, xác định chủ sử dụng. Một bộ phận người dân ý thức phối hợp còn hạn chế, không kê khai, không hợp tác và tỏ thái độ không cần thiết khi thực hiện các thủ tục đăng ký đất đai; một số hộ dân không có trên địa bàn. Hiện trạng sử dụng đất có nhiều thay đổi không phù hợp và đúng theo GCN đã được cấp, có sai lệch về hình thửa, diện tích do chuyển nhượng, dồn điền đổi thửa, tự ý đổi ruộng, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất….nên việc xác minh nguồn gốc sử dụng đất, lập hồ sơ cấp GCN gặp nhiều khó khăn.

Hai là, do tình hình đất đai trên địa bàn huyện có nhiều phức tạp (vi phạm đất đai, biến động không theo dõi chỉnh lý thường xuyên...); trong khi đó hệ thống hồ sơ, tài liệu lưu trữ có nơi, có thời điểm không còn đầy đủ, công tác cấp GCN quyền sử dụng đất một số năm trước còn có sai sót. Công tác kiểm tra, xét duyệt hồ sơ phức tạp và mất nhiều thời gian; nhất là đối với các trường hợp cấp lần đầu và diện tích, cạnh thửa tăng so với GCN đã cấp, hạn mức cấp.

Ba là, nhiều thửa đất đang trong quá trình kê khai, thiết lập hồ sơ nhưng phải dừng lại do trong chỉ giới thu hồi đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội; do nhu cầu chuyển nhượng, mua bán đất đai liên tục, thường xuyên.

Bốn là, cùng thời điểm, giai đoạn triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ giải phóng mặt bằng với khối lượng và yêu cầu cao, trong khi đó cán bộ chuyên môn Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký QSD đất, công chức địa chính các xã, thị trấn còn thiếu và kiêm nhiều công việc nên việc rà soát, thẩm tra hồ sơ đo đạc, cấp giấy, hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn trong cấp giấy còn chậm.

Năm là, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến việc kê khai, đăng ký hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đặc biệt là các thời điểm phải dãn cách xã hội.

Sáu là, công tác kê khai, cấp GCN sau đo đạc bản đồ địa chính tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Biên chế và nhân lực của phòng chuyên môn thiếu so với khối lượng công việc cần giải quyết, dẫn đến có khoảng thời gian công tác thẩm định và xét duyệt hồ sơ còn kéo dài và chưa kịp thời. Một số cán bộ chưa làm hết trách nhiệm trong tham mưu, quản lý, thực hiện các quy định của pháp luật về công tác đo đạc, cấp GCNQSD đất.

Bảy là, do dự án kéo dài, nguồn nhân lực của đơn vị tư vấn đôi lúc còn thiếu so với khối lượng công việc, một số cán bộ kinh nghiệm chưa cao nên ảnh hưởng đến tiến độ.

Tám là, công tác theo dõi, chỉnh lý biến động có lúc chưa kịp thời. Nhiều thửa đất nông nghiệp đã thu hồi thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội thời điểm trước nhưng GCNQSD đất chưa chỉnh lý biến động, hồ sơ liên quan đến thu hồi đất có nơi không còn lưu trữ dẫn đến khó khăn trong rà soát, đối ứng.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra