Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng:

Thanh tra hoạt động cấp tín dụng gồm nội dung đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Thứ ba, 19/04/2022 16:28
(ThanhtraVietNam) – Quý I năm 2022, Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng đã thực hiện 334 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về hoạt động cấp tín dụng; phân loại nợ, trích lập dự phòng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi; huy động vốn và chấp hành quy định về lãi suất; chấp hành quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố…Đối với hoạt động cấp tín dụng, thanh tra các nội dung cho vay, bảo lãnh, L/C và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) do tổ chức kinh tế trong nước phát hành.

Bổ sung thanh tra rủi ro tiền ảo, đại lý bảo hiểm của ngân hàng

Báo cáo công tác thanh tra, kiểm tra của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng cho thấy, quý I năm 2022, hệ thống Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng đã chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, tích cực triển khai cơ cấu lại các hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu; đẩy mạnh thanh tra, giám sát và xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách góp phần bảo đảm an toàn hoạt động tiền tệ, ngân hàng.

Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt, bảm đảm thống nhất, hiệu quả, không chồng chéo trên toàn hệ thống. Trong đó, yêu cầu bổ sung vào kế hoạch năm 2022 nội dung thanh tra về rủi ro tiền ảo đối với các TCTD, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và nội dung thanh tra về đại lý bảo hiểm của các TCTD.

Theo Kế hoạch thanh tra đã báo cáo Thanh tra Chính phủ, năm 2022, NHNN sẽ thanh tra hành chính tại 4 NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, 1 đơn vị sự nghiệp; thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng tại 3 NHNN chi nhánh; thanh tra chuyên ngành tại 10 đơn vị và đưa 4 đơn vị vào danh sách dự phòng thanh tra chuyên ngành.

Trong quý I, các đoàn thanh tra hành chính ngành Ngân hàng đã thực hiện 60 cuộc thanh tra tại 65 đơn vị; ban hành 59 kết luận thanh tra. Kết quả cho thấy, “về cơ bản đơn vị đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao và nội quy, quy chế của NHNN”, không có đơn vị nào bị xử lý về kinh tế, trách nhiệm.

Đồng thời, đã thực hiện 13 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ về thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vắcxin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã tham mưu Thống đốc NHNN triển khai 1 cuộc thanh tra đột xuất; ban hành văn bản chỉ đạo NHNN chi nhánh thanh tra đột xuất công tác mua sắm trang thiết bị y tế. Có 55 đơn vị đã thành lập đoàn thanh tra, 8 đơn vị báo cáo số liệu phát sinh mua sắm tại đơn vị.

leftcenterrightdel
Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: nganhang.thanhhoa.gov.vn

Kiến nghị thu hồi về tổ chức, đơn vị 5.621.433 triệu đồng

Về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng đã triển khai 334 cuộc đối với 362 tổ chức, cá nhân về lĩnh vực, nội dung như: hoạt động cấp tín dụng (bao gồm cho vay, bảo lãnh, L/C, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp), phân loại nợ, trích lập dự phòng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi; huy động vốn và chấp hành quy định về lãi suất; chấp hành quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố; việc phân phối lợi nhuận; công tác an toàn kho quỹ; hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ…

Kết quả, đã phát hiện 153 tổ chức và 4 cá nhân vi phạm các quy định trong hoạt động kinh doanh và hoạt động tác nghiệp. Số tiền và tài sản quy thành tiền vi phạm được phát hiện qua thanh tra, kiểm tra là 18.001.843 triệu đồng; đã kiến nghị thu hồi về tổ chức, đơn vị 5.621.433 triệu đồng, kiến nghị xử lý khác 12.380.410 triệu đồng; ban hành 34 quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

Các vi phạm, tồn tại được phát hiện chủ yếu liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ; một số cá nhân, bộ phận chưa tuân thủ đầy đủ quy định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Vi phạm trong hoạt động tín dụng thể hiện ở việc thẩm định trước khi cho vay chưa sát thực tế, sơ sài, ghi chung chung, chưa phân tích cụ thể nội dung phương án của khách hàng vay, thẩm định nguồn trả nợ chưa đủ cơ sở chứng minh theo quy định tại Khoản 1, Điều 94 Luật Các tổ chức tín dụng; thời hạn cho vay vượt quá chu kỳ hoạt động kinh doanh, quá thời hạn thu hồi vốn, vượt khả năng trả nợ của khách hàng; nội dung thỏa thuận cho vay không đầy đủ theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN; chưa xem xét các khoản vay của khách hàng và người có liên quan tại các TCTD khác; cho vay khi khách hàng không đủ điều kiện vay vốn.

Hồ sơ vay vốn chưa lưu đầy đủ tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn vay, thiếu chứng từ chứng minh nguồn thu nhập để trả nợ; hồ sơ pháp lý của khách hàng chưa đầy đủ, chưa phù hợp, hồ sơ vay vốn chưa đúng trình tự phát sinh nghiệp vụ, có nội dung chưa thống nhất; hồ sơ vay vốn thiếu Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thiếu giấy phép kinh doanh đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Hồ sơ tài sản bảo đảm chưa đầy đủ; chưa định giá lại tài sản bảo đảm theo quy định nội bộ, tài sản hết hạn bảo hiểm nhưng chưa mua mới; chưa thực hiện cam kết chuyển doanh thu về tài khoản, chưa thực hiện theo phê duyệt của hội đồng tín dụng.

Biên bản kiểm tra sau cho vay sơ sài, chưa cập nhật phân tích tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của khách hàng, công nợ phải thu, phải trả tại thời điểm kiểm tra, chưa thu thập đầy đủ tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn; kiểm tra, giám sát định kỳ khách hàng chưa đúng…    

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra