Bàn về biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Thứ năm, 15/09/2022 15:19
(ThanhtraVietNam) - Tám tháng năm 2022, giải ngân đầu tư công mới đạt hơn 39% kế hoạch Thủ tướng giao. Nhiều bộ ngành, địa phương được giao vốn lớn hàng nghìn, chục nghìn tỷ đồng, nhưng giải ngân nhỏ giọt. Thiết nghĩ, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 thì không chỉ dừng lại ở mức đôn đốc, nhắc nhở mà cần có biện pháp tăng cường công tác thanh tra, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Trách nhiệm của người đứng đầu và công tác thanh tra trong đầu tư công

Để nâng cao hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ thất thoát vốn, tài sản nhà nước, Luật Đầu tư công năm 2019 đã quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tất cả các khâu liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Trong đó, quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan đơn vị liên quan đến việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Theo Điều 14, Luật Đầu tư công năm 2019 quy định, công khai, minh bạch trong đầu tư công bao gồm 11 nội dung: (1) Chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; (2) Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công; (3) Nguyên tắc, tiêu chí, căn cứ xác định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; (4) Kế hoạch, chương trình đầu tư công trên địa bàn; vốn bố trí cho từng chương trình theo từng năm, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chương trình đầu tư công; (5) Danh mục dự án trên địa bàn, bao gồm quy mô, tổng mức đầu tư, thời gian, địa điểm; báo cáo đánh giá tác động tổng thể của dự án tới địa bàn đầu tư; (6) Kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm, bao gồm danh mục dự án và mức vốn đầu tư công bố trí cho từng dự án; (7) Tình hình huy động các nguồn lực và nguồn vốn khác tham gia thực hiện dự án đầu tư công; (8) Tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án; (9) Tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án; (10) Kết quả nghiệm thu, đánh giá chương trình, dự án; (11) Quyết toán vốn đầu tư công.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện việc công khai các nội dung đầu tư công theo quy định của pháp luật.

Có thể nói, đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư công, góp phần tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước.

Luật Đầu tư công năm 2019 đã dành chương IV quy định các nội dung về thực hiện và theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra, giám sát kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công của tất cả các cấp, các ngành. Đây cũng là lần đầu tiên công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư và các chương trình, dự án đầu tư công, đặc biệt các quy định về giám sát cộng đồng được quy định trong Luật đáp ứng được yêu cầu và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo đó, Luật Đầu tư công năm 2019 quy định, cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công tổ chức theo dõi, kiểm tra kế hoạch đầu tư công thuộc cơ quan, đơn vị quản lý với các nội dung như: Tình hình thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công; Việc lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư công; Việc lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các chương trình, dự án được bố trí trong kế hoạch đầu tư công; Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công; Tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản, lãng phí, thất thoát trong đầu tư công.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công 2019 cũng quy định về giám sát đầu tư của cộng đồng và thanh tra đầu tư công. Theo đó, đối với các chương trình, dự án chịu sự giám sát của cộng đồng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng và phản biện xã hội. Còn hoạt động thanh tra việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công là quy định khác của pháp luật có liên quan và phải gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ thanh tra của các cơ quan, tổ chức, đúng trình tự, thủ tục thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra.

leftcenterrightdel
 Có 7 Bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 45%. Ảnh minh hoạ: baochinhphu.vn

Thực trạng giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm 2022

Theo báo cáo số 8284/BTC-ĐT ngày 22/8/2022 của Bộ Tài chính, tỷ lệ ước tính giải ngân đầu tư công 8 tháng đầu năm đạt 35,49% kế hoạch và tương đương 39,15% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, vốn trong nước đạt gần 41% và vốn nước ngoài hơn 14%.

Có rất ít bộ ngành, địa phương đạt tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tốt, gồm 7 Bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 45%. Một số bộ, địa phương có tiến độ giải ngân cao như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (hơn 73%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (gần 52%), Tiền Giang (gần 64%), Thái Bình (58%), Phú Thọ (57%), Long An (55%).

Theo Bộ Tài chính, hiện có 35/51 bộ và 20/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 35%. Nhiều đơn vị được giao vốn lớn hàng nghìn tỷ đồng như Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo… nằm nhóm cuối trong xếp hàng giải ngân, tỷ lệ chưa đến 15%. Thậm chí, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam mới giải ngân 4,57% trên tổng số hơn 3,8 nghìn tỷ đồng vốn được giao. Về doanh nghiệp nhà nước thì Tập đoàn Điện lực đạt tỷ lệ giải ngân thấp nhất mới chỉ được 3,43% trên tổng số vốn được giao hơn 900 tỷ đồng. Hai địa phương được giao kế hoạch vốn cao nhất năm 2022 là TPHCM (54,2 nghìn tỷ đồng) và Hà Nội (51,5 nghìn tỷ đồng) lại có tỷ lệ giải ngân vào nhóm thấp hơn 35% trong cả nước. Tám tháng năm 2022, TPHCM giải ngân được 17,1% (hơn 9 nghìn tỷ đồng), còn Hà Nội là 29% (gần 15 nghìn tỷ đồng). Các địa phương khác có tỉ lệ giải ngân vốn 8 tháng ước đạt dưới 35% gồm: Cao Bằng (17,4%), Hà Giang (19,12%), Phú Yên (20,8%), Đắk Lắk (23,3%), Gia Lai (24,4%), Cần Thơ (26%), Điện Biên (29,4%)…

Trong tình hình hiện nay, nguồn vốn đầu tư công phần nhiều không phải vốn tự có mà phải đi huy động từ nhiều nguồn, trong đó có tiền vay. Do đó, nếu chậm giải ngân ngày nào lãi suất sẽ tăng lên ngày đó, gây thiệt hại về kinh tế, lãng phí của cải xã hội. Đối với kinh tế vĩ mô, chậm giải ngân vốn ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế; làm tăng thêm gánh nặng nợ công; gây lãng phí, thất thoát nguồn lực của nền kinh tế. Để bù đắp bội chi, Chính phủ lại phải sử dụng các công cụ khác như vay tiền trong nước, gây áp lực tăng giá, dẫn tới lạm phát và nhiều vấn đề khác.Đặc biệt, tình trạng “chỗ làm tốt thì đói vốn, chỗ làm không tốt thì thừa vốn” đã làm mất cơ hội của những địa phương, đơn vị có năng lực tiếp thu vốn, sử dụng vốn hiệu quả, cũng như ảnh hưởng đến kỷ cương, quy định của Nhà nước.

Để kịp thời có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tại Công văn số 727/TTg-KTTH ngày 16/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phân công các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số Bộ, cơ quan, địa phương. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao 06 Tổ công tác được thành lập theo Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 02/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại 41 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có kết quả giải ngân đến ngày 31/7/2022 dưới mức trung bình của cả nước (34,47%).

Một số nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công

Nói về nguyên nhân của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công thì có rất nhiều nhóm nguyên nhân như nhóm nguyên nhân về pháp luật, nguyên nhân mang tính thời điểm, nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan với những đặc thù, đặc điểm, tính chất riêng. Nhưng nhìn chung lại sẽ tập trung trong 4 nguyên nhân sau:

Thứ nhất, tiến độ và chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch vốn đầu tư, việc lựa chọn dự án xây dựng danh mục và chuẩn bị đầu tư danh mục và chuẩn bị đầu tư còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao.

Thứ hai là việc chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư công gặp nhiều khó khăn do hệ thống pháp luật quy định chưa đồng bộ và việc triển khai thực hiện các quy định còn lúng túng. Thực hiện đầu tư công không chỉ liên quan đến Luật Đầu tư công, mà còn liên quan đến rất nhiều luật, tùy tính chất của từng dự án, như Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đấu thầu, Bộ luật Lao động, các luật thuế, Luật Điều ước quốc tế và các cam kết khác của Chính phủ. Các khâu này lại không thể thực hiện đồng thời được mà theo từng luật, theo từng quy trình và xong khâu này mới đến khâu kia nên mất rất nhiều thời gian.

Thứ ba là năng lực quản lý của các cấp, nhất là ban quản lý dự án chưa đồng đều và có nơi yếu kém, chậm đổi mới và chưa có hiệu quả. Sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện ở một số bộ, ngành, địa phương thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể, thiếu quyết tâm. Vai trò của người đứng đầu chưa được phát huy. Kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, việc xử lý các vi phạm thì chậm trễ trong quản lý và sử dụng đầu tư công.

Thứ tư là các yếu tố bất thường khác và các đặc thù của đầu tư công. Trong 2 năm vừa qua, dịch bệnh COVID-19 đã tác động mạnh đến việc giải ngân đầu tư công, nhất là vào thời điểm áp dụng cách ly, phong tỏa và giãn cách. Cùng với đó là giá nguyên, nhiên vật liệu, cước phí vận chuyển tăng cao, việc huy động các lao động, nhà thầu, máy móc, trang thiết bị cũng bị gián đoạn; công tác thi công và tích lũy khối lượng thường dồn vào cuối năm để nghiệm thu và phụ thuộc vào tiến độ của hợp đồng cũng như là tạm ứng.

Tăng cường thanh tra, giám sát, đánh giá đầu tư công năm 2022

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả, nhanh chóng, Nhà nước cần thanh tra, kiểm tra, giám sát, có chế tài xử phạt nghiêm những cá nhân, tổ chức gây đình trệ, chậm giải ngân. Nhưng, thúc đẩy đầu tư công nhằm tăng trưởng kinh tế không phải bằng mọi giá, vẫn phải tuân thủ đúng Luật Đầu tư công, làm sao giải ngân phải thực sự có hiệu quả, tránh hiện tượng lợi dụng cơ hội này gây thất thoát lãng phí tổn hại tiền ngân sách Nhà nước. Qua đó, có thể thực hiện một số giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế và thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn và phù hợp với cả yêu cầu phát triển. Không chỉ giải quyết bằng Luật Đầu tư công, mà còn phải giải quyết thông qua việc sửa đổi các luật khác thuộc các ngành, lĩnh vực liên quan.

Hai là, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022; người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đất đai, tài nguyên; rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư; tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm.

Phân công trách nhiệm từng đồng chí Lãnh đạo cơ quan, đơn vị phụ trách trực tiếp từng lĩnh vực đầu tư, theo dõi tiến độ thực hiện, giải ngân của từng dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kiên quyết không để chậm những việc thuộc thẩm quyền được giao và phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022, là căn cứ để đánh giá cán bộ, bình xét thi đua khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan; kiên quyết chống trì trệ, tiêu cực trong đầu tư công; điều chuyển, kiểm điểm, xử lý những trường hợp làm chậm, sai phạm theo quy định.

Ba là, chính quyền các cấp phải tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất… hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện. Tổ chức tuyên truyền cho người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng của từng dự án, bảo đảm công khai, minh bạch tạo sự tin tưởng và đồng thuận của người dân trong việc triển khai thực hiện. Tăng cường hành chính, đạo đức công vụ, xử lý nghiêm các vi phạm và các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Bốn là, ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện; phần vốn còn lại mới bố trí cho phần xây lắp và chi phí khác; tuyệt đối không cho nhà thầu tạm ứng vốn khi chưa bàn giao mặt bằng hoặc chưa đảm bảo các điều kiện khởi công công trình theo quy định của Pháp luật về xây dựng. Tăng cường kiểm tra, đốn đốc; phối hợp với đơn vị thi công theo dõi tiến độ chi tiết để chỉ đạo, theo dõi, giám sát chặt chẽ quá trình thi công; yêu cầu nhà thầu phải có văn bản cam kết tiến độ thực hiện đối với từng hạng mục công trình, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm việc vi phạm tiến độ; trường hợp cần thiết, chấm dứt hợp đồng và thay thế ngay các nhà thầu khác để đẩy nhanh tiến độ.

Năm là, triển khai có hiệu quả kế hoạch thanh tra, giám sát, đánh giá đầu tư công năm 2022; nhất là việc chấp hành các quy định trong việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, đấu thầu, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án,... Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công định kỳ hoặc đột xuất theo chế độ quy định.

Đồng thời, tăng cường giám sát của các cơ quan chuyên trách và nâng cao khả năng tham gia cộng đồng vào việc giám sát các dự án đầu tư công. Các đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các địa phương tăng cường giám sát công tác giải ngân vốn đầu tư công tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình; kịp thời có ý kiến với UBND cấp tỉnh để thúc đẩy giải ngân, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình trong năm 2022./.


Bảo San
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra