Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành TP, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và các Tổng Công ty, Công ty độc lập trực thuộc UBND TP hoàn thành việc xây dựng, thẩm định và trình UBND TP phê duyệt phương án cơ cấu lại các DNNN thuộc TP giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025”.
Đồng thời, khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN có vốn Nhà nước thuộc TP giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 2/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và kế hoạch triển khai thực hiện của UBND TP.
|
|
UBND thành phố Hồ Chí Minh làm việc với Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn về tái cơ cấu tại doanh nghiệp (Ảnh: CTTĐT.TUTPHCM) |
Mặt khác, triển khai thực hiện công tác cổ phần hoá, cơ cấu lại DN, thoái vốn nhà nước tại DN thuộc TP quản lý theo đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả và thu hồi cao nhất phần vốn nhà nước tại DN. Xử lý nghiêm trường hợp làm chậm, vi phạm quy định về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN.
Bên cạnh đó, chủ động nghiên cứu, tham mưu UBND TP đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi các quy định có liên quan nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của DNNN.
Ngoài ra, thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động của DNNN. Cùng với đó, phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng nhằm nắm bắt, phản ánh, đánh giá đúng đắn về việc chấp hành pháp luật, phát hiện sớm sai phạm, qua đó kịp thời chấn chỉnh hoặc áp dụng các biện pháp phù hợp giúp DN khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sở Tài chính (thường trực Ban Chỉ đạo 167) khẩn trương rà soát, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc có ý kiến đối với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các DNNN thuộc phạm vi quản lý của TP theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan; chủ động phối hợp tham mưu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN, không để ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa và thoái vốn của DNNN.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các chính sách, chế độ quản lý tài chính DN, chế độ quản lý, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại DN; thực hiện chức năng giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của DN do TP thành lập và DN có vốn nhà nước theo quy định của pháp luật.