Tuân thủ công tác phòng chống rửa tiền, ABBANK không gặp giao dịch đáng ngờ

Thứ ba, 28/06/2022 17:54
(ThanhtraVietNam) – Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) khẳng định, ngân hàng này luôn đề cao thực hiện tuân thủ công tác phòng chống rửa tiền/tài trợ khủng bố; khách hàng tại ABBANK được chấm điểm, đánh giá và phân loại theo mức độ rủi ro rửa tiền dựa trên các tiêu chí đã được ban hành. Phòng Phòng chống rửa tiền, phòng chống gian lận và tham nhũng tiếp nhận các thông tin về mức độ rủi ro để xử lý theo Thông tư số 35/2013/TT-NHNN và gửi về Cục Phòng chống Rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước. Thời gian qua, ABBANK không gặp giao dịch liên quan đến phòng chống rửa tiền.

Trả lời Tạp chí Thanh tra về nội dung chuyên đề “Phòng, chống rửa tiền” trên www.thanhtravietnam.vnbà Nguyễn Thị Hương - Phó Tổng Giám đốc ABBank đã có những chia sẻ.

Phóng viên: Với tầm nhìn trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam tập trung vào lĩnh vực bán lẻ, ABBANK thực hiện tuân thủ công tác phòng chống rửa tiền/tài trợ khủng bố (PCRT/TTKB) như thế nào? Công tác này được thực hiện trên các phương diện về thiết lập cơ cấu tổ chức thực hiện công tác tuân thủ theo mô hình các tuyến bảo vệ; xây dựng Quy định PCRT/TTKB; giám sát triển khai PCRT/TTKB và cập nhật kịp thời đảm bảo đáp ứng yêu cầu pháp luật và thông lệ quốc tế ra sao?

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Hương: ABBANK luôn đề cao thực hiện tuân thủ công tác PCRT/TTKB. Năm 2014, ABBANK thành lập Ủy ban Phòng chống Rửa tiền tại Hội sở và Tiểu ban PCRT/TTKB tại các Chi nhánh và Phòng giao dịch; Ban hành Quy chế PCRT/TTKB và các văn bản hướng dẫn nhằm đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của Luật PCRT.

Đến quý II/2018 ABBANK tiếp tục đưa vào vận hành phần mềm phòng chống rửa tiền (phần mềm AML). Đây được coi là một điểm nhấn trong công tác nhận diện, rà soát và cảnh báo đối với tất cả khách hàng và giao dịch có yếu tố đáng ngờ, phần mềm được kết nối dữ liệu với hệ thống Corebanking. T24 và các hệ thống thanh toán liên ngân hàng trong nước để tạo ra những cảnh báo cho những giao dịch đáng ngờ (dựa theo 74 kịch bản được các Khối/Phòng/Ban/Trung tâm nghiệp vụ xây dựng).

Bên cạnh đó, các cán bộ công tác trong lĩnh vực PCRT, Phòng chống gian lận và tham nhũng - Ban Pháp chế & Tuân thủ của ABBANK thường xuyên cập nhật thông tin về pháp luật, thông lệ quốc tế, tình hình cấm vận… để đảm bảo hoạt động của Ngân hàng luôn tuân thủ đúng Luật PCRT/TTKB trong nước và quốc tế.

Công tác tuyên truyền và đào tạo CBNV cũng được ABBANK chú trọng để đảm bảo CBNV phải tuân thủ tuyệt đối các quy định về PCRT/TTKB. Hàng tháng, Phòng PCRT, Phòng chống gian lận và tham nhũng phối hợp với các Đơn vị nghiệp vụ tại ABBANK thiết kế bản tin toàn hàng về công tác tuân thủ. CBNV sẽ được Phòng PCRT, Phòng chống gian lận và tham nhũng tiến hành đào tạo trực tiếp/đào tạo E-learning về Luật PCRT, Quy định nội bộ và cách thức vận hành phần mềm AML.

leftcenterrightdel
  ABBANK giới thiệu mình là ngân hàng có các cổ đông chiến lược như: Tập đoàn Geleximco, Ngân hàng Malaysia Berhad (MayBank) - Ngân hàng lớn nhất Malaysia và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) trực thuộc Ngân hàng Thế giới (World Bank)

Phóng viên: ABBANK đã thiết lập và thực hiện những quy định cụ thể về PCRT như thế nào?

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Hương: Năm 2020, căn cứ tình hình hoat động thực tiễn và Nghị định số 87/2019/NĐ-CP, Thông tư số 20/2019/TT-NHNN, ABBANK đã tiến hành chỉnh sửa/ cập nhật Quy chế, quy trình PCRT/TTKB.

Theo đó, ABBANK thực hiện báo cáo đánh giá rủi ro về rửa tiền, TTKB hàng năm trên toàn hệ thống. Báo cáo phải đánh giá được hiện trạng của hoạt động PCRT/TTKB trên toàn hệ thống ABBANK và phải làm rõ các yêu cầu sau:

(1) Xác định được đối tượng khách hàng có nguy cơ, tiềm ẩn rủi ro phát sinh các giao dịch liên quan đến PCRT/TTKB;

(2) Xác định được các quốc gia hoặc khu vực địa lý có nguy cơ, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động PCRT/TTKB;

(3) Chỉ ra được các rủi ro từ các quy định của sản phẩm, dịch vụ, kênh phân phối, quốc gia/khu vực địa lý được ABBANK cung cấp cho khách hàng có dẫn đến nguy cơ bị các cá nhân, tổ chức lợi dụng để thực hiện các giao dịch liên quan đến rửa tiền và TTKB;

(4) Các vấn đề khác liên quan đến công tác PCRT/TTKB.

Tất cả khách hàng tại ABBANK phải được chấm điểm, đánh giá và phân loại theo mức độ rủi ro rửa tiền dựa trên các tiêu chí đã được ban hành. Mỗi tiêu chí sẽ có các thông tin lựa chọn có mức độ rủi ro rửa tiền từ thấp đến cao cùng với thang điểm tương ứng. Tổng điểm của tất cả các tiêu chí sẽ là căn cứ để xếp hạng, phân nhóm khách hàng theo 03 mức độ rủi ro: Khách hàng có mức rủi ro cao, Khách hàng có mức rủi ro trung bình, Khách hàng có mức độ rủi ro thấp.

Từ kết quả xếp hạng, phân nhóm khách hàng theo mức độ rủi ro, chính sách chấp nhận khách hàng sẽ có sự khác biệt giữa các nhóm khách hàng. Nhóm khách hàng có mức độ rủi ro rửa tiền càng cao thì biện pháp kiểm soát, biện pháp đánh giá tăng cường càng phải chặt chẽ.

Trong trường hợp CBNV phát hiện khách hàng/giao dịch có yếu tố đáng ngờ, thuộc danh sách khách hàng rủi ro cao, danh sách cảnh báo nội bộ; CBNV báo cáo trực tiếp cho Phòng Phòng chống rửa tiền, phòng chống gian lận và tham nhũng qua các kênh liên lạc. Phòng sẽ tiến hành rà soát đánh giá dựa trên những tiêu chí, khuyến nghị, cảnh báo được ban hành theo từng thời kì. Trong giao đoạn tra soát, giao dịch sẽ được tạm hoãn theo Luật Phòng chống Rửa tiền. Trường hợp xác định khách hàng/giao dịch có liên quan đến PCRT/TTKB, Phòng PCRT, Phòng chống gian lận và tham nhũng báo cáo ngay lập tức cho Ban điều hành, tiến hành thu thập hồ sơ, hoàn thành MB01 theo Thông tư số 35/2013/TT-NHNN gửi về Cục Phòng chống Rửa tiền.

Phóng viên:  Thời gian qua, ABBANK có phát hiện những điểm giao dịch đáng ngờ liên quan đến công tác PCRT hay không và những trường hợp cá biệt, đáng nói được Ngân hàng phát hiện xử lý ra sao?

Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Hương: Thời gian qua, ABBANK không gặp giao dịch liên quan đến công tác PCRT.

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra