Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lào Cai, Quảng Ninh đi tiên phong trong tiếp công dân trực tuyến

Thứ tư, 04/09/2024 11:30
(ThanhtraVietNam) - Không chỉ là tiếp định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh, mà trong tiếp thường thường xuyên, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương (TCDTW) luôn sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ, cùng tiếp với Trụ sở TCD cấp tỉnh từ điểm cầu Trụ sở TCDTW tại thành phố Hà Nội.

Khi Trung ương và địa phương cùng nhìn về một hướng

Trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đã được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm cải cách hành chính nhà nước và đã được các cấp, các ngành tập trung thực hiện trong thời gian qua.

Thanh tra Chính phủ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2022/NĐ-CP ngày 23/8/2022 quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh. Thanh tra Chính phủ cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo để triển khai đến các bộ, ngành, địa phương trên phạm vi cả nước.

Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng và đang triển khai Mô hình tiếp công dân trực tuyến. Kết quả triển khai thí điểm Mô hình Tiếp công dân trực tuyến sẽ được Thanh tra Chính phủ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ cuối năm 2024, làm căn cứ để triển khai và hoạt động đại trà từ năm 2025, mục tiêu kết nối thông suốt từ điểm cầu trung tâm Trụ sở TCDTW với 63 điểm cầu Trụ sở TCD các tỉnh, thành phố. Đây chính là sự quyết tâm, quyết liệt vì việc chung với hiệu quả thật, phải “cân, đong, đo, đếm” được của Tư lệnh ngành Thanh tra.

Sau gần 4 tháng triển khai, 4 địa phương là Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lào Cai, Quảng Ninh đã thực hiện kết nối và thực hiện phối hợp tiếp công dân theo Mô hình tiếp công dân trực tuyến và 57/63 địa phương liên hệ, phối hợp, trao đổi với đầu mối của Trụ sở TCDTW để triển khai thực hiện Mô hình.

Điểm chung của các địa phương này là lãnh đạo UBND tỉnh rất quan tâm đến công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC); tinh thần cầu thị, trách nhiệm, vì việc chung, vì người dân đã phát huy, nên chỉ sau thời gian rất ngắn, đã “thông Cầu” để Trụ sở TCDTW cùng tham gia tiếp dân tại các ngày tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBUND tỉnh.

leftcenterrightdel
Một buổi tiếp công dân của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai với sự tham gia của Trụ sở TCDTW theo hình thức trực tuyến 

Điểm chung dễ nhận thấy của các buổi TCD này là có sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh cùng đại diện các cơ quan Trung ương tiếp công dân tại Trụ sở TCDTW, tinh thần thẳng thắn, thoải mái, đi đến cùng của vấn đề, “ba mặt một lời”, công khai, minh bạch và có tính đồng thuận, thống nhất cao, đặc biệt công dân không phải vất vả di chuyển về Thủ đô Hà Nội nhưng vẫn được đại diện các cơ quan Trung ương tiếp ngay tại địa phương.

Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau

Trao đổi về Mô hình Tiếp công dân trực tuyến, Trưởng ban TCDTW Nguyễn Hồng Điệp cho rằng, ứng ứng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phục vụ hoạt động cơ quan hành chính là không mới, đã nằm trong Chương trình quốc gia để xây dựng chính phủ số, chính phủ điện tử; Cơ sở dữ liệu quốc gia và Mô hình TCD trực tuyến chỉ mới trong công tác TCD, giải quyết KNTC, tuy vậy, đây cũng là hoạt động cần thiết, nằm trong xu thế chung hiện đại hóa nền hành chính quốc gia để tăng hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn, đặc biệt là vì sự tiện lợi, “ít tốn kém” và đỡ vất vả của người dân khi thực hiện quyền KNTC, kiến nghị, phản ánh của mình.

Ở khía cạnh khác, nếu thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Quốc hội và tổ chức triển khai hiệu quả Mô hình tiếp công dân trực tuyến này, sẽ hạn chế tình trạng công dân kéo về Trung ương để khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, một số công dân quá khích, tụ tập, la hét để lại hình ảnh “không đẹp” về địa phương, về Thủ đô văn minh, hiện đại; điều này càng đặc biệt có ý nghĩa khi yêu cầu của lãnh đạo Đảng là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng - Đại hội lần thứ XIV của Đảng sắp tới.

Tinh thần là không ngồi chờ để kết nối, mà “đi từng tỉnh”, rà từng đầu mối để trao đổi, phối hợp, gỡ khó từ đó đồng bộ hạ tầng, đảm bảo kết nối thông suốt giữa điểm cầu Trụ sở Thanh tra Chính phủ, Trụ sở TCDTW tại Hà Nội và điểm cầu Trụ sở TCD cấp tỉnh, sẵn sàng kết nối để tiếp, đối thoại với công dân khi Tổng Thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Dương Quốc Huy yêu cầu, hoặc khi các địa phương đề nghị hỗ trợ, phối hợp cùng tiếp công dân.

leftcenterrightdel
 Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện đại hóa nền hành chính để phục vụ người dân được tốt hơn, thuận tiện hơn, Trưởng ban TCDTW Nguyễn Hồng Điệp chia sẻ

Trưởng ban TCDTW nhấn mạnh, về bản chất, việc thực hiện Mô hình tiếp công dân trực tuyến và kết nối giữa các điểm cầu là giúp cho hiệu quả công tác TCD được tăng lên, phục vụ người dân được tốt hơn, giảm phiền hà cho người dân; về lâu dài, khi hoạt động suôn sẻ, bình thường, Mô hình sẽ được ứng dụng để tiếp công dân trực tuyến cho các cấp của địa phương là chính. Đồng thời, việc kết nối giữa Trụ sở TCDTW và Trụ sở TCD cấp tỉnh là hoạt động động phối hợp, hỗ trợ, “cùng nhau làm” chứ không phải mang “màu sắc” kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các địa phương.

Sau khi Thanh tra Chính phủ ban hành Quyết định 748/QĐ-TTCP ngày 28/12/2023 ban hành quy chế tiếp và Mô hình tiếp công dân trực tuyến để các địa phương áp dụng, triển khai để kết nối trực tuyến giữa Trụ sở TCDTW và Trụ sở TCD cấp tỉnh. Và có Văn bản 1058/TTCP-BTCDTW gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp xây dựng, triển khai tiếp công trực tuyến theo Mô hình của Thanh tra Chính phủ.

Đến nay 4 địa phương: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lào Cai, Quảng Ninh đã “thông cầu” và thực hiện tiếp dân định kỳ cùng Trụ sở TCDTW; 3 địa phương đã sẵn sàng “chờ tiếp” gồm: Thừa Thiên - Huế; Đồng Nai, Long An; 3 địa phương đang đề nghị kết nối là: Hòa Bình, Bắc Ninh, Hà Nam; 2 địa phương cử Tổ công tác phối hợp, học tập mô hình là Đà Nẵng và Bình Phước; đáng chú ý 57/63 địa phương đã phối hợp, trao đổi thông tin để triển khai với Thanh tra Chính phủ.

Những kết quả bước đầu này cho sự nghiêm túc, cầu thị, “thiết tha” của các địa phương trong việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Tổng Thanh tra Chính phủ, đây cũng là căn cứ để tin rằng, lời hứa với Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy về tiếp công dân trực tuyến: “Triển khai thí điểm Mô hình Tiếp công dân trực tuyến trong năm 2024, triển khai hoạt động đại trà từ năm 2025, mục tiêu kết nối thông suốt từ điểm cầu trung tâm Trụ sở TCDTW với 63 điểm cầu Trụ sở TCD các tỉnh, thành phố” sẽ sớm thực hiện được./.

Hồng Dân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra