|
|
Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh Long An - Ảnh: I.T.N |
Kịp thời xử lý, giải quyết những điểm nóng, những lĩnh vực nhạy cảm
Theo UBND tỉnh Long An cho biết, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được UBND tỉnh Long An quan tâm chỉ đạo kịp thời. Các địa phương có sự chủ động trong việc lập kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là chú ý đến các vụ việc đã dự báo; đồng thời, thường xuyên rà soát, phân loại, nắm chắc các vụ việc khiếu nại, tố cáo phát sinh trên địa bàn, những điểm nóng, những lĩnh vực nhạy cảm để kịp thời xử lý, giải quyết.
Các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cấp trên liên quan đến công tác thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản chỉ đạo điều hành; đặc biệt, trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn chú trọng thực hiện đúng các quy trình quy định; kết hợp thường xuyên với tuyên truyền, tập huấn nâng cao hiểu biết pháp luật về khiếu nại, tố cáo trong cán bộ, công chức và quần chúng Nhân dân.
Tình hình KNTC ở tỉnh năm 2021 đơn khiếu nại chủ yếu liên quan đến đơn giá bồi thường, hỗ trợ và chính sách tái định cư khi thu hồi đất tập trung chủ yếu tại huyện Đức Hòa, huyện Tân Trụ, huyện Bến Lức, huyện Cần Giuộc...
Đơn tố cáo chủ yếu là các trường hợp tố cáo liên quan đến Khu công nghiệp An Nhựt Tân tại xã Tân Bình, huyện Tân Trụ và một số các trường hợp khác liên quan đến lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, do công dân khiếu nại, kiến nghị không đạt được mục đích chuyển sang tố cáo người đứng đầu tại UBND cấp huyện.
Theo thống kê năm 2021, tổng số lượt tiếp: 4.012 lượt, số người được tiếp: 4.044 người; Số lượt tiếp của thủ trưởng 722 lượt (trực tiếp 639 lượt và ủy quyền 83 lượt); của cơ quan, đơn vị tiếp công dân 3.290 lượt.
Tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn : Tổng số đơn: 5.244 đơn (kỳ trước chuyển sang 236 đơn, tiếp nhận trong kỳ 5.008 đơn). So với cùng kỳ, tổng số đơn tăng 22,2% (năm 2020: 4.291 đơn). Số đơn, số vụ việc đủ điều kiện xử lý: 5.173 đơn, 2.547 vụ việc
Tổng số đơn, số vụ việc (khiếu nại, tố cáo) đã giải quyết/tổng số đơn, số vụ việc phải giải quyết là 496/563 vụ việc; tỷ lệ giải quyết 88,5%. Trong đó: giải quyết đơn khiếu nại đạt tỷ lệ 90,1%; giải quyết đơn tố cáo đạt 85%.
Xử lý dứt điểm đối với các vụ việc khiếu nại kéo dài, không có căn cứ pháp luật.
Từ thực tiễn kết quả chỉ đạo về công tác tiếp công dân (TCD), giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) của các cấp, các ngành trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Long An, UBND tỉnh đưa ra một số kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm hoàn thiện các quy định hiện hành về giải quyết KNTC. Chẳng hạn như việc giải quyết KNTC hành chính còn chưa được quy định rõ, còn chồng chéo với pháp luật khác như: Luật Đất đai, Luật Tố tụng hành chính; ... pháp luật tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn một số bất cập, vướng mắc, chưa đồng bộ.
Cần quy định chi tiết trình tự, thủ tục xem xét lại vụ việc, trong đó nhất thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ trong trao đổi thông tin với cơ quan đã ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật trước khi quyết định việc xem xét lại vụ việc. Quy định chi tiết trình tự, thủ tục xem xét lại vụ việc sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc tổ chức thực hiện, tạo sự thống nhất trong việc xem xét lại đối với các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc khi có phát sinh tình tiết mới.
Quy định cụ thể hình thức giải quyết và giá trị pháp lý khi đã ban hành Thông báo chấm dứt việc xem xét, giải quyết vụ việc khiếu nại. Nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan nhà nước trong việc xử lý tình trạng công dân khiếu nại kéo dài, mặc dù việc giải quyết khiếu nại đã hết thẩm quyền và đúng pháp luật. Qua đó, xử lý dứt điểm đối với các vụ việc khiếu nại kéo dài, không có căn cứ pháp luật.
Kịp thời chỉ đạo các tình huống phát sinh để hạn chế vụ việc phức tạp, kéo dài.
Cấp ủy phải chỉ đạo, quán triệt đầy đủ việc thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”. Cấp ủy của từng cơ quan, địa phương cần ban hành và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, quy chế hoặc chương trình hành động nhằm tạo ra ràng buộc cao hơn đối với trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Cấp ủy trực tiếp, chủ động vào cuộc trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC không “khoán trắng” cho chính quyền; người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp chịu trách nhiệm về tình hình KNTC và công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Người đứng đầu cấp ủy cần chỉ đạo và kiểm tra, giám sát thường xuyên công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, kịp thời chỉ đạo các tình huống phát sinh để hạn chế vụ việc phức tạp, kéo dài.
Quán triệt đầy đủ, thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác tiếp công dân, KNTC và giải quyết KNTC. Chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; nghiêm cấm các hành vi tố cáo vượt cấp, tố cáo sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín, quyền lợi của các tập thể, cá nhân.
Siết chặt kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; yêu cầu các vụ việc liên quan đến việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước phải được giải quyết theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định; không để xảy ra vi phạm dẫn đến phát sinh đơn.
Đẩy mạnh công tác hòa giải, đối thoại, vận động, thuyết phục công dân chấm dứt KNTC không đúng
Các KNTC phát sinh chủ yếu ở những địa bàn có các dự án đầu tư, vì vậy, UBND tỉnh cần chỉ đạo các Sở, ngành, chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương ngay từ đầu, góp phần thuận lợi trong giải quyết KNTC về sau. Tăng cường công tác tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với người dân trước khi triển khai chương trình dự án trên địa bàn nhằm lắng nghe, giải thích, giải quyết kịp thời bức xúc của người dân trong vùng dự án, tạo sự đồng thuận cao của người dân, hạn chế phát sinh KNTC, nhất là các vụ khiếu nại đông người, vượt cấp.
Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác giải quyết đơn để kịp thời chấn chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác. Đẩy mạnh công tác hòa giải, đối thoại, vận động, thuyết phục công dân chấm dứt KNTC không đúng. Qua đó, giảm thiểu các KNTC từ cơ sở. Phối hợp với cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và người dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KNTC và giải quyết KNTC.
Đồng thời, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu giải quyết KNTC, tiếp công dân có phẩm chất đạo đức tốt, vững về pháp luật, nghiệp vụ, có khả năng “dân vận tốt”; hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để công dân có thể hiểu và chấp hành đúng pháp luật về KNTC. Thường xuyên tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác thanh tra đáp ứng yêu cầu công tác.
Có phương án giải quyết nhanh chóng, dứt điểm, tránh làm phức tạp thêm tình hình, hình thành “điểm nóng” về KNTC
Ngoài ra, quá trình tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, các cơ quan, ban, ngành tỉnh phải tập trung chỉ đạo để xử lý, giải quyết dứt điểm, đúng quy định của pháp luật, không để tồn đọng, kéo dài, hình thành vụ việc KNTC phức tạp. Thường xuyên tranh thủ ý kiến tư vấn của các đơn vị chuyên môn có chức năng tham mưu, xử lý, giải quyết KNTC để đảm bảo việc giải quyết KNTC đúng quy định của pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân, giải quyết KNTC cần thường xuyên báo cáo, chủ động đề xuất, xin ý kiến chỉ đạo kịp thời từ cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy. Đối với các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài, nổi cộm, các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, làm rõ nguyên nhân khiếu kiện, các biện pháp đã giải quyết của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để tham mưu người đứng đầu cấp ủy tiếp dân, đối thoại với dân; ưu tiên giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp để đảm bảo an ninh, trật tự.
Đối với những tình huống phát sinh, cần chủ động đề xuất, xin ý kiến chỉ đạo kịp thời của cấp ủy để có phương án giải quyết nhanh chóng, dứt điểm, tránh làm phức tạp thêm tình hình, hình thành “điểm nóng” về KNTC. Khi phát sinh những nội dung có nhiều người cùng khiếu nại, chính quyền cần xin ý kiến chỉ đạo và phối hợp với cấp ủy để đối thoại với công dân, cấp ủy phải kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết nhằm sớm ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự xã hội tại cơ sở./.