Nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân để phục vụ tốt Đại hội Đảng các cấp sắp tới

Thứ năm, 25/04/2024 11:02
(ThanhtraVietNam) - Tăng cường chất lượng, hiệu quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; gắn giải quyết khiếu nại, tố cáo với hòa giải, đối thoại, dân vận cơ sở là các giải pháp được Ban Tiếp công dân Trung ương đề xuất.

Các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp đa phần là các vụ việc cũ

Theo đánh giá của Ban Tiếp công dân Trung ương, năm vừa qua là năm thứ ba của nhiệm kỳ Đại hội Đảng khoá XIII, tình hình kinh tế - xã hội trong nước mặc dù có một số tín hiệu tích cực nhưng về tổng thể vẫn còn tồn tại một số khó khăn, xuất hiện nhiều yếu tố mới, bất ngờ, cùng các rủi ro, ảnh hưởng của tình hình chính trị trong khu vực và trên thế giới.

Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, tình hình khiếu kiện của công dân trong năm tăng cả về số lượt công dân và số vụ việc. So với cùng kỳ năm 2022 tăng 20,32% lượt tiếp (3.919/3.257), tăng 46,99% vụ việc (3.791/2.579); số lượt đoàn đông người tuy có giảm 5,5% (325/344) nhưng xuất hiện các đoàn khiếu kiện đông người, phức tạp.

Vẫn còn tình trạng công dân khiếu kiện tập trung tại trung tâm thành phố, trụ sở các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương chủ yếu trong thời gian diễn ra các Hội nghị Trung ương Đảng, các kỳ họp Quốc hội, tuy còn một số vụ việc tiềm ẩn phát sinh “điểm nóng” về khiếu nại, tố cáo ở một số địa phương.

Cũng theo Ban Tiếp công dân Trung ương, các vụ việc đông người, phức tạp công dân thường xuyên khiếu kiện phần lớn là các vụ việc khiếu nại thuộc lĩnh vực đất đai, phát sinh từ những năm trước, chưa được giải quyết dứt điểm, trong đó có những vụ việc đã được cơ quan nhà nước giải quyết hết thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, Thanh tra Chính phủ ban hành kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, các địa phương tiến hành rà soát, đối thoại, thông báo chấm dứt thụ lý nhưng công dân vẫn tiếp tục tiếp khiếu.

Nhìn chung, các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân trung ương đã luôn quan tâm, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tổng Thanh tra Chính phủ; có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

leftcenterrightdel
 Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp. Ảnh: L.A

Quá trình thực hiện đảm bảo đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, khách quan, công tâm; làm tốt công tác đối thoại, phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quá trình tiếp công dân, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo; đảm bảo chất lượng hiệu quả, quan tâm đến lợi ích hợp pháp của người dân. Cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động tiếp công dân đã được tăng cường; chất lượng đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã được nâng cao.

Nhiều giải pháp được đề xuất...

Theo Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp, năm nay là năm có ý nghĩa quan trọng trong quá trình triển khai chương trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2025 và chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp thì công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân cần đạt hiệu quả cao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của dân, do dân và vì dân.

Theo đó, để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Ban Tiếp công dân Trung ương đề xuất một số giải pháp quan trọng:

Trước hết, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là trong việc ban hành, tham mưu ban hành quyết định hành chính và thực thi công vụ ở những lĩnh vực dễ xảy ra khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016 - 2021. Phối hợp với các vụ, cục đơn vị để kiểm tra, đôn đốc tiến độ, kết quả thực hiện Kế hoạch 633/KH-TTCP ngày 27/02/2023 của Thanh tra Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH ngày 07/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các kiến nghị trong Báo cáo 334/BC-ĐGS ngày 07/10/2022 của Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát về chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”.

Cùng với đó, tiếp tục theo dõi, tổng hợp và đôn đốc các địa phương về kết quả xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo theo kết luận của Tổ công tác theo Quyết định 1849/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch 363/KH-TTCP ngày 20/3/2019; Kế hoạch 1910/KH-TTCP ngày 29/10/2021 của Thanh tra Chính phủ, đặc biệt là các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài tại các cơ quan Trung ương. Đôn đốc các địa phương báo cáo về tình hình giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai nông, lâm nghiệp trên toàn quốc theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Tổng Thanh tra Chính phủ giao.

Chú trọng công tác hòa giải ở cơ sở gắn với công tác dân vận, tích cực vận động quần chúng nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hạn chế việc khiếu nại, tố cáo không đúng quy định; đồng thời nghiên cứu, phát huy cách làm mới, phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hoàn thiện và triển khai thí điểm Mô hình, quy chế phối hợp tổ chức Tiếp công dân trực tuyến của Thanh tra Chính phủ.

Bộ, ngành, địa phương cũng cần khẩn trương triển khai đồng bộ, hiệu quả Cơ sở dữ liệu Quốc gia về khiếu nại, tố cáo nhằm phát huy tối đa hiệu quả việc quản lý khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo thông qua việc làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể; quy định chế tài áp dụng tương ứng để xử lý vi phạm trong khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo; hoàn thiện quy trình, thủ tục xác định trách nhiệm pháp lý; công khai và tăng cường giám sát việc xử lý các vi phạm pháp luật trong giải quyết khiếu nại./.

Hồng Dân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra