Thừa Thiên Huế:

Quan tâm công tác hòa giải, tiếp dân, đối thoại ở cơ sở

Thứ năm, 21/03/2024 16:24
(ThanhtraVietNam) - Hiệu quả từ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần hạn chế phát sinh khiếu kiện đông người, phức tạp kéo dài, phát sinh điểm nóng

Thực hiện nghiêm túc tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong Quý I năm 2024, tình hình đơn thư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là đơn kiến nghị, phản ánh. Nội dung đơn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước giải phóng mặt bằng thực hiện dự án; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Tuy vậy, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã được Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các ngành quan tâm thực hiện nghiêm túc nhờ vậy đã giải quyết kịp thời, nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu kiện đông người, phức tạp kéo dài, phát sinh thành điểm nóng, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Về tiếp công dân, trong Quý I năm 2024, Lãnh đạo UBND tỉnh và Thủ trưởng các cấp, các ngành đã thực hiện công tác tiếp công dân thường xuyên và định kỳ của lãnh đạo cơ quan với 818 lượt tiếp, với 753 người được tiếp; số vụ việc được tiếp 518 vụ, trong đó tiếp lần đầu 451 lượt, tiếp nhiều lần 67; số đoàn đông người 01 đoàn với 05 người, vụ việc tiếp nhiều lần.

Cũng trong kỳ, Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp công dân định kỳ tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh 03 kỳ (ngày) với 23 lượt, với 36 người được tiếp (trong đó có 01 đoàn đông người 05 người, vụ việc tiếp nhiều lần); Cùng ngày Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân định kỳ, do số lượng công dân đông nên đã ủy quyền các Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng tham gia tiếp công dân, đã tiếp 25 lượt, với 25 người được tiếp.

leftcenterrightdel
 Một buổi tiếp công dân của lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Ảnh: Cổng TTĐT Thừa Thiên Huế

Trong kỳ, tổng số đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền đã giải quyết là 836 đơn (837 vụ việc)/1.091 đơn (1.092 vụ việc) phải giải quyết; đạt tỷ lệ 76,63%.

Địa phương đã quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo đó, để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và vai trò trách nhiệm của cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch hành động để tổ chức thực hiện Chỉ thị và Quy chế tiếp công dân trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định, trong đó xác định cụ thể các nội dung công việc thuộc trách nhiệm của người đứng đầu.

Nêu cao ý thức, trách nhiệm trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Trong báo cáo gửi Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá, nhìn chung, việc chấp hành pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo của các địa phương, đơn vị khá tốt; công tác tiếp nhận và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo đã được lãnh đạo UBND các cấp, các ngành quan tâm, giải quyết kịp thời. Đặc biệt, trong công tác hòa giải ở cơ sở, công tác tổ chức gặp gỡ, đối thoại của lãnh đạo các địa phương đã nêu cao ý thức, trách nhiệm, xem xét vụ việc có lý, có tình.

Đồng thời, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra những thiếu sót (chủ yếu về trình tự, thủ tục, hình thức văn bản, về cách thức tiến hành giải quyết một vụ việc khiếu nại, tố cáo; về tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật...) cần khắc phục, chấn chỉnh nhằm đưa công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân ngày càng đi vào nề nếp, bảo đảm đúng các chế định của pháp luật, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn.

Các ưu điểm, kết quả đã được chỉ ra, như công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được Chủ tịch UBND các cấp, Thủ trưởng các ngành quan tâm thực hiện nghiêm túc; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức được thực hiện thường xuyên.

Đồng thời, địa phương đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, do đó đã giải quyết kịp thời, nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu kiện đông người, phức tạp kéo dài, phát sinh thành điểm nóng, góp phần giữ vững ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Dù vậy, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới, cụ thể: có những vụ việc đã được giải quyết nhiều lần với nhiều biện pháp khác nhau, mặc dù đã bảo đảm về chính sách, pháp luật, có lý, có tình nhưng người khiếu nại vẫn cố tình không chấp nhận kết quả giải quyết.

Năng lực, trình độ và kỹ năng của một bộ phận cán bộ tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Đáng chú ý, trong báo cáo của mình, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế dự báo, trong thời gian tới, tình hình khiếu kiện phức tạp có khả năng tiếp tục phát sinh trên địa bàn liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án như việc giải tỏa các hộ còn tồn đọng bờ sông Hương - phường Phú Cát, Dự án Đầu tư bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế, Dự án mở rộng Quốc lộ 1A, Dự án mặt bằng khu công nghiệp Phong Điền Viglacera, Dự án Khu du lịch - dịch vụ ở huyện Phú Lộc, Phú Vang, các dự án tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn; Dự án Green City...
Hồng Đăng

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra