Thanh tra Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ tư, 10/07/2024 14:48
(ThanhtraVietNam) - Thực hiện Công văn số 1379/TTCP-BTCDTW ngày 02/7/2024 của Thanh tra Chính phủ, ngày 10/7/2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có buổi làm việc với Tổ công tác Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo và nắm tình hình một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương, Tổ trưởng Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ; ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tham dự và chủ trì buổi làm việc.

Công khai, minh bạch hoạt động các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 07/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kế hoạch 633/KH-TTCP ngày 27/02/2023 của Thanh tra Chính phủ.

Theo đó, ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15. Ngày 18/4/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 148/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 07/10/2022 và các kiến nghị của Đoàn giám sát tại Báo cáo số 334/BC-ĐGS. Trong đó, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác tiếp công dân, xử lý đơn và giải quyết khiếu nại, tố cáo; đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định của pháp luật; hạn chế tối đa các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, tập trung khiếu kiện vượt cấp,... nhằm góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh buổi làm việc của Tổ công tác Thanh tra Chính phủ với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Tính từ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết đến thời điểm báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân định kỳ tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh 18/18 kỳ, đạt tỷ lệ 100%, đã tiếp 182 lượt công dân, với 263 người được tiếp. Ngoài ra, cùng kỳ (ngày) Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân định kỳ, do số lượng công dân đông nên đã ủy quyền các Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng tham gia tiếp công dân, đã tiếp 141 lượt công dân, với 196 người được tiếp; Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp 333/338 kỳ, đạt tỷ lệ 98,52%, đã tiếp 507 lượt công dân; Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tiếp 8.547/9.457 kỳ, đạt tỷ lệ 90,38%, đã tiếp 2.391 lượt công dân.

Cùng kỳ, toàn tỉnh đã tiến hành 18 cuộc thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại 23 đơn vị, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra những thiếu sót (chủ yếu về trình tự, thủ tục, hình thức văn bản, về cách thức tiến hành giải quyết một vụ việc khiếu nại, tố cáo; về tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật...) cần khắc phục, chấn chỉnh nhằm đưa công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân ngày càng đi vào nề nếp, bảo đảm đúng các chế định của pháp luật, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Mặc dù các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng do trách nhiệm tiếp công dân của chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở thực hiện chưa tốt, chưa thường xuyên, dẫn đến vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục triệt để, như: Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đối với công tác tiếp công dân, chưa đáp ứng hết nhu cầu gặp trực tiếp lãnh đạo để giải quyết những nguyện vọng chính đáng của công dân; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo sau khi đã chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền có lúc chưa thường xuyên, thiếu kịp thời; việc giải quyết một số đơn khiếu nại, tố cáo của một số xã, phường, phòng, ban còn chậm, chưa thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cao; một số nội dung đơn khiếu nại, tố cáo có diễn biến phức tạp nhưng chưa được xem xét, giải quyết dứt điểm ngay từ đầu khi mới phát sinh, dẫn đến tình trạng công dân khiếu kiện vượt cấp, kéo dài...

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân, UBND tỉnh xác định nhiệm vụ những năm tiếp theo là tiếp tục chủ động, kịp thời xử lý, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài; theo dõi, nắm chắc tình hình để giải quyết ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra “điểm nóng” gây phức tạp về an ninh chính trị và trật tự xã hội, tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp như: Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị;  tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tổ chức giám sát, kiểm tra và thi hành nghiêm túc các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; chú trọng thực hiện công khai minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo…

Giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên

Về kết quả rà soát, giải quyết theo Kế hoạch 363/KH-TTCP ngày 20/03/2019 của Thanh tra Chính phủ, trên cơ sở Quyết định số 1849/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 582/QĐ-UBND ngày 08/3/2019 về thành lập Tổ công tác chỉ đạo giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và được kiện toàn bằng các Quyết định số 3287/QĐ-UBND ngày 25/12/2020, Quyết định 1784/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 (Tổ công tác).

UBND tỉnh đã giao cho Thanh tra tỉnh chủ trì cùng các Sở, ban, ngành thành lập Bộ phận giúp việc cho Tổ công tác. Ngày 18/7/2019, Tổ công tác đã ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND về việc kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài và yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, các Sở, ban, ngành cấp tỉnh xây dựng kế hoạch để tiến hành kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp kéo dài do địa phương, đơn vị mình quản lý.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương

Với mục tiêu giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của các cấp, các ngành, trước hết là từ nơi phát sinh vụ việc khiếu nại, tố cáo. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế còn 01 vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài (vụ việc Đan viện Thiên An khiếu nại đòi quyền sở hữu sử dụng đất và rừng thông tại đồi Thiên An, xã Thuỷ Bằng, thành phố Huế).

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng báo cáo kết quả nhập liệu, sử dụng cơ sở Dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và triển khai mô hình tiếp công dân trực tuyến; việc phối hợp tổ chức tiếp công dân phục vụ Đại hội Đảng theo Kế hoạch 1233/KH-TTCP ngày 13/6/2024 của Thanh tra Chính phủ.

Đặc biệt là báo cáo tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, quá trình giải quyết của các cấp.

Mục tiêu cao nhất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn tại địa phương, đảm bảo thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Điệp, Tổ trưởng Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ đánh giá, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện, đặc biệt là việc việc tiếp dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính 3 cấp tại địa phướng, gắn tiếp dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trưởng ban TCDTW đề nghị, Tỉnh quan tâm giải quyết hết nội dung vụ việc thay vì đơn thuần giải quyết hết thẩm quyền, đặc biệt phấn đấu đạt tỷ lệ giải quyết tối thiểu các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền (85%) như Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với việc rà soát các vụ việc phức tạp, kéo dài, Tổ trưởng Tổ công tác chia sẻ với địa phương về vấn đề lịch sử, về sự chồng chéo của các quy định pháp luật có liên quan và phần nào là sự không phối hợp, hợp tác của một bộ phận nhỏ công dân. Tổ trưởng nhấn mạnh, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các bước của Kế hoạch 363/KH-TTCP và căn cứ vào tiêu chí và hướng dẫn của Kế hoạch 363/KH-TTCP, địa phương chủ động kiện toàn Tổ công tác và lập danh sách các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài (nằm ngoài danh sách 1.003 vụ việc) để rà soát; báo cáo kết quả rà soát về Thanh tra Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, ưu tiên kiểm tra, rà soát các vụ việc đông người, phức tạp về an ninh, trật tự.

leftcenterrightdel
 Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp - Tổ trưởng Tổ công tác

Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương cũng đề nghị, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm hơn nữa đến đội ngũ tiếp công dân, nhất là đội ngũ chuyên trách; quan tâm và dành nguồn lực cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là kỹ năng, kinh nghiệm trong tiếp dân, xử lý đơn thư và xử lý đơn thư liên quan đến công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp, ứng viên bầu cử Đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2026 - 2031; đổi mới hình thức, nội dung và lựa chọn vấn đề tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hiệu quả.

Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, nhất là sự phối hợp giữa sở, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan của Tỉnh trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường phối hợp giữa địa phương với các cơ quan Trung ương, với Thanh tra chính phủ và Trụ sở Tiếp công dân Trun gương; triển khai thực hiện mô hình luật sư tư vấn miễn phí tại Ban tiếp công dân của địa phương.

Đánh giá cao về việc thực hiện tổ chức tiếp công dân trực tuyến giữa cấp tỉnh và cấp huyện tại địa phương, Trưởng ban Tiếp công dân cho rằng, Thừa Thiên Huế là một trong số ít địa phương thực hiện tiên phong và hiệu quả, đồng thời đề nghị Tỉnh cử sớm kết nối với Trụ sở Tiếp công dân Trung ương để Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương và đại diện các cơ quan Trung ương tại Trụ sở cùng lới lãnh đạo UBND Tỉnh có thể cùng tiếp, đối thoại với công dân khi địa phương đề nghị. Cùng với đó, tăng cường công tác phối hợp, chú trọng đi vào thực chất, hiệu quả, đề nghị thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, cũng như cuung cấp các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo, thông báo kết luận tiếp dân định kỳ của lãnh đạo UBND tỉnh để Trụ sở theo dõi, tổng hợp.

Trước khi kết thúc phần kết luận của mình, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương “gợi ý” địa phương cần chủ động theo dõi, nắm tình hình về khiếu kiện, tranh chấp liên quan đến đất đai nông, lâm trường và tình hình liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất trên bàn, không để bị động, bất ngờ và hoàn toàn chủ động trong việc xử lý khi phát sinh “vấn đề”, tất cả vì mục tiêu cao nhất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn tại địa phương, đảm bảo thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, bầu cử đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội sắp tới./.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra