Trách nhiệm xử lý sau thanh tra của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước

Thứ năm, 01/12/2022 15:17
(ThanhtraVietNam) - Ngành Thanh tra đã cố gắng, nỗ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ, đạt nhiều kết quả tích cực, được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Tuy nhiên, kết quả xử lý sau thanh tra đạt tỷ lệ chưa cao và còn tồn tại, hạn chế. Quy định của pháp luật về trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan ban hành kết luận thanh tra trong kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra ra sao?

Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cần phê duyệt kế hoạch thanh tra đúng quy định

Mục tiêu, yêu cầu về xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2023

Thanh tra Chính phủ giao ban với thanh tra các bộ, ngành

Xử lý sau thanh tra đạt tỷ lệ chưa cao

Trong 9 tháng đầu năm 2022, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 5.586 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 3.440 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện, chiếm 61,6% tổng số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra trong kỳ.

Thanh tra Chính phủ đã tiến hành theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra theo quy định và triển khai các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện kết luận thanh tra, tham mưu, giúp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng.

Báo cáo tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, toàn ngành Thanh tra đã cố gắng, nỗ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào thành tựu chung của cả nước, được dư luận đồng tình, đánh giá cao.

Tuy nhiên, hoạt động xử lý sau thanh tra còn có một số tồn tại, hạn chế; một số cuộc thanh tra còn chậm ban hành kết luận thanh tra; kết quả xử lý sau thanh tra đạt tỷ lệ chưa cao; thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn đạt tỷ lệ thấp…

leftcenterrightdel
 Đại tá Lương Ngọc Dùng, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra với UBND tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Bùi Dũng Trí - Thanh tra Bộ Công an

Trong 15 ngày phải tổ chức chỉ đạo thực hiện kết luận

Theo Luật Thanh tra hiện hành, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra, xử lý kịp thời kết luận, kiến nghị thanh tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

Về xử lý và chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra, Luật Thanh tra quy định, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết luận thanh tra hoặc nhận được kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp hoặc Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra.

Nội dung chỉ đạo bao gồm, xử lý, yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý sai phạm về kinh tế; xử lý, yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật; ap dụng, yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật và xử lý vấn đề khác thuộc thẩm quyền trong kết luận thanh tra.

Người có trách nhiệm xử lý kết luận thanh tra mà không xử lý hoặc xử lý không đầy đủ thì bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Nghị định 86/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra tiếp tục xác định rõ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm xử lý kịp thời kết luận, kiến nghị thanh tra; ban hành quyết định xử lý về thanh tra; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm; khắc phục kịp thời sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý. Thủ trưởng cơ quan thanh tra nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.

Sai phạm phải được xử lý nhanh chóng, nghiêm minh

Ngày 27/3/2015 Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 33/2015/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện kết luận thanh tra và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra.

Theo đó, kết luận thanh tra phải được đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm chỉnh; sai phạm được xác định cụ thể, rõ ràng trong kết luận phải được xử lý nhanh chóng, nghiêm minh; kiến nghị, yêu cầu phải được xem xét, xử lý kịp thời và phải được cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.

Riêng nội dung đang được thanh tra lại, nội dung kết luận thanh tra xin ý kiến chỉ đạo mà chưa có ý kiến chỉ đạo xử lý của người có thẩm quyền thì chưa bắt buộc phải thực hiện.

Về chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra, Nghị định nêu rõ, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra có trách nhiệm ban hành văn bản chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra khi có một trong các trường hợp sau: kết luận thanh tra có nội dung xin ý kiến chỉ đạo thực hiện; nội dung kết luận thanh tra có yếu tố nước ngoài; nội dung kiến nghị xử lý trong kết luận thanh tra phù hợp với quy định của pháp luật nhưng thiếu tính khả thi; kết luận thanh tra mà thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với cơ quan ban hành kết luận thanh tra cần có văn bản chỉ đạo thực hiện.

Văn bản chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra phải thể hiện rõ ý kiến về kiến nghị trong kết luận thanh tra; về việc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra; xác định rõ trách nhiệm, thời gian triển khai và thời hạn báo cáo kết quả thực hiện của đối tượng thanh tra, cơ quan ban hành kết luận thanh tra, cơ quan quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện kết luận thanh tra.

Văn bản chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý, văn bản yêu cầu, kiến nghị về thanh tra phải được gửi cho cơ quan ban hành kết luận thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện./.

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra