Điều kiện nâng bậc lương của cán bộ quốc phòng
Nghị định 19/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chế độ tiền lương của công nhân quốc phòng và chế độ phụ cấp thâm niên đối với viên chức quốc phòng, có hiệu lực thi hành từ 15/4. Theo đó, công nhân, viên chức quốc phòng phục vụ trong quân đội đủ 5 năm thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ 6 trở đi mỗi năm được tính thêm 1%. Công nhân quốc phòng có hệ số lương từ 3,95 trở xuống, luôn hoàn thành công việc được giao, không vi phạm kỷ luật từ khiển trách trở lên và đạt tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật quy định sẽ được nâng lên một bậc lương sau 2 năm giữ bậc lương và sau 3 năm đối với người có hệ số lương trên 3,95. Trong thời hạn xét nâng bậc lương, nếu bị kỷ luật hình thức khiển trách thì kéo dài thời hạn nâng bậc lương 6 tháng; bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên thì kéo dài thời hạn lên 12 tháng. Trường hợp lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì được nâng bậc lương trước thời hạn tối đa 12 tháng hoặc vượt bậc.
Điều kiện tuyển sinh trường quân đội
Từ ngày 14/4, Các trường quân đội chỉ xét tuyển đối với thí sinh đăng ký nguyện vọng 1; thí sinh đã tham gia sơ tuyển vào trường thuộc Bộ Công an thì không tham gia sơ tuyển vào trường thuộc Bộ Quốc phòng. Đối tượng tuyển sinh bao gồm: Nam, nữ thanh niên ngoài quân đội và nữ quân nhân; Hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự, có thời gian phục vụ tại ngũ 12 tháng trở lên tính đến tháng 4 năm tuyển sinh (trước đây là 6 tháng) và quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng phục vụ quân đội đủ 12 tháng trở lên (tính đến tháng 9 năm tuyển sinh).
Thời gian đăng ký sơ tuyển vào các trường quân đội từ ngày 1/3 đến ngày 25/4 hàng năm, thay vì từ 10/3 đến trước ngày10/5 hàng năm như trước.
(Thông tư 42/2017/TT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17/2016/TT-BQP quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường trong Quân đội, có hiệu lực từ ngày 14/4)
Danh mục hàng hóa cấm xuất - nhập khẩu thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng
Thông tư 40/2017/TT-BQP công bố danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý của Bộ Quốc phòng.
Theo đó, đã bổ sung thêm một số hàng hóa vào danh mục cấm so với trước đây. Đơn cử như sau:
- Thiết bị tác chiến điện tử, phá sóng, gây nhiễu, chặn thu, giám sát thông tin vô tuyến điện và thông tin vệ tinh… chuyên dùng quân sự;
- Xe chuyên dùng quân sự như xe cứu hộ, xe kéo, xe vận chuyển các hệ thống vũ khí và trang thiết bị khí tài chuyên dùng quân sự;
- Vũ khí sinh học, hóa học, nguyên tử, hạt nhân, vũ khí phóng xạ, vũ khí hủy diệt, vũ khí giết người hàng loạt và dây chuyền công nghệ sản xuất ra các loại vũ khí này;
- Trang thiết bị đặc chủng chuyên dùng quân sự của các lực lượng đặc nhiệm, đặc công, trinh sát, tình báo, hóa học;
- Phần mềm được thiết kế đặc biệt cho mô hình hóa, giả lập hay đánh giá các hệ thống vũ khí quân sự; phần mềm xác định tính hiệu quả của các vũ khí sinh học, vũ khí hóa học, nguyên tử…;
- Áo giáp chống đạn, mũ chống đạn, mặt nạ phòng độc, quần áo đặc chủng, khí tài lặn chuyên dùng quân sự;
- Trang bị bổ trợ cho huấn luyện và chiến đấu (mô hình súng đạn, vũ khí, nghi binh, ngụy trang…);
Thông tư 40/2017/TT-BQP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 04 năm 2017.
Hỗ trợ tiền cho cán bộ kiểm tra hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính
Từ 15/4, cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng được hỗ trợ tối đa 500.000 đồng/hồ sơ. Đó là quy định mới theo Thông tư 19/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước cho công tác quản lý Nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực từ ngày 15/4.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam được huy động vốn từ dân
Theo Nghị định 10/2017/NĐ-CP của Chính phủ, từ 01/4/2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được quyền huy động vốn của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhưng phải đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của EVN tại thời điểm gần nhất với thời điểm huy động vốn không vượt quá 3 lần. EVN không được huy động vốn để đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản, tài chính.
Ô tô trên 7 chỗ và xe máy phải dán nhãn năng lượng
Quyết định 04/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định Danh mục phương tiện, thiết bị phải dãn nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện sẽ có hiệu lực từ ngày 25-4
Theo quy định, lộ trình thực hiện dán nhãn năng lượng đối với nhóm phương tiện GTVT (sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới) được quy định như sau:
- Thực hiện dán nhãn năng lượng tự nguyện đối với: Xe mô tô, xe máy đến hết 31-12-2019; xe ô tô con loại trên bảy chỗ đến chín chỗ đến hết ngày 31-12-2017;
- Thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với: Xe mô tô, xe máy từ ngày 1-1-2020; xe ô tô con loại bảy chỗ trở xuống; xe ô tô con trên bảy chỗ đến chín chỗ từ ngày 1-1-2018.
Đối với nhóm thiết bị văn phòng và thương mại: Thực hiện dán nhãn năng lượng tự nguyện đối với máy tính xách tay đến hết ngày 31-12-2019; dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với máy tính xách tay từ ngày 1-1-2020...
Thi hộ sẽ bị buộc thôi học
Theo Thông tư 09/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, từ ngày 26/4, sinh viên học trung cấp, cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ nhờ thi hộ và người học thi hộ sẽ bị đình chỉ học tập 1 năm với lần vi phạm thứ nhất và buộc thôi học với lần vi phạm thứ hai.
Rút gọn trình tự báo cáo kiểm toán của KTNN
Quyết định 01/2017/QĐ-KTNN của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) ban hành quy định trình tự lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành báo cáo kiểm toán của KTNN
Theo đó, trình tự các bước lập, thẩm định, xét duyệt và phát hành báo cáo kiểm toán như sau:
- Lập dự thảo báo cáo kiểm toán;
- Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán tổ chức xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán;
- Tổng Kiểm toán nhà nước tổ chức xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán;
- Hoàn thiện dự thảo báo cáo kiểm toán, gửi lấy ý kiến đơn vị được kiểm toán;
- Thông báo kết quả kiểm toán với đơn vị được kiểm toán;
- Phát hành báo cáo kiểm toán
Như vậy, so với quy định hiện nay tại Quyết định 03/2008/QĐ-KTNN thì:
- Trình tự các bước để tiến tới phát hành báo cáo kiểm toán của KTNN đã có phần rút gọn từ 7 bước xuống còn 6 bước.
- Thẩm quyền xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán sau khi lập được thực hiện bởi Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chứ không phải Kiểm toán trưởng.
Quyết định này sẽ có hiệu lực thi hành từ 10/4./.
H.T(TH)