Cụ thể, Hướng dẫn 06 nêu ra 4 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là: (1) Lãnh đạo VKSND các cấp quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/4/2018, quy định phối hợp trong việc báo cáo, thông báo kết quả giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp và Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/9/2018, quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về KNTC; Quy định về quy trình giải quyết KNTC; kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp; (2) Nâng cao trách nhiệm của Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp; (3) Chú trọng thực hiện công tác giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền đảm bảo thời hạn, đúng quy định; tăng cường công tác đối thoại trong giải quyết khiếu nại; giải quyết dứt điểm các vụ việc KNTC kéo dài, có dấu hiệu oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm; (4) Năm 2020, tiếp tục xác định khâu công tác đột phá là kiểm sát việc giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp. Đảm bảo các chỉ tiêu, chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp.
Bên cạnh những nhiệm vụ trọng tâm trên, Hướng dẫn 06 còn nêu 5 nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, quản lý đơn
VKSND các cấp phải tăng cường công tác tiếp công dân, gắn công tác tiếp công dân với trách nhiệm giải quyết KNTC; tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân theo đúng quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013 và quy chế, quy định của Ngành.
Đơn vị Kiểm sát và giải quyết đơn KNTC trong hoạt động tư pháp của VKSND các cấp (đơn vị 12) chịu trách nhiệm trong việc tham mưu và tổ chức thực hiện các buổi tiếp, đối thoại với công dân của lãnh đạo VKSND cấp mình. Đơn vị 12 của VKSND các cấp quản lý chặt chẽ đơn từ các nguồn gửi đến VKSND cấp mình, kịp thời xử lý ngay sau khi tiếp nhận, đảm bảo thời hạn giải quyết KNTC và kiểm sát việc giải quyết vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của VKSND cấp mình.
Cán bộ VKS tiếp công dân (Ảnh: Internet)
2. Công tác giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền
VKSND các cấp thực hiện đúng quy định tại Quy chế số 51 ngày 02/02/2016 về việc phân công trách nhiệm đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp trong việc tham mưu giúp Viện trưởng VKSND cấp mình giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền. Qua giải quyết KNTC thuộc thẩm quyền, nếu phát hiện dấu hiệu oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm, cần phải hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại (nếu là giải quyết lần 2), hủy bỏ hoặc yêu cầu hủy bỏ quyết định tố tụng trái pháp luật để giải quyết lại vụ việc theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời khắc phục vi phạm.
3. Công tác kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật
Đối với trường hợp đơn đề nghị xem xét quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật đủ điều kiện được xem xét lại theo Điều 14 Quy chế số 51, đơn vị 12 có trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo VKSND cấp mình yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới báo cáo và cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại để tiến hành kiểm tra theo trình tự, thủ tục quy định tại Quy trình số 546. Công tác kiểm tra ở Viện kiểm sát mỗi cấp phải đạt từ 70% trở lên.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra chéo giữa các đơn vị nghiệp vụ về việc thực hiện trách nhiệm tham mưu kiểm sát và giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp của VKSND cấp mình theo Quy chế số 51, kịp thời phát hiện vi phạm, sai sót để có biện pháp khắc phục, rút kinh nghiệm. Qua kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm, cần phải hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và yêu cầu hủy bỏ quyết định tế tụng trái pháp luật đề giải quyết lại vụ việc theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời khắc phục vi phạm.
4. Công tác kiểm sát việc giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp
VKSND các cấp thực hiện nghiêm túc trình tự, thủ tục tiến hành kiểm sát việc giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 02 và Quy trình số 546 của Ngành, hoàn thành các chỉ tiêu về kiểm sát trực tiếp và kiểm sát vụ việc theo quy định.
Mỗi cấp kiểm sát phải thực hiện kiểm sát từ 70% trở lên số vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết; kết thúc việc kiểm sát phải ban hành văn bản thể hiện quan điểm của Viện kiểm sát về vụ việc được kiểm sát; lãnh đạo VKSND các cấp cần có biện pháp chỉ đạo để các đơn vị nghiệp vụ liên quan và Văn phòng phối hợp chặt chẽ với đơn vị 12 trong việc tiếp nhận thông tin về việc thụ lý, giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp của các co quan tư pháp cùng cấp.
5. Công tác kiểm tra, báo cáo
VKSND các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan cùng cấp thực hiện trong việc báo cáo, thông báo về công tác giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01, kịp thời cung cấp có số liệu đảm bảo chính xác; đơn vị 12 có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát việc giải quyết KNTC trong hoạt động tư pháp thuộc Viện kiểm sát các cấp để quản lý kết quả kiểm sát việc giải quyết KNTC của các đơn vị này, phục vụ cho việc xây dựng báo cáo Quốc hội của Viện trưởng VKSND tối cao hoặc các báo cáo khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền./.
QA