Khắc phục chậm trễ trong xây dựng và ban hành Kết luận thanh tra

Thứ ba, 20/08/2024 07:00
(ThanhtraVietNam) - Trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, một trong những vấn đề nổi cộm là việc xây dựng và ban hành Kết luận thanh tra thường xuyên chậm trễ. Do đó, Luật Thanh tra năm 2022 đã có những thay đổi quan trọng nhằm giải quyết tình trạng này.
leftcenterrightdel
 

Luật Thanh tra năm 2022 đã có những sửa đổi và bổ sung quan trọng để khắc phục tình trạng chậm trễ và đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong việc ban hành Kết luận thanh tra.

Theo Ths. Nguyễn Thị Hồng Thắm, Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, về thời hạn xây dựng và ban hành Kết luận thanh tra:

Luật Thanh tra năm 2022, từ Điều 73 đến Điều 79, quy định rõ ràng và chi tiết thời hạn xây dựng và ban hành Kết luận thanh tra. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra, Người ra quyết định thanh tra giao Trưởng đoàn thanh tra xây dựng dự thảo Kết luận thanh tra. Thời gian xây dựng dự thảo Kết luận thanh tra được tính từ ngày Người ra quyết định thanh tra giao xây dựng dự thảo Kết luận thanh tra và được quy định theo thẩm quyển của cơ quan thanh tra, cụ thể:

  • Thanh tra Chính phủ: Thời gian tối đa để xây dựng dự thảo này là 30 ngày, nhưng có thể kéo dài không quá 45 ngày nếu vụ việc phức tạp.
  • Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục, Thanh tra tỉnh: Thời gian xây dựng dự thảo tối đa là 20 ngày, có thể kéo dài không quá 30 ngày trong trường hợp phức tạp.
  • Thanh tra sở, Thanh tra huyện: Thời gian xây dựng dự thảo tối đa là 15 ngày, và có thể kéo dài không quá 20 ngày trong trường hợp phức tạp.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được dự thảo Kết luận thanh tra, Người ra quyết định thanh tra phải ký ban hành Kết luận thanh tra. Quy định này tra sẽ khắc phục việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, góp phần loại bỏ tình trạng chậm ban hành Kết luận thanh tra.

Về vấn đề báo cáo trước khi ban hành Kết luận thanh tra:

Luật cũng quy định cụ thể thời hạn cho Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp khi nhận được dự thảo Kết luận thanh tra. Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận văn bản báo cáo, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung được báo cáo. Nếu không trả lời hoặc không có ý kiến khác với dự thảo Kết luận thanh tra, Kết luận thanh tra sẽ được ban hành ngay. Nếu có ý kiến bổ sung hoặc làm rõ về nội dung dự thảo Kết luận thanh tra thì chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đó, Người ra quyết định thanh tra phải hoàn thiện, ban hành Kết luận thanh tra.

Về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp:

Luật Thanh tra năm 2022 bổ sung quy định về trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp trong việc đôn đốc, kiểm tra để đảm bảo Kết luận thanh tra được ban hành đúng thời hạn. Điều này giúp nâng cao trách nhiệm và giám sát chặt chẽ hơn trong quá trình ban hành Kết luận thanh tra.

"Như vậy, với những quy định mới này, Luật Thanh tra năm 2022 đã giải quyết được các bất cập trước đây, đảm bảo tính kịp thời, chính xác, và phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác thanh tra", Ths. Nguyễn Thị Hồng Thắm khẳng định.

Dương Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra