Lấy ý kiến về giải quyết khiếu nại trong Công an Nhân dân

Thứ hai, 06/09/2021 11:54
(ThanhtraVietnam) - Bộ Công an đã hoàn thiện dự thảo và đang tổ chức lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong vòng 2 tháng đối với Thông tư hướng dẫn việc tiếp nhận, phân loại và xử lý khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; giải quyết khiếu nại và quản lý công tác giải quyết khiếu nại trong Công an Nhân dân (CAND) và Thông tư quy định quy trình giải quyết khiếu nại trong CAND.

Tiếp nhận khiếu nại, kiến nghị, phản ánh qua dịch vụ bưu chính

Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc tiếp nhận, phân loại và xử lý khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; giải quyết khiếu nại và quản lý công tác giải quyết khiếu nại trong CAND gồm 5 chương 25 điều. Việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị, phản ánh trong tố tụng hình sự và thi hành án hình sự không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Dự thảo thông tư hướng dẫn phân loại khiếu nại, kiến nghị, phản ánh như sau:

- Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an là việc người khiếu nại theo thủ tục do pháp luật về khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong CAND xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

- Khiếu nại quyết định kỷ luật sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, học viên, công nhân Công an là việc cán bộ, chiến sĩ Công an căn cứ vào quy định của Bộ Công an và thủ tục do pháp luật về khiếu nại quy định, đề nghị cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong CAND xem xét lại quyết định kỷ luật khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

- Khiếu nại về chế độ chính sách, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, tuyển sinh, tuyển dụng, tiêu chuẩn chính trị, thi đua khen thưởng là việc cán bộ, chiến sĩ Công an căn cứ vào quy định của Bộ Công an và thủ tục do pháp luật về khiếu nại quy định, đề nghị Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong CAND xem xét lại quyết định về chế độ chính sách khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, trái quy định của Bộ Công an, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng hình sự là việc người khiếu nại theo thủ tục quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, đề nghị cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong Công an nhân dân xem xét lại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong CAND khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

- Khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền thi hành án hình sự là việc người, pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan theo thủ tục quy định tại Mục 1 Chương XIV Luật Thi hành án Hình sự năm 2019 đề nghị cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong CAND xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thi hành án hình sự khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

- Kiến nghị, phản ánh là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong CAND về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật, công tác quản lý các lĩnh vực thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị Công an.

Theo Dự thảo, khiếu nại, kiến nghị, phản ánh được tiếp nhận từ các nguồn sau: Do lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí và các cơ quan khác chuyển đến theo quy định của pháp luật; Do cá nhân, đại diện cơ quan, tổ chức đến cơ quan Công an để khiếu nại, kiến nghị, phản ánh trực tiếp; Gửi qua dịch vụ bưu chính và các nguồn hợp pháp khác. Cơ quan, đơn vị, cá nhân sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh hoặc văn bản ghi nội dung khiếu nại từ các nguồn nêu trên phải vào sổ và nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu trên máy tính để quản lý, theo dõi; phải đóng dấu “Đến” và ghi rõ ngày nhận đơn. Cán bộ xử lý hoặc người có thẩm quyền giải quyết có trách nhiệm bảo quản, không làm hư hỏng, thất lạc, không làm thay đổi hình thức và nội dung đơn.

Dự thảo cũng quy định cụ thể về việc xử lý đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của CAND; Xử lý đơn có nhiều nội dung thuộc nhiều cấp có thẩm quyền giải quyết trong CAND; Xử lý đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh không thuộc thẩm quyền giải quyết của CAND. Trong đó, Trưởng Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình và của cán bộ, chiến sĩ do mình quản lý trực tiếp. Trưởng Công an cấp huyện cũng có thẩm quyền tương tự và giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mà Trưởng Công an cấp xã đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn theo quy định nhưng chưa được giải quyết…

Trong trường hợp giải quyết khiếu nại có nội dung tố cáo thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền phải phân loại riêng nội dung khiếu nại, nội dung tố cáo để giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại và trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo.

Dự thảo Thông tư quy định Thanh tra Công an các cấp có trách nhiệm tiếp nhận, phân loại, xử lý khiếu nại, kiến nghị, phản ánh từ các nguồn chuyển đến; giúp Thủ trưởng Công an cùng cấp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết và quản lý đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại không thuộc lĩnh vực tố tụng hình sự và thi hành án hình sự có hiệu lực pháp luật của Thủ trưởng Công an cấp dưới; trường hợp phát hiện thấy hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức thì kiến nghị Thủ trưởng Công an cùng cấp hoặc người có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết để chấm dứt vi phạm, xem xét trách nhiệm, xử lý đối với người vi phạm…

Thanh tra Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Thông tư này trong toàn lực lượng Công an nhân dân. Thanh tra Công an các cấp có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Thông tư này trong phạm vi đơn vị, địa phương mình.

Công khai quyết định giải quyết khiếu nại trên phương tiện thông tin đại chúng

Dự thảo Thông tư quy định quy trình giải quyết khiếu nại trong CAND gồm 3 chương 26 điều, quy định quy trình giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật và quyết định về chế độ chính sách của cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong CAND.

Chương II quy định trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại gồm các bước: Thụ lý, chuẩn bị xác minh nội dung khiếu nại; Tiến hành xác minh nội dung khiếu nại; Ban hành, gửi công khai quyết định giải quyết khiếu nại và lập, quản lý hồ sơ giải quyết khiếu nại.

Theo đó, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật, quyết định về chế độ chính sách thuộc thẩm quyền giải quyết mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 Luật Khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai phải thụ lý giải quyết và thông báo việc thụ lý bằng văn bản cho người khiếu nại hoặc người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người khiếu nại.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành thông báo thụ lý hoặc thông báo không thụ lý giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính phải gửi đến người khiếu nại hoặc người đại diện hợp pháp của người khiếu nại và cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân chuyển khiếu nại đến. Trường hợp khiếu nại quyết định kỷ luật, quyết định về chế độ chính sách thì gửi thông báo đến người khiếu nại.

Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc Tổ xác minh làm việc trực tiếp và yêu cầu người có quyền, lợi ích liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại. Trường hợp người bị khiếu nại là cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền quản lý trực tiếp thì yêu cầu giải trình về nội dung bị khiếu nại, ý kiến đề xuất đối với việc giải quyết khiếu nại.

Trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu đối với khiếu nại quyết định kỷ luật, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải tổ chức đối thoại với người khiếu nại. Đối với khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định về chế độ chính sách, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xác minh tổ chức đối thoại nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau.

Đối với quyết định giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra cùng cấp.

Đối với quyết định giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật, quyết định về chế độ chính sách của cán bộ, chiến sĩ Công an: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra cùng cấp.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm công khai quyết định giải quyết khiếu nại bằng một trong các hình thức sau: Công bố tại cơ quan, đơn vị nơi người bị khiếu nại công tác (trước khi tiến hành công khai, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải có văn bản thông báo trước 3 ngày làm việc); Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, đơn vị đã giải quyết khiếu nại (thời gian niêm yết ít nhất là 15 ngày); Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.

Đăng Tân


TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra