Nghị định quy định rõ vị trí, chức năng, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra Thông tin và Truyền thông. Các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra Thông tin và Truyền thông gồm có cơ quan thanh tra nhà nước (Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông và Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông) và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (Cục Tần số vô tuyến điện; Cục Viễn thông; Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử; Cục báo chí; Cục Xuất bản, In và Phát hành và Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực).
Thanh tra bộ là cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông; tiến hành thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Thanh tra bộ được tổ chức các phòng nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ được giao; có trách nhiệm thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ thông tin và Truyền thông; thanh tra đối với các doanh nghiệp Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định thành lập; thanh tra việc thực hiện pháp luật chuyên ngành về báo chí; xuất bản; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghệ thông tin, điện tử; phát thanh và truyền hình; thông tấn... thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông...
Hoạt động của Thanh tra Thông tin và Truyền thông gồm hoạt động thanh tra hành chính và hoạt động thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông. Trong đó, hoạt động thanh tra chuyên ngành thông tin và truyền thông gồm thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, quy trình, quy phạm, chất lượng, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm: Các quy định về báo chí (bao gồm báo chí in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, thông tấn); các quy định về xuất bản (bao gồm xuất bản, in, phát hành); các quy định về thông tin đối ngoại; các quy định về quảng cáo trên báo chí (bao gồm báo in, tạp chí, báo điện tử, phát thanh, truyền hình), trên môi trường mạng và trên xuất bản phẩm; quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm, dịch vụ bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin;...
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định rõ tiêu chuẩn của Thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành và cộng tác viên thanh tra thông tin và truyền thông trên cơ sở các quy định tại Luật Thanh tra 2010 và Nghị định số 97/2011/NĐ-CP ngày 21/10/2011 của Chính phủ quy định về thanh tra viên và cộng tác viên thanh tra và các tiêu chuẩn chuyên ngành theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2013; bãi bỏ Nghị định số 115/2006/NĐ-CP ngày 04/10/2006.