Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

Thứ năm, 14/11/2013 10:49
Ngày 14/11/2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế

Ngày 14/11/2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế


Theo Nghị định, phạt tiền từ 200.000 đồng - 500.000 đồng đối với người hành nghề khám, chữa bệnh không đeo biển tên hoặc không sử dụng trang bị phòng hộ theo quy định của pháp luật; cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng; 01 - 02 triệu đồng hoặc 02 - 05 triệu đồng đối với hành vi không tổ chức định kỳ hàng năm việc truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động đối với cơ sở có sử dụng lao động từ 50 người đến dưới 100 người; 100 người đến dưới 200 người hoặc từ 200 người đến dưới 500 người.

Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với việc chỉ định sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hoặc gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám, chữa bệnh khác vì mục đích vụ lợi; phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế tại cơ sở không đủ điều kiện; không thực hiện đúng quy trình tiêm chủng an toàn theo quy định của pháp luật hoặc bán vắc xin, sinh phẩm y tế thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng; phạt tiền lần lượt từ 20 - 30 triệu đồng và 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi bán thuốc cho người bệnh dưới mọi hình thức, trừ người hành nghề khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ trong khám, chữa bệnh nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự và cá nhân hành nghề không có chứng chỉ hành nghề hoặc hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép, trừ trường hợp cấp cứu.

Mức phạt tiền từ 30 - 40 triệu này cũng được áp dụng đối với các hành vi cho thuê, mượn chứng chỉ hành nghề; không khẩn trương sơ cứu người bệnh, từ chối khám, chữa bệnh cho người bệnh; vi phạm quy định của pháp luật về chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh gây ra tai biến cho người bệnh; môi giới việc mua, bán bộ phận cơ thể người và sử dụng vắc xin không có số đăng ký hoặc đã hết hạn sử dụng...

Về thẩm quyền xử phạt của Thanh tra y tế, Điều 90 của Nghị định quy định:

1. Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 300.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; đến 500.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS, bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại Điểm b Khoản này;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các Điểm a, c và đ Khoản 1 Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

2. Chánh Thanh tra Sở Y tế và Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Sở Y tế có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; đến 37.500.000 đồng đối với vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế; đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại Điểm b Khoản này;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 3 Nghị định này.

3. Chánh Thanh tra Bộ và Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; đến 75.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế; đến 100.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 3 Nghị định này.

4. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 21.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; đến 35.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; đến 52.500.000 đồng đối với vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế; đến 70.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế;

c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại Điểm b Khoản này;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 3 Nghị định này.

5. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở, trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/12/2013.

Xem file đính kèm
ND176CP2013.doc

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra