Nghị định số 97/2013/NĐ-CP ngày 27/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng

Thứ hai, 25/11/2013 00:00
Ngày 27/8/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/10/2013 và thay thế các Nghị định số 145/2006/NĐ-CP ngày 30/11/2006; Nghị định số 104/2011/NĐ-CP ngày 15/11/2011; Nghị định số 105/2011/NĐ-CP ngày 15/11/2011 của Chính phủ.

Theo quy định của Nghị định, đối với hành vi vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu, đối tượng vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu bị phạt 30 - 100 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu từ 01 - 03 tháng. Nếu vi phạm sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu bị tẩy xóa, sửa chữa, cho thuê, cho mượn hoặc thuê, mượn giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu, ngoài hình thức phạt tiền, đối tượng vi phạm sẽ bị tịch thu Giấy phép.

Những hành vi vi phạm quy định về điều kiện sản xuất xăng dầu sẽ bị phạt từ 30 - 100 triệu đồng. Tổng đại lý kinh doanh xăng dầu vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng; mức phạt đối với đại lý bán lẻ xăng dầu vi phạm là từ 05 - 20 triệu đồng và của cửa hàng bán lẻ xăng dầu là từ 03 - 30 triệu đồng.

Nghị định cũng nêu rõ mức phạt 5-10 triệu đồng nếu không niêm yết hoặc niêm yết không đúng giá bán lẻ xăng dầu; niêm yết giá không đúng giá do thương nhân đầu mối quy định, bán không đúng giá niêm yết. Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm. Ngoài ra, cơ sở kinh doanh xăng dầu còn bị buộc nộp lại ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp đó, bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Đối với thương nhân đầu mối, sẽ bị phạt từ 60 - 100 triệu đồng nếu không thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục đăng lý giá bán xăng dầu, không thông báo hoặc không gửi quyết định về giá bán lẻ xăng dầu cho các đơn vị hệ thống phân phối trước thời điểm giá có hiệu lực thi hành; không chấp hành quy định về mức điều chỉnh giá, thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp khi điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu và thời gian tối đa giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp khi điều chỉnh giảm giá bán lẻ xăng dầu. Đối với hành vi gian lận về sử dụng phương tiện đo lường trong kinh doanh xăng dầu sẽ bị phạt từ 05 - 50 triệu đồng đồng thời áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu Chứng chỉ Kiểm định, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu; tịch thu phương tiện đo và các thiết bị khác; buộc nộp lại ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp đã thu được. Phạt từ 03 - 40 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về vận chuyển, buôn bán, trao đổi xăng dầu qua biên giới có giá dưới 100 triệu đồng và bị phạt 50 triệu đồng nếu giá trị xăng dầu vi phạm trên 100 triệu đồng, nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, song sẽ bị tịch thu số xăng dầu vi phạm.

Xem file đính kèm
ND97CP2013.doc

tranthanhhuyen
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra