|
|
Mẫu căn cước. Ảnh minh họa |
Đặc biệt, Luật Căn cước sẽ có những quy định mở rộng đối tượng được cấp căn cước so với quy định của Luật CCCD 2014. Ngoài ra, những người được cấp căn cước sẽ không có bị ràng buộc bởi quy định phải có nơi đăng ký thường trú mới được cấp căn cước.
Không bắt buộc cung cấp sinh trắc ADN và giọng nói
Luật Căn cước 2023 có hiệu lực từ ngày 1-7 có một số điểm mới đáng lưu ý.
Thứ nhất, là đổi tên từ CCCD sang căn cước.
Thứ hai, là CMND sẽ có giá trị sử dụng đến ngày 31/12/2024, tức là ngày từ ngày 01/01/2025 CMND sẽ không còn giá trị sử dụng nữa.
Thứ ba, những thẻ CCCD được cấp trước ngày 01/7/2024 vẫn tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trên thẻ của căn cước.
Như vậy, khi Luật Căn cước 2023 có hiệu lực thì người dân không bắt buộc phải đổi qua thẻ căn cước mà người có thẻ CCCD còn hạn vẫn có thể tiếp tục sử dụng. Khi công dân làm thủ tục cấp thẻ căn cước lần đầu sẽ không mất phí.
Ngoài ra, một quy định mới nữa mà mọi người dân cũng nên biết đó là sinh trắc mống mắt sẽ bắt buộc thu nhận trong việc cấp căn cước. Đối với sinh trắc ADN và giọng nói thì không bắt buộc người dân phải cung cấp khi thực hiện thủ tục cấp căn cước theo Luật Căn cước.
Tuy nhiên, dữ liệu sinh trắc ADN và giọng nói sẽ được chuyển vào cơ sở dữ liệu căn cước đối với những người được thu thập trong quá trình tố tụng do cơ quan tố tụng thực hiện trong vụ án hoặc xử lý hành chính để quản lý. Đối với công dân nào có nhu cầu thu thập AND và giọng nói thì đề nghị và vẫn được thu thập, được cập nhập trên dữ liệu căn cước của công dân đó. Việc thu thập ADN và giọng nói sẽ được thực hiện theo quy trình do Bộ Công an quy định.
|
“Một trong những nội dung được quan tâm nhất trong Luật Căn cước là việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người Việt Nam, gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Đây một quy định để giải quyết được những tồn tại do điều kiện lịch sử trước đây.
Hiện nay, vẫn còn nhiều những người gốc Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng. Thời gian vừa qua, những người này rất khó khăn trong việc được cấp giấy tờ để chứng minh nhân thân, họ bị hạn chế trong quá trình sinh hoạt cũng như các giao dịch. Từ ngày 01/7, theo quy định của Luật Căn cước 2023 thì chúng ta sẽ tiến hành cấp giấy chứng nhận căn cước cho những người này. Tuy nhiên, cũng phải lưu ý một điều rằng những người này phải có thời gian sinh sống tại địa phương từ sáu tháng trở lên thì mới được giải quyết cấp giấy chứng nhận căn cước”- Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải - Phó Trưởng phòng PC06, Công an TP.HCM chia sẻ.
|
Trẻ em mới sinh ra cũng được cấp căn cước
Đối tượng được cấp căn cước có điểm khác so với Luật CCCD. Cụ thể, ngoài đối tượng là người từ đủ 14 tuổi trở lên thì những người dưới 14 tuổi cũng được cấp căn cước.
Luật Căn cước 2023 quy định những người dưới 6 tuổi được cấp căn cước và được thực hiện qua yêu cầu trên dịch vụ công trực tuyến của người thân của trẻ.
Đối với người từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi, người thân có thể đưa đến cơ quan cấp căn cước để thu nhận các dữ liệu thông tin cũng như là sinh trắc của những công dân này và cấp căn cước.
Do đó, theo Luật căn cước những đứa trẻ mới vừa sinh ra cũng có thể được cấp căn cước.
Cấp giấy chứng nhận căn cước, căn cước điện tử
Điểm mới tiếp theo là Luật Căn cước 2023 quy định việc bỏ trường thông tin quê quán, vân tay và đặc điểm nhận dạng trên thẻ căn cước. Tức là những nội dung trên sẽ không in trên mặt của thẻ căn cước.
Tuy nhiên, những thông tin này vẫn có trong dữ liệu căn cước và được khai thác bằng chip điện tử trên thẻ căn cước đó.
Ngoài ra, những dữ liệu thông tin như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và giấy phép lái xe… có thể được đưa vào dữ liệu căn cước của công dân.
Cùng với đó, từ ngày 01/7/2024, mỗi công dân khi được cấp định danh điện tử mức độ 2 sẽ được cấp căn cước điện tử.
Trong thời điểm chuyển đổi số, việc cấp căn cước điện tử sẽ tạo điều kiện rất nhiều trong các giao dịch trên môi trường mạng để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.