Nội dung cơ bản của Nghị định số 73/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội

Thứ sáu, 13/08/2010 08:22
(Thanhtravietnam) - Ngày 12/7/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội (thay thế Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005).

Theo Nghị định này, ngoài việc tăng mức phạt tiền đối với phần lớn các hành vi vi phạm, tăng mức phạt tiền của các cá nhân có thẩm quyền xử phạt, Nghị định đã bổ sung thêm một số hành vi và áp dụng hình thức xử phạt hành vi vi phạm mới gồm:

1. Đối với nhóm hành vi vi phạm trật tự công cộng: Ngoài quy định phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng với các hành vi như báo thông tin giả đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; say rượu, bia gây mất trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự...; Nghị định 73/2010/NĐ-CP bổ sung các hành vi: thả diều, bóng bay, chơi máy bay, đĩa bay có điều khiển từ xa hoặc các vật bay khác ở khu vực sân bay, khu vực cấm; đốt và thả “đèn trời” trong thành phố, thị xã hoặc ở khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các khu vực kho, bãi, sân bay, cảng… cũng bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Viết, tán phát, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; tàng trữ, vận chuyển “đèn trời” với mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.
Các hành vi tàng trữ, cất giấu trong người, đồ vật, phương tiện giao thông, các loại dao, búa, các loại công cụ, phương tiện khác dùng trong lao động, sinh hoạt hằng ngày nhằm mục đích gây rối công cộng, cố ý gây thương tích cho người khác; sản xuất, nhập khẩu, buôn bán “đèn trời” trước đây chưa được quy định, nay đã được quy định cụ thể với mức phạt từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
Nghị định cũng quy định mức phạt từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi sản xuất, mua, bán dụng cụ tiêm, chích, hút, sử dụng chất ma túy. Mức phạt này cũng áp dụng với một trong những hành vi như cung cấp địa điểm, phương tiện cho người khác hút, tiêm, chích, sử dụng chất ma túy; môi giới, giúp đỡ, tạo điều kiện hoặc bằng các hình thức khác giúp cho người khác tiêm, chích, hút, sử dụng chất ma túy; kê đơn, cấp thuốc hoặc mua, bán các loại thuốc có chứa chất ma túy không đúng quy định; được phép cất giữ, sử dụng thuốc có chất ma túy, chất hướng thần hoặc các chất ma túy khác mà chuyển cho người không được phép cất giữ, sử dụng.

Ảnh mang tính minh họa


2. Đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú:


Nghị định quy định mức phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với các hành vi tổ chức kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, môi giới, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về cư trú. Đối với các hành vi sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giả; cho người khác nhập hộ khẩu vào sổ hộ khẩu, chỗ ở của mình để trục lợi; cho nhập hộ khẩu vào cùng một chỗ ở do thuê, mượn hoặc ở nhờ tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nhưng không đảm bảo diện tích tối thiểu là 5m2 sàn/người; ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người lao động không thuộc doanh nghiệp của mình để nhập hộ khẩu thì mức phạt tiền là từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng.

Phạt từ 1 đến 2 triệu đồng đối với các hành vi tẩy, xoá, sửa chữa hoặc làm sai lệch nội dung, hình thức giấy tờ hộ khẩu, sổ tạm trú; thuê, mượn hoặc cho thuê, cho mượn giấy tờ hộ khẩu để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật; sử dụng giấy tờ hộ khẩu để thực hiện hành vi trái pháp luật; không thực hiện việc đăng ký tạm trú cho khách lưu trú với cơ quan công an theo quy định...

Đối với các hành vi như: khai man, giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được đăng ký cư trú, cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; làm giả sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giả, hoặc cho người khác nhập vào sổ hộ khẩu của mình để trục lợi thì bị phạt từ 2 đến 4 triệu đồng.

3. Đối với nhóm hành vi vi phạm quy định về cấp và quản lý, sử dụng giấy chứng minh nhân dân và các giấy tờ tùy thân:

- Bổ sung các hành vi: Bỏ lại giấy chứng minh nhân dân sau khi bị kiểm tra, tạm giữ với mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng; Sử dụng chứng minh nhân dân để thế chấp nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác với mức phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.

- Ngoài ra, Nghị định số 73/2010/NĐ-CP còn tăng tiền phạt đối với một số vi phạm về đăng ký và quản lý cư trú, cấp, sử dụng chứng minh nhân dân, về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm bị cấm, về quản lý một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định tại Nghị định số 150/2005/NĐ-CP như: Sử dụng giấy chứng minh nhân dân của người khác tăng mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng lên 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn giấy chứng minh nhân dân, giấy tờ tùy thân tăng mức phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng lên thành phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng; khai man, giả mạo hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân; làm giả giấy chứng minh nhân dân; sử dụng giấy chứng minh nhân dân giả từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng lên thành phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng…

4. Trình tự, thủ tục, quản lý và sử dụng tiền thu phạt vi phạm hành chính

Cũng theo Nghị định 73/2010/NĐ-CP, đối với vi phạm hành chính mà hình thức xử phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 200 nghìn đồng thì người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt tại chỗ. Đối với vi phạm hành chính mà bị phạt tiền trên 200.000 đồng thì người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản về vi phạm hành chính theo quy định.

Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự phải nộp vào ngân sách Nhà nước qua tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước và trích lại 30% để cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính sử dụng vào các mục đích như quản lý, xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính; chi phí điều tra, xác minh, tạm giữ; chi khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc...

5. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của Công an nhân dân:

- Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 200.000 đồng.

- Trạm trưởng, Đội trưởng của chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 500.000 đồng.

- Trưởng Công an cấp xã có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 2.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có trị giá đến 2.000.000 đồng; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra; buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại.
- Trưởng Công an cấp huyện có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 10.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra; buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại.

- Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự (bao gồm Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát 113), Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 10.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

- Giám đốc Công an cấp tỉnh, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 30.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Công an.

- Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cục trưởng Cục Cảnh sát đường thủy, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục trưởng Cục Cảnh sát bảo vệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến mức tối đa quy định tại Nghị định này; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng các hình thức xử phạt trục xuất.

6. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp:

-  Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 2.000.000 đồng; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị đến 2.000.000 đồng; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra; buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 30.000.000 đồng; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra; buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền đến mức tối đa quy định tại Nghị định này; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thuộc thẩm quyền; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện; buộc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi và cây trồng, văn hoá phẩm độc hại.

Nghị định này bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2010.

Thùy Hoa

letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra