Pháp lệnh 16/2011/UBTVQH12 ngày 14/07/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Thứ năm, 14/07/2011 09:21
Pháp lệnh gồm 6 chương, 38 điều quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2012.

Theo Pháp lệnh, có 12 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, trong đó đáng chú ý nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí (trừ vũ khí thô sơ gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ). Nghiêm cấm các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; lạm dụng việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức…

Pháp lệnh cũng quy định, chỉ có 05 đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng là: Quân đội nhân dân; Công an nhân dân; Dân quân tự vệ; Kiểm lâm, lực lượng chống buôn lậu Hải quan, đơn vị Hải quan cửa khẩu và An ninh hàng không.

Bên cạnh đó, 04 đối tượng được trang bị vũ khí thể thao là: Các đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ; Câu lạc bộ, trường, trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao; Trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh; Tổ chức khác có nhu cầu trang bị vũ khí thể thao để tập luyện, thi đấu thể thao được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập, cấp phép hoạt động.

Quy định nổ súng là quy định đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ người được trang bị vũ khí đang thi hành công vụ, quyền sống, quyền bất khả xâm phạm thân thể của công dân.

Do đó, quy định trong Pháp lệnh chỉ cho phép nổ súng khi đối tượng đang dùng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang dùng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng, mục tiêu quan trọng; đối tượng thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ; động vật đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác…  

Cũng theo Pháp lệnh này, tổ chức, cá nhân không thuộc đối tượng được trang bị, sử dụng theo quy định của pháp luật mà có từ bất kì nguồn nào hoặc khi phát hiện, nhặt được vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì phải khai báo, giao nộp cho cơ quan Quân sự, Công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất.

Nguồn: Luatvietnam.vn

Xem file đính kèm
Phap lenh so 16.2011.doc


nguyenthuhang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra