Sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường có thực sự cần thiết?

Thứ ba, 11/04/2017 08:41
(ThanhtraVietnam) - Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính trả lời phóng viên về một số thông tin liên quan đến Luật Thuế Bảo vệ Mội trường (Sửa đổi).

P.V: Xin ông cho biết, sự cần thiết của việc sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường?                    

Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính: Trong thời gian gần đây, bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc: hình thành các khu vực thương mại tự do, toàn cầu hóa là một xu thế, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều nước đã có những cải cách mạnh mẽ hệ thống chính sách thuế của mình theo hướng tăng dần tỷ trọng thu từ các sắc thuế gián thu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, các khoản thuế nhằm mục đích bảo vệ môi trường...), giảm dần tỷ trọng thuế trực thu, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư để đảm bảo nguồn thu và bền vững cho ngân sách quốc gia.

Trước bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu, rộng, phải thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế (Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đã sử dụng chính sách thuế nội địa để thay thế cho thuế nhập khẩu phải cắt giảm theo các cam kết quốc tế; Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến nghị các nước sử dụng thuế nội địa để thực hiện các phương án cắt, giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế); Đồng thời, trước diễn biến khó lường của giá dầu trên thị trường thế giới trong thời gian gần đây (Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi giá dầu thế giới giảm và duy trì ở mức thấp, nhiều nước đã nghiên cứu điều chỉnh chính sách thuế theo hướng tăng và mở rộng đối tượng để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước), để đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập và chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới thì việc sử dụng các chính sách thuế nội địa, trong đó có chính sách thuế BVMT là một trong những công cụ tài chính hiệu quả và khả thi.

Tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã đề ra một trong các mục tiêu cần thực hiện là: “tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế và cơ chế tài chính quốc gia; huy động, phân phối, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; từng bước cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước”; đồng thời đưa ra một trong các giải pháp thực hiện là: “thực hiện các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng; rà soát, thu hẹp diện miễn, giảm thuế”.

Tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững đã đề ra một trong các mục tiêu thực hiện là: “cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”; đồng thời đề ra một trong các giải pháp thực hiện là: “tập trung cơ cấu lại nguồn thu; hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thuế thu từ tài sản, tài nguyên, BVMT”.

Tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì nội dung cải cách thuế BVMT là: “bổ sung đối tượng thu, điều chỉnh mức điều tiết nhằm góp phần hạn chế sử dụng những hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường sinh thái”.

Mặt khác, sau khi tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện cho thấy Luật thuế BVMT đã bộc lộ những vướng mắc, hạn chế (về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, thời điểm tính thuế, khung mức thuế, hoàn thuế) cần được nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.

Như vậy, để đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập phải thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu; chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới; thực hiện các mục tiêu, giải pháp về hoàn thiện thể chế, cơ chế tài chính, cơ cấu lại NSNN theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 và Nghị quyết số 07-NQ/TW nêu trên; đồng thời tháo gỡ những vướng mắc của chính sách thuế BVMT hiện hành, ngày 14/2/2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội. Ngày 10/3/2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ ký Tờ trình số 78/TTr-CP trình UBTVQH về đề nghị của Chính phủ bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội (dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2017).

Tại đề xuất đề nghị xây dựng dự án Luật đã đề xuất sửa đổi nhiều nội dung của Luật thuế BVMT, trong đó có đề xuất điều chỉnh khung thuế đối với một số hàng hóa như xăng dầu, túi ni lông thuộc diện chịu thuế, dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC).

Hiện Bộ Tài chính đang xây dựng dự án Luật thuế BVMT theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật để trình Chính phủ, trình UBTVQH, trình Quốc hội quyết định.

leftcenterrightdel

Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính. Ảnh: Hoài Thu 

 

P.V: Tại sao lại điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu, thưa ông?

Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính: Xăng dầu là sản phẩm chứa các chất hóa học, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường ở diện rộng. Các nước trên thế giới đã đưa xăng dầu vào đối tượng thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế BVMT nhằm mục đích BVMT với các tên gọi khác nhau như thuế nhiên liệu, thuế năng lượng, thuế phương tiện... Theo Luật thuế BVMT hiện hành thì xăng dầu thuộc đối tượng chịu thuế với khung thuế từ 1.000-4.000 đồng/lít.

Mức thuế BVMT cụ thể hiện hành đối với xăng dầu đã bằng mức tối đa trong khung thuế (nhiên liệu bay) hoặc gần bằng mức tối đa trong khung thuế. Theo đó, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh mức thuế BVMT cụ thể đối với xăng dầu để phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ là rất khó, đặc biệt trong điều kiện phải cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế và giá xăng dầu của Việt Nam hiện đang thấp hơn so với giá xăng dầu của các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN . Do đó, Bộ Tài chính đã đề xuất điều chỉnh nâng khung thuế BVMT từ 1.000-4.000 đồng/lít lên 3.000-8.000 đồng/lít.

Việc đề xuất điều chỉnh khung thuế đối với xăng dầu là nhằm:

(i) Chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới, đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế;

(ii) Đảm bảo tính ổn định của Luật, trình UBTVQH kịp thời điều chỉnh mức thuế cụ thể trong khung quy định mà Quốc hội đã giao cho UBTVQH để đảm bảo lợi ích quốc gia trong trường hợp giá dầu thế giới có biến động lớn;

(iii) Tránh chênh lệch nhiều về giá bán xăng dầu của Việt Nam với các nước có chung đường biên giới;

(iv) Nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường và khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường;

(v) Đảm bảo thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về BVMT.

P.V: Vậy đâu là cơ sở đề xuất điều chỉnh khung mức thuế BVMT đối với xăng dầu từ 1.000 đồng/lít-4.000 đồng/lít  (theo luật hiên hành) lên 3.000 đồng/lít-8.000 đồng/lít?

Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính: Hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia 11 Hiệp định thương mại tự do. Theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thì Việt Nam phải thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu.

Giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN. Theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào  ngày 3/4/2017 thì giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp (trong 180 nước thì Việt Nam đứng thứ 44 từ thấp đến cao và 136 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam, trong đó Philippines đứng thứ 55, Campuchia đứng thứ 58, Thái Lan đứng thứ 88, Lào đứng thứ 97). Với mức giá bán lẻ xăng Ron92 vùng 1 của Việt Nam (theo petrolimex)- cập nhật đến ngày 6/4/2017 là 17.230 đồng/lít, thấp hơn Lào là 4.806 đồng/lít, thấp hơn Campuchia là 2.826 đồng/lít, thấp hơn Thái Lan là 1.166 đồng/lít, thấp hơn Singapore là 16.175 đồng/lít, thấp hơn Philippines là 3.375 đồng/lít, thấp hơn Hồng Kông là 26.518 đồng/lít.

 Tỷ lệ thuế (gồm: thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế BVMT, thuế GTGT) trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp (37,24% đối với xăng; 21,14% đối với diesel; 11,5% đối với dầu hỏa; và 18,4% đối với mazút) so với nhiều nước (Hàn quốc là 70,3%; Campuchia khoảng 40%; Lào khoảng 56%).

Trên cơ sở tính toán tất cả các yếu tố nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị tăng khung mức thuế BVMT từ 1.000 đồng/lít-4.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít-8.000 đồng/lít là phù hợp (khung áp dụng cho lộ trình dài).

P.V: Có ý kiến cho rằng, việc tăng khung thuế BVMT đối với xăng dầu sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Quan điểm của Bộ Tài chính về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính:Việc đề xuất điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu được căn cứ vào nhiều yếu tố như cam kết quốc tế về cắt giảm dần thuế nhập khẩu, giá xăng dầu của Việt Nam so với các nước trên thế giới, tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ xăng dầu).

Khi đề xuất mức thuế BVMT cụ thể thì Bộ Tài chính sẽ phải có các đánh giá tác động của việc điều chỉnh mức thuế đến nền kinh tế trong nước để đảm bảo cùng với các giải pháp cải cách hành chính sẽ không làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

P.V: Hiện ngoài mặt hàng xăng dầu, một số hàng hóa khác cũng có những tác động nhất định tới môi trường như than, thép… Vậy, lý do nào để dự thảo này Bộ Tài chính chọn xăng là mặt hàng điều chỉnh khung thuế BVMT?

Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính:

Thực tế cuộc sống đã chứng minh, nhiều hàng hóa khi sử dụng sẽ thải ra môi trường các loại chất thải ô nhiễm gây tác động xấu đến môi trường, trong đó có nhiều hàng hóa khi sử dụng thải ra môi trường gây tác hại nghiêm trọng. Để giảm các tác động có hại đến môi trường và có nguồn lực để giải quyết vấn đề môi trường, hiện nay có một số chính sách thuế, phí, lệ phí thu vào việc sử dụng các hàng hóa này. Ví dụ như: Phí BVMT đối với nước thải (thu đối với nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt); phí BVMT đối với chất thải rắn (thu đối với chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại theo quy định của pháp luật); phí BVMT đối với khai thác khoáng sản (thu đối với các khoáng sản được khai thác như: dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, khoáng sản kim loại và khoáng sản không kim loại).

Luật thuế BVMT quy định 8 nhóm hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường thuộc đối tượng chịu thuế (thép không thuộc đối tượng chịu thuế BVMT). Qua đánh giá tổng thể khung thuế BVMT hiện hành, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh khung thuế của 3/8 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế, gồm xăng dầu, túi ni lông thuộc diện chịu thuế, dung dịch hydro-chloro-fluoro-cacbon (HCFC). Đối với 5 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế BVMT còn lại (trong đó có than đá), Bộ Tài chính không đề xuất điều chỉnh khung thuế do mức thuế cụ thể hiện hành đang được quy định bằng mức tối thiểu trong khung thuế.

P.V: Xin ông cho biết, Thuế BVMT hiện nay được sử dụng cho công tác BVMT như thế nào? Theo ông, việc tăng thuế BVMT có tác động như thế nào đến nhiệm vụ chi NSNN để giải quyết vấn đề về môi trường không?

Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính: Theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, thuế BVMT là khoản thu ngân sách nhà nước và được sử dụng chi thực hiện các nhiệm vụ chi theo Luật NSNN như chi đầu tư phát triển (chi đầu tư cho các dự án, chi đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp...), chi đảm bảo xã hội (bao gồm cả chi thực hiện các chính sách xã hội theo quy định),... Trong việc chi cho đầu tư phát triển, nhiều dự án quan trọng có tác động trực tiếp đến BVMT như xử lý nước thải, xây dựng, nâng cấp đường giao thông...

Riêng đối với kinh phí sự nghiệp môi trường: Bộ Tài chính đã có Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 6/1/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp BVMT (thay thế Thông tư liên tịch số 45/2010/TTLT-BTC-BTNMT ngày 30/3/2010). Tại điểm c Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 02/2017/TT-BTC quy định: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách nhà nước trong dự toán ngân sách hàng năm”.

Theo Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 1216/QĐ-TTg  ngày 05/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ) thì một trong các giải pháp thực hiện là tăng dần tỷ lệ chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho BVMT, phấn đấu đạt 2% tổng chi ngân sách).

Như vậy, hàng năm, ngân sách nhà nước vẫn bố trí riêng cho hoạt động sự nghiệp môi trường.

 L.A

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra