Thẩm quyền xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thống kê của thanh tra viên

Thứ hai, 22/11/2021 11:05
(ThanhtraVietNam) – Từ 1/1/2022, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê của thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ được Chính phủ phân công thực hiện các chỉ tiêu thống kê quốc gia sẽ có sự điều chỉnh theo Nghị định 100/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê.

Phân định lại thẩm quyền xử phạt vi phạm

Thẩm quyền xử phạt của thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ thuộc các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Tài chính, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Quốc phòng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các sở và cơ quan tương đương của các bộ, cơ quan ngang bộ này chỉ còn thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 5; khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.

Khoản 1 Điều 5 có nội dung: “Phạt cảnh cáo đối với hành vi trì hoãn việc thực hiện yêu cầu của điều tra viên thống kê theo quy định của phương án điều tra thống kê” và khoản 1 Điều 7 có nội dung: “Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp báo cáo chậm so với chế độ quy định: Dưới 5 ngày đối với báo cáo thống kê tháng; Dưới 10 ngày đối với báo cáo thống kê, báo cáo tài chính quý, 6 tháng, 9 tháng; Dưới 15 ngày đối với báo cáo thống kê, báo cáo tài chính năm”.

Thẩm quyền xử phạt của thanh tra viên được quy định tại khoản 1 Điều 13 và khoản 1 Điều 14 tại Nghị định cũ chỉ được phân định cho Chủ tịch UBND cấp huyện; Chánh Thanh tra sở; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở; Cục trưởng Cục Thống kê; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ.

Khoản 1, Điều 13 có nội dung: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Trích dẫn không ghi rõ nguồn thông tin thống kê khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm; Trích dẫn không đúng nguồn thông tin thống kê khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm”.

Khoản 1, Điều 14 có nội dung: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi để hư hỏng phiếu, biểu điều tra, báo cáo thống kê có chứa thông tin thống kê trong thời hạn lưu trữ theo quy định, nhưng còn khả năng khôi phục”.

Bên cạnh việc có quyền xử phạt cảnh cáo như thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ thì: Chánh Thanh tra sở; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Tổng cục Thống kê, Cục Thống kê; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp sở còn có quyền phạt tiền đến 15 triệu đồng; Cục trưởng Cục Thống kê; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành cấp bộ có quyền phạt tiền đến 21 triệu đồng; Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê; Chánh Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ có quyền phạt tiền đến 30 triệu đồng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục lại phiếu, biểu điều tra, báo cáo thống kê còn khả năng khôi phục…

leftcenterrightdel
Tổng cục Thống kê là cơ quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về thống kê; tổ chức các hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế - xã hội cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Ảnh: Thái Minh

Bỏ quy định xử phạt báo chí vi phạm về sử dụng thông tin thống kê

Về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định mới đã bổ sung nội dung: Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước về thống kê được giao; Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; Đơn vị sự nghiệp; Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam; Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện); Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã gồm: Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật; Hộ kinh doanh, hộ gia đình thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm.

Nghị định mới bổ sung trường hợp đối tượng vi phạm thực hiện hành vi vi phạm hành chính nhiều lần đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định này thì bị xử phạt về một hành vi vi phạm hành chính và áp dụng tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Nội dung “Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước về thống kê được giao thì không bị xử phạt vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan” đã được bãi bỏ khỏi Nghị định này.

Một điểm đáng chú ý của Nghị định này là sẽ không áp dụng quy định tại Điều 13 đối với nội dung vi phạm quy định về sử dụng thông tin thống kê để xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ quan báo chí, nhà xuất bản. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ quan báo chí, nhà xuất bản được thực hiện theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Đăng Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra