Trong việc giải quyết vấn đề môi trường, muốn có một môi trường xanh, sạch, đẹp có hàng trăm biện pháp được đề ra, trong đó biện pháp quan trọng nhất chính là thực thi pháp luật. Chúng ta có Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2014 rồi Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Du lịch... Tuy nhiên, luật ban hành ra nhưng hướng dẫn cụ thể việc thi hành luật đó như thế nào đối với cộng đồng thì còn chưa được rõ ràng, cụ thể. Do đó, còn nhiều lỗ hổng của pháp luật, nhiều người lợi dụng những kẻ hở của pháp luật, đặc biệt là những doanh nghiệp chưa có tâm, chỉ nặng về kinh tế mà xem nhẹ vấn đề môi trường.
Chuyên gia môi trường Đặng Hữu Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Ảnh: L.A
Trong quá trình phát triển doanh nghiệp, có nhiều doanh nghiệp nhìn rất có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, thể hiện cái tâm của người sản xuất. Tuy nhiên, cũng không ít các doanh nghiệp vì lợi ích trước mắt mà vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, đổ trộm chất thải ra môi trường, thậm chí có doanh nghiệp còn chấp nhận chịu phạt để vi phạm. Tại sao có trường hợp đó và tại sao càng ngày lại càng có nhiều doanh nghiệp cố tình vi phạm? Theo GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh, hiện nay, pháp luật chưa đủ sức răn đe, chưa được kiểm soát chặt chẽ và chưa cương quyết trong xử lý. Chúng ta cần kiên quyết bằng cách phạt rất nặng; nếu vẫn tái phạm thì đình chỉ việc sản xuất của doanh nghiệp đó. Nếu không làm tới nơi, tới chốn sẽ phải đối mặt với một thực trạng là các cá nhân, doanh nghiệp đang làm tốt nhìn thấy các doanh nghiệp hay những cá nhân làm sai, làm không tốt mà vẫn được tiếp tục, không bị xử lý; không bị răn đe rồi nảy sinh tiêu cực. Chính vì thế, cần kiên quyết thực thi pháp luật, tùy theo mức độ nặng nhẹ.
Cần những cuộc thanh tra, kiểm tra có tâm, có tầm lĩnh vực môi trường
Tương lai gần, nước ta rất vinh dự được cộng đồng quốc tế bỏ phiếu trở thành một thành viên trong Hội đồng không thường trực bảo an Liên Hợp quốc vào năm 2020-2021. Đồng thời, thời gian đó cũng là thời điểm mà Việt Nam là Chủ tịch ASEAN. Đây là điều kiện để phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam trong vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích lịch sử, bảo vệ quyền của con người để cho truyền thống yêu chuộng hòa bình, yêu chuộng chân lý tốt đẹp của cộng đồng người Việt Nam, của 54 dân tộc anh em bay xa hơn nữa trong cộng đồng quốc tế.
GS.TSKH. Đặng Huy Huỳnh nhận bảng vàng danh dự vì có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: L.A
Một điều vô cùng quan trọng góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ môi trường đó là rất cần những cuộc thanh tra, kiểm tra có tâm, có tầm. Bởi, theo GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh, đoàn thanh tra, kiểm tra cần làm xác thực bằng cách phải đến tận nơi, đo đếm và theo sát kết quả trong và sau thời gian thanh tra kiểm tra. Phải giám sát doanh nghiệp, yêu cầu dừng sản xuất buộc họ phải khắc phục, xử lý môi trường tốt thì mới được tiếp tục sản xuất kinh doanh. Trên thực tế, hiện nay, một số địa phương thực hiện những cuộc thanh tra chưa thật sự bài bản, chỉ quan tâm tới kết quả trong thời gian thanh tra, vấn đề sau thanh tra vẫn chưa được quan tâm sát sao.
Vừa qua, Tổng Cục môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thanh tra và chỉ sai phạm hàng loạt công ty hoạt động tại các địa phương: Nam Định, Hà Nội, Thái Bình, Yên Bái và Hà Nam phát hiện nhiều vi phạm trong việc xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật; không có hệ thống xử lý nước thải đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh; không thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn hệ thống quan trắc tự động, liên tục đối với nước thải; không lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định…
Rác thải tại một mương chết tại Hà Nội. Ảnh: Hữu Oanh
Rác thải từ khu vực biển thuộc tỉnh Thái Bình. Ảnh: Hữu Oanh
Liên quan tới giải pháp về vấn đề này, theo GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh, sau thanh tra, Sở Tài nguyên môi trường hay Chi Cục bảo vệ môi trường của địa phương vẫn phải thường xuyên kiểm tra, thường xuyên theo dõi.
Khi phóng viên đề cập tới việc nhập khẩu phế liệu - vấn đề nhức nhối, rất nóng trong thời gian qua, GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh cho biết, Chính phủ đã chỉ thị cho Bộ Tài nguyên và môi trường kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết không cho nhập các chất thải từ nước ngoài về nước ta để tái chế. Cụ thể, vừa qua, Chính phủ Philippines làm đúng lời hứa trả về toàn bộ 1.500 tấn rác thải mà tàu Canada đưa đến nước này, kết thúc vấn đề gây tranh cãi giữa hai nước kéo dài gần 6 năm qua. Số rác thải từ Canada được chuyển đến Philippines được khai báo là rác thải nhựa có thể tái chế. Tuy nhiên, số rác này phần lớn là rác gia dụng và đồ điện. Chúng được luân chuyển qua hai cảng biển của Philippines trong những năm 2013, 2014.
Nhân sự kiện chúng ta đang có nhiều hoạt động kỉ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Bác Hồ kính yêu, GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh dẫn dắt: “Trước khi mất, Bác Hồ nhấn mạnh Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Muốn có hạnh phúc, muốn nâng cao đời sống của nhân dân thì không gì bằng nhân dân có một môi trường được xanh sạch, con người được khỏe mạnh, được làm việc, được sống, được vui chơi trong khung cảnh hòa bình đây”. Bởi vậy, mỗi người có một hành động để bảo vệ môi trường thì chúng ta sẽ có một xã hội chung tay bảo vệ môi trường. Đó là biểu hiện thiết thực nhất của việc học tập, làm theo những lời dạy của Bác Hồ.
Việc chúng ta thực thi pháp luật một cách nghiêm túc để bảo vệ môi trường chính là việc ta thể hiện việc nghiêm túc thực hiện di chúc của Bác Hồ. Đây chính là cơ hội tốt để toàn dân nỗ lực hơn nữa trong kiểm soát và giữ được môi trường hòa bình, trong sạch./.
Lan Anh