“Cá ăn rác, người lại ăn cá”
Chia sẻ như vậy với phóng viên Tạp chí Thanh tra ngay phút đầu tiên, GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh phân tích về mặt khoa học thì con người không phải tiếp nhận tất cả chất độc từ rác (mà cá ăn phải) mà chỉ một số như các kim loại nặng, chất hữu cơ khó phân hủy.
Việt Nam đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hoá, Chủ trương của Đảng và Nhà nước phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành một nước theo hướng công nghiệp. Trong tình hình hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang rất sôi động, diễn ra trên toàn cầu. Đây được xem là cơ hội rất tốt để chúng ta nhận biết được những thuận lợi và khó khăn. Thuận lợi thì phát huy, khó khăn phải tìm cách khắc phục. Đặc biệt, vấn đề môi trường có ảnh hưởng rất lớn, tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế xã hội nước ta.
Đại sứ phong trào chống rác thải nhựa, GS, TSKH Đặng Huy Huỳnh. Ảnh: L.A
Việc phát triển bền vững ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung có ba trụ cột chính, đó là: Phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường. Sức khỏe với môi trường luôn luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nếu môi trường bảo đảm, không ô nhiễm, không suy giảm tài nguyên thiên nhiên, không khí trong lành thì sức khỏe của con người bao giờ cũng tốt. Nếu có sức khỏe tốt, thì con người có đầy đủ trí tuệ để tìm các giải pháp bảo vệ lại môi trường. Chính vì vậy, sức khỏe và môi trường luôn luôn có quan hệ hữu cơ với nhau. Nếu giữ được quan hệ đó thì mục tiêu phát triển bền vững sẽ luôn được đảm bảo. Có nghĩa là vẫn phát triển kinh tế nhưng đồng thời vẫn phòng tránh được các chất thải nhựa hay các chất thải rắn, nhất là các chất thải hóa chất, bao bì được sử trong nông nghiệp làm cho môi trường xanh sạch đẹp.
Đại sứ phong trào chống rác thải nhựa chia sẻ thêm, việc bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe của cộng đồng là yếu tố vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp, hóa hiện đại hóa cũng như vấn đề đô thị hóa hiện nay đang diễn ra rất nhanh khiến môi trường ô nhiễm rất trầm trọng. Tình trạng ao hồ, biển, các dòng sông dòng suối không chỉ ở thành thị mà ngay ở nông thôn tồn tại rất nhiều chất thải công nghiệp và chất thải sinh hoạt và đặc biệt chất thải nhựa không tiêu hủy được. Rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương. Rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Rác thải nhựa thải ra khá nhiều từ một làng chài, huyện đảo Phú Quốc. Ảnh: Hữu Oanh
Việt Nam là một trong năm quốc gia xả rác ra biển nhiều nhất thế giới, "đóng góp" tới 60% lượng rác thải nhựa trong các vùng biển trên thế giới. Trên đại dương đang tràn ngập rác thải: Chai, lọ, túi nhựa và hàng tấn mẩu tàn thuốc lá. Đại dương đã trở thành “một chiếc thùng rác” khổng lồ của nhân loại. "Cộng đồng hãy cùng chung tay, chung lòng, chung sức với Đảng với Nhà nước thì mới giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường nước", GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh mong muốn.
Ngày 9/6/2019 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng với UBND TP Hà Nội và Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải đặc biệt là các chất thải nhựa. Đây là sự kiện rất ý nghĩa và nhân văn như lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, người người không thải ra các chất nhựa, nhà nhà không thải ra các chất nhựa, cộng đồng chống lại việc thải ra các chất nhựa.
Như vậy, có thể khẳng định, vai trò của cộng đồng trong chống rác thải cực kỳ quan trọng, nếu chúng ta có nhiều chủ trương, có nhiều chính sách, có nhiều nghị quyết nhưng không cộng đồng không hưởng ứng tích cực, không cùng chung tay thì chủ trương chính sách của chúng ta sẽ không thành công và không có hiệu quả.
Đai sứ phong trào chống rác thải nhựa tham dự Lễ phát động vì môi trường biển không rác thải tại Hoàng Hóa, Thanh Hóa, Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Mặt khác, chúng ta cũng đã chứng kiến, một phần vì ô nhiễm môi trường mà lây lan dịch tả lợn châu Phi gây ra một hệ lụy rất lớn cho cộng đồng, thiệt hại này rất lớn cho cộng đồng cho 63 tỉnh thành trong cả nước. Hiện nay, theo thống kê, có khoảng 55/63 tỉnh thành đã có tình trạng dịch tả lợn châu Phi. Nhà nước cũng như Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có tổ chức giảm thiểu ngăn chặn bệnh dịch bằng cách chôn tiêu hủy. Tuy nhiên, theo GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh, nếu chúng ta làm không đúng quy trình, không thực hiện nghiêm chỉnh và giám sát chặt chẽ thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới môi trường, tất cả vi khuẩn ngấm xuống đất rồi ảnh hưởng đến nguồn nước. Kiểm soát những việc này không không ai bằng cộng đồng làng, xã, thôn xóm.
“Môi trường luôn trong sạch sẽ có tác động rất lớn đến sức khỏe của con người. Nếu có sức khỏe, năng suất lao động sẽ tăng, trí tuệ sẽ tăng như vậy sẽ giúp cho sự thịnh vượng của đất nước Việt Nam, tăng vị trí của Việt Nam trong trường quốc tế. Đó là điều mà tôi, một nhà khoa học luôn trăn trở và canh cánh trong lòng”, GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh chia sẻ…
(Còn nữa)
Lan Anh