Ngày 5/8 vừa qua, tại Phiên họp thứ 20, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã xem xét, thống nhất với nội dung Đề án sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo. Theo đó, bên cạnh chức năng, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo còn có nhiệm vụ phòng chống tiêu cực. Trong đó xác định rõ nội hàm của công tác chỉ đạo phòng, chống tiêu cực là xử lý các suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên… làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 20 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ngày 5/8. Ảnh: TTXVN
Đề cập đến vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng từng nhấn mạnh: "Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai cái này nó có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Cái lợi ích kinh tế nó thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức, lối sống."[1]
Có thể thấy rằng, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả hết sức tích cực kể từ khi Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban. Tuy nhiên, đấu tranh chống tham nhũng vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ thường xuyên trong suốt quá trình phát triển, đó là cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ, thể hiện bản lĩnh và quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta chống lại thói hư tật xấu của quyền lực. Bên cạnh những hành vi tham nhũng đã được xác định rõ ràng về mặt pháp luật, thực tế còn cho thấy vô vàn những hành vi tiêu cực khác, xét cho cùng cũng là những mầm mống hay biểu hiện của tham nhũng mà chúng ta cần nhận diện và đấu tranh.
Tiêu cực và tham nhũng có gắn bó mật thiết với nhau nên muốn chống tham nhũng hiệu quả thì phải chống từ gốc, tức là chống những tiêu cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chống tiêu cực tốt là ngăn ngừa tham nhũng trước một bước như vậy mới có thể trị "cả gốc lẫn ngọn" tình trạng tham nhũng.
Có thể nói tiêu cực là môi trường dung dưỡng cho tham nhũng nên phòng chống tiêu cực cũng chính là ngăn chặn từ xa mầm mống của tham nhũng. Một cán bộ đảng viên suy thoái về chính trị tư tưởng, tha hóa về phẩm chất đạo đức, thích hưởng lạc xa hoa ắt dẫn đến xa rời điều lệ và các nguyên tắc của đảng, sẽ gần gũi với thói xu nịnh, chạy chức, chạy quyền, sẽ dễ dàng sa ngã trước đồng tiền quỷ ám, thực hiện những hành vi trái với đạo đức lương tâm, vi phạm pháp luật. Hàng loạt vụ án, vụ việc gần đây cho thấy rõ điều này. Những kẻ tham nhũng luôn là những người hư hỏng về lối sống, ăn chơi sa đọa, coi thường kỷ cương pháp luật là những biểu hiện tiêu cực khó có thể chấp nhận. Đó chính là những biểu hiện suy thoái về chính tư tưởng, sự xuống cấp về phẩm chất, về đạo dức lối sống. Họ bất chấp quy đinh của Đảng, pháp luật của nhà nước và cả những sự phê phán, chê cười của người dân và xã hội và không còn xứng đáng đứng trong đội ngũ những người được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin cậy và giao cho trọng trách.
TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế - Thanh tra Chính phủ. Ảnh: L.A
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, cho rằng “Nếu chúng ta đánh tham nhũng thì mới chỉ làm ở giai đoạn sau và đánh phần ngọn, còn đánh tiêu cực là đánh cả phần gốc”[2].
Tại Phiên thứ 20 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ngày 5/8 vừa qua, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị nghiên cứu để mở rộng nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo và đổi tên là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, tham nhũng với các biểu hiện suy thoái về đạo đức cũng như nhũng nhiễu trong cuộc sống có quan hệ mật thiết với nhau. Hành vi tham nhũng bước đầu cũng từ những biểu hiện tiêu cực, suy thoái về đạo đức, tư tưởng rồi sau đó dẫn đến tham nhũng. Do đó, nếu chống được những biểu hiện tiêu cực này sẽ góp phần vào việc phòng chống tham nhũng thành công.
Vì vậy, việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo là hoàn toàn đúng với chủ trương của Đảng, đó là chỉnh đốn Đảng từ khâu chính trị, đạo đức, tư tưởng và hành động; như thế công tác lãnh đạo mới có chiều sâu và thực sự có tính toàn diện.
Những biểu hiện tiêu cực không phải là vấn đề mới và đã được chỉ ra tại 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo nghị quyết Trung ương 4, khóa XII và như Ts Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, là tập trung vào một số hành vi cần nhận diện. Đó là: chấp hành không đúng, không đầy đủ các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình; suy thoái về tư tưởng chính trị, quan liêu, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo quản lý; kê khai tài sản, thu nhập không đúng quy định; vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản ngân sách nhà nước; cản trở, can thiệp trái quy định vào hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử; lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, bao che, tiếp tay cho chạy chức chạy quyền... và các hành vi tiêu cực nghiêm trọng khác.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã sang trang như một mệnh lệnh của cuộc sống. Nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng dưới sự chỉ đạo của Đảng đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư sẽ cam go và quyết liệt hơn nhưng chúng ta có niềm tin từ những kết quả đạt được vừa qua và những định hướng đúng đắn trong thời gian tới. Cùng với việc tiếp tục phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng theo pháp luật là việc đẩy mạnh đấu tranh chống tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ “lấy pháp trị gần đến lấy đức trị xa”, không chỉ giữ nghiêm kỷ luật Đảng, kỷ cương phép nước mà còn làm cho Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, là “đạo đức là văn minh” như lời Bác dạy.
Theo GS. TS Trần Ngọc Đường nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, việc bổ sung thêm nhiệm vụ chống tiêu cực của Ban Chỉ đạo là một việc làm rất phù hợp mà lâu nay Ban Chỉ đạo cũng đã làm. Khi mở rộng thêm nhiệm vụ, quyền hạn thì trách nhiệm của Ban Chỉ đạo càng nặng nề hơn, đòi hỏi sự chỉ đạo phải sát sao, nhanh nhạy, kịp thời hơn. “Chống tiêu cực thường khó hơn đấu tranh chống tham nhũng, vì tham nhũng là vi phạm pháp luật, nó biểu hiện ở chỗ mất mát, hư hao tài sản của nhà nước, có thể qua công tác điều tra sẽ thấy rõ ràng hơn. Còn những biểu hiện của tiêu cực rất tinh vi, đa dạng dưới nhiều hình thức, vì vậy Ban Chỉ đạo phải rất sát sao, chỉ đạo việc khắc phục, tổng kết đúc rút kinh nghiệm, đề ra những biện pháp xử lý phù hợp để từ đó tiếp tục chỉ đạo và làm bài học cho các Ban chỉ đạo của các bộ, ngành, địa phương thực hiện.”[3].
TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế - Thanh tra Chính phủ
[1] https://www.vietnamplus.vn/gan-ket-chat-che-phong-chong-tham-nhung-voi-chong-tieu-cuc/724900.vnp
[2] https://baomoi.com/chong-tham-nhung-phai-bat-dau-tu-chong-tieu-cuc/c/39808120.epi
[3] https://baomoi.com/chong-tham-nhung-phai-bat-dau-tu-chong-tieu-cuc/c/39808120.epi