Phòng, chống thiên tai chủ động để giảm thiểu tổn thất, thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ ba, 21/12/2021 16:09
(ThanhtraVietNam) - Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý tại Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược) được Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT) Tăng Quốc Chính nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn Tạp chí Thanh tra.

PV: Với vai trò người đứng đầu Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai, ông có thể đánh giá mức độ tác động của thiên tai từ đầu năm 2021 đến nay, cũng như chia sẻ những cách làm mới về PCTT gắn với mục tiêu, giải pháp của Chiến lược Quốc gia PCTT đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt?

Ông Tăng Quốc Chính: Từ đầu năm 2021, Việt Nam chịu ảnh hưởng của 08 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, 325 trận dông lốc, mưa đá, 06 đợt mưa lũ lớn; 128 trận động đất,... Có thể nói thiên tai năm 2021 diễn ra không cực đoan, dị thường như năm 2020, tuy nhiên vẫn xảy ra dồn dập, đặc biệt từ giữa tháng 9 đến tháng 11, khu vực miền Trung đã chịu ảnh hưởng liên tiếp của 04 cơn bão số 5, 6, 7, 8 và 06 đợt mưa lũ diện rộng.

Cùng với những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân đặc biệt là khu vực miền Trung. Trong 11 tháng, thiên tai đã làm 93 người chết và mất tích; 277 nhà sập, 8.913 nhà bị hư hại, tốc mái; 27.000 nhà bị ngập; 131.286 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 11.826 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị đổ, gãy; 125.687 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 3.300ha nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại; 113km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 47km bờ biển, sông bị sạt lở; 203km đường giao thông, đường sắt Bắc Nam bị sạt lở hư hỏng; khối lượng đất, đá sạt lở khoảng 1,4 triệu m3; 99 cây cầu, 147 cống bị hư hỏng, cuốn trôi. Ngoài ra, còn rất nhiều cơ sở hạ tầng và các công trình dân sinh khác bị hư hỏng, sạt lở,..., ước tổng thiệt hại về kinh tế trên 3.400 tỷ đồng.

Với những mục tiêu đã đề ra, cùng những nhiệm vụ và giải pháp chung và giải pháp cụ thể cho từng vùng, miền, trong năm 2021 đã có những giải pháp, cách làm cụ thể hoá để thực hiện Chiến lược, đó là:

- Rà soát, hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về PCTT, trong đó đã ban hành 02 Nghị định; 03 Thông tư và 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

- Kiện toàn công tác cơ quan chỉ đạo, chỉ huy PCTT các cấp theo Nghị định 66/2021/NĐ-PC (thay thế Nghị định số 160/2018/NĐ-CP);

- Ban Chỉ đạo, các Bộ ngành địa phương rà soát, cập nhật kịch bản, phương án ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19, trong đó tăng cường sơ tán xen ghép và đảm bảo an toàn dịch bệnh cho người dân tại nơi sơ tán - Thủ tướng Chính phủ đã có 02 văn bản, công điện chỉ đạo về nội dung này;

- Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến trong chỉ đạo ứng phó thiên tai;

- Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng xung kích PCTT cấp xã theo Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 29/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo đã ban hành tài liệu để các địa phương tổ chức tập huấn cho lực lượng này (Quyết định số 15/QĐ-TTWPCTT ngày 23/7/2021);

- Tiếp tục triển khai hoạt động Quỹ PCTT cấp tỉnh và thành lập Quỹ PCTT trung ương theo Nghị định số 78/2021/NĐ-CP;

- Tổ chức đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh theo Bộ chỉ số đã được Ban Chỉ đạo phê duyệt đầu năm 2021;

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng theo Đề án 553 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2021.

Ngoài ra, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 76/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo khác về công tác PCTT.

leftcenterrightdel
Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai Tăng Quốc Chính

PV: Ông có thể chia sẻ một cách rõ hơn về những cách làm, mô hình hiệu quả từ cơ sở về PCTT?

Ông Tăng Quốc Chính: Từ thực tiễn công tác PCTT và tổng kết đánh giá từ địa phương, các mô hình điển hình về PCTT đã và đang phát huy hiệu quả có thể kể đến đó là:

Thứ nhất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT & Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh - Cơ quan tham mưu về PCTT được kiện toàn, nâng cao năng lực đã tổ chức theo dõi, giám sát, chủ động tham mưu ứng phó hiệu quả các đợt thiên tai lớn trong 05 đợt mưa lũ lớn năm 2016, mưa lũ sau bão số 12 năm 2017, mưa lũ lịch sử tháng 10/2020.

Thứ hai, mô hình PCTT tại cơ sở theo phương châm 4 tại chỗ có thể kể đến xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Đây là khu vực “rốn lũ” điển hình của miền Trung với khoảng 200 hộ dân hàng năm đều bị ngập sâu. Khoảng 50% các hộ dân đều có nhà vượt lũ với tầng trên có thể đảm bảo vượt mức lũ lịch sử cao nhất; mỗi hộ có 1-2 chiếc thuyền để đi lại trong lũ. Các hộ dân đều dự trữ lương thực, thuốc men, chất đốt, nước sạch; vật nuôi được di chuyển lên núi khi có cảnh báo ngập lụt; điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ cho phù hợp với tình hình thiên tai. Xã đã có hệ thống loa truyền thông không dây, máy phát điện phục vụ người dân sạc đèn pin, điện thoại… đảm bảo liên lạc, thông tin kịp thời. Hệ thống loa phát thanh, còi hú báo động hoạt động tối đa, giúp người dân nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó.

Tương tự như xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, cách làm tại xã Tân Hóa, (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), đây là khu vực rốn lũ của tỉnh Quảng Bình với 150 hộ dân. Khi có cảnh báo về mưa lũ, người dân chủ động chuẩn bị ứng phó từ sớm, dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm; các hộ dân đều xây dựng nhà phao để chống lũ.

Do vậy, trong đợt mưa lũ, 02 địa phương nêu trên đều không bị thiệt hại về người mặc dù ngập sâu trong thời gian kéo dài.

Thứ ba, mô hình tham mưu chỉ đạo ứng phó: Thừa Thiên Huế là tỉnh điển hình về PCTT, trong đó có xây dựng mô hình điểm về lực lực lượng xung kích PCTT tại cơ sở; xây dựng, nâng cao năng lực Văn phòng thường trực cấp tỉnh với sự hỗ trợ của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT với các công cụ như bản đồ PCTT, công cụ hỗ trợ điều hành hồ chứa khẩn cấp, hiệu quả,.... Do vậy, mặc dù xảy ra lũ lịch sử trên tuyến sông Bồ nhưng đã giảm thiểu tối đa thiệt hại (04 người chết, mất tích so với 366 người chết, mất tích trong lũ 1999).

Thứ tư, mô hình nhà an toàn chống lũ bão với tổng số trên 34.000 nhà, trong đó: Chương trình 48 của Chính phủ (Bộ Xây dựng quản lý (2014-2020) trên 19.244 nhà; Hội Chữ thập đỏ:10.000 nhà; Dự án GCF: 4.000 nhà; các tổ chức QT khác: 1.700 nhà.

PV: So với Chiến lược Quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, Chiến lược Quốc gia PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có những điểm mới đáng chú ý nào, thưa ông?

Ông Tăng Quốc Chính: Thứ nhất, điểm mới của Chiến lược Quốc gia PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra 5 quan điểm và 5 nguyên tắc trong công tác PCTT.

Thứ hai, xác định mục tiêu đến năm 2030 là “chủ động PCTT thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước; từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng”. Đồng thời, đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể như giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất; thiệt hại về kinh tế do thiên tai không vượt quá 1,2% GDP và thấp hơn giai đoạn 2011-2020; Phấn đấu 100% cơ quan chính quyền các cấp, tổ chức và hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin và hiểu biết kỹ năng phòng tránh thiên tai; 100% tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đảm bảo các yêu cầu theo phương châm “4 tại chỗ”; 100% cơ quan chỉ đạo điều hành PCTT cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh hoàn thiện cơ sở dữ liệu PCTT; 100% khu vực trọng điểm, xung yếu PCTT được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát; 100% tàu cá đánh bắt vùng khơi và vùng lộng được lắp đặt hệ thống giám sát, bảo đảm thông tin liên lạc,…

Tiếp đó, Chiến lược xác định 7 nhiệm vụ và giải pháp chung về PCTT. Ngoài các giải pháp về hoàn thiện thể chế, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, Chiến lược cũng đưa ra các giải pháp như nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực PCTT và cứu hộ cứu nạn; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai,…

Một điểm mới nữa, khi Chiến lược xác định nhiệm vụ và giải pháp cho 7 vùng miền trên cả nước. So với Chiến lược năm 2020, Chiến lược giai đoạn này xác định các vùng cũng như giải pháp trọng tâm cho các vùng phù hợp với điều kiện cụ thể và thích ứng với biến đổi khí hậu:

·       Vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ: Thực hiện các giải pháp phòng, chống lũ triệt để, chủ động phòng, chống bão, ngập lụt, hạn hán;

·        Vùng miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ: Chủ động phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; ứng phó, thích nghi với mưa đá, rét hại

·        Vùng duyên hải miền Trung (từ Quảng Bình đến Bình Thuận): Chủ động phòng, tránh, thích nghi với thiên tai, trọng tâm là chủ động phòng, chống bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, sạt lở đất và sạt lở bờ sông, bờ biển.

·        Vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ: Tập trung phòng chống hạn hán, lũ, ngập lụt, bão

·        Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Chủ động “sống chung với lũ và hạn hán, xâm nhập mặn”, thích ứng, khai thác lợi thế để phát triển bền vững

·        Các đô thị lớn: Tập trung phòng chống ngập úng do mưa lớn và triều cường

·        Trên biển và hải đảo: Chủ động phòng, tránh bão, áp thấp nhiệt đới đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền, các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Lãnh đạo Tạp chí Thanh tra cùng các nhà thiện nguyện trao quà hỗ trợ bà con xã Xy, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị bị cô lập vì lũ năm 2020

PV: Dựa trên cơ sở, tính toán nào để đưa ra mục tiêu Chiến lược PCTT đến năm 2030, thưa ông?

Ông Tăng Quốc Chính: Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 tại Quyết định số 172/2017/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đã đồng bộ tổ chức thực hiện và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, trong đó đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức của chính quyền các cấp và cộng đồng người dân, theo hướng quản lý rủi ro thiên tai, qua đó đã từng bước chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, nên đã giảm được đáng kể thiệt hại do thiên tai gây ra. Theo số liệu thống kê, thiệt hại do thiên tai gây ra trong vòng 10 năm gần đây đã giảm nhiều so với 10 năm trước, cụ thể:

Về người: Số người chết và mất tích bình quân năm trong 10 năm gần đây là 317 người/năm, giảm 38% so với bình quân 10 năm trước (509 người);

Về vật chất: Thiệt hại vật chất giai đoạn 2008-2019 (688 triệu USD/năm) giảm 29% so với giai đoạn 1996-2007 (967 triệu USD/năm).

Với những bài học kinh nghiệm thành công, các hạn chế, nguyên nhân trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Chiến lược quốc gia PCTT đề ra các mục tiêu cho công tác PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là “Chủ động PCTT, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước; từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng” trong đó tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi bão, lũ, giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất so với giai đoạn 2011-2020; thiệt hại về kinh tế do thiên tai thấp hơn giai đoạn 2011-2020, không vượt quá 1,2% GDP.

PV: Xin cảm ơn ông!

Oanh Hữu (Thực hiện)

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra