Tái cấu trúc nền kinh tế

Thứ hai, 05/07/2010 10:25
Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2010, tất cả các doanh nghiệp đều hoạt động trong phạm vi điều chỉnh của một Luật Doanh nghiệp, không còn Luật Doanh nghiệp nhà nước nữa.

Ấy là cách nói chữ nghĩa. Còn hiểu nôm na là xem xét, sắp xếp lại nền kinh tế đất nước. Việc này vừa là sự tất yếu phải làm sau mỗi năm, mỗi chặng đường phát triển. Vừa là do sau những chòng chành chao đảo trước sóng gió của suy thái tài chính, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, con tàu kinh tế nước ta cần được soát sửa lại để cho vững chắc mà chạy đúng hướng trong hồi phục và tăng tốc phát triển. Theo những chuyên gia kinh tế hàng đầu, thì bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, nền kinh tế nước ta đang còn những vấn đề cần chỉnh sửa, như: mất cân đối giữa tốc độ phát triển và hiệu quả phát triển, phát triển đo theo GDP thì cao, song hiệu quả thực tế, nhất là phần số đông người dân có thể bỏ vào túi của họ để chi dùng cho gia đình họ lại chưa cao; định hướng của nước ta cũng như của thế giới là sự phát triển kinh tế phải bền vững, song trên tổng thể, nhất là tại nhiều cơ sở, bộ phận thì còn khá chênh vênh, bấp bênh; cơ cấu kinh tế vẫn lạc hậu; mất cân đối vĩ mô, kéo dài biểu hiện qua các mặt như thu chi ngân sách, nhập siêu; chưa cân đối giữa thị trường trong nước và ngoài nước; yếu kém hạ tầng cơ sở; bất cập về chất lượng nguồn nhân lực; mất cân đối về phân bổ nguồn lực; thể chế kinh tế không đi theo kịp sự phát triển, thậm chí điều này, vấn đề nọ còn cản trở sự phát triển; chưa rõ ràng trong tập trung hay phân quyền quản lý kinh tế giữa Trung ương và địa phương. Trong tình hình như vậy, tái cơ cấu nền kinh tế là nhu cầu cấp thiết. Mặt khác nền kinh tế thế giới cũng đang tái cấu trúc, trong xu thế toàn cầu hoá kinh tế, Việt Nam không thể đứng ngoài vòng xoáy này. Cần phải có ngay những biện pháp hữu hiệu cũng như tận dụng cơ hội mới để ứng phó với những thách thức của thời kỳ hậu khủng hoảng và chuẩn bị cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mười năm 2011- 2020.

Ảnh mang tính minh họa


Trước đà tăng trưởng mạnh thì ai chẳng vui, song còn mong hiệu quả thực tế và đều khắp cho mọi vùng, mọi nhà. Những nhà đầu tư, kinh doanh có sự mong thêm: Được tạo điều kiện và luật hoá sự bình đẳng phát triển giữa các thành phần kinh tế, không phân biệt đối xử. Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phải đặc biệt chú ý đến hội nhập kinh tế thế giới và định hướng xuất khẩu. Cần kết hợp hài hoà vai trò của Nhà nước và thị trường trong phân bổ nguồn lực. Việc tái cơ cấu kinh tế cần tập trung vào lĩnh vực đầu tư, nhất là đầu tư công vào hạ tầng cơ sở, tái cơ cấu doanh nghiệp trong đó tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp. Cùng với việc duy trì một số tập đoàn kinh tế nhà nước như: Than-khoáng sản, dầu khí, điện lực, hình thành các tập đoàn mới như Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị, lấy Tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị làm nòng cốt và một tập đoàn xây dựng khác lấy Tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt, thì Chính phủ lại quyết định chia tách Tập đoàn công nghiệp đóng tàu thuỷ Vinashin, chỉ giữ một phần để củng cố lại, còn chuyển một phần cho Tổng công ty hàng hải, một phần cho Tập đoàn dầu khí. Có sự tách ba này là do sau khi thành lập được mấy năm nay, Tập đoàn Vinashin hoạt động quá dàn trải, yếu kém, tiếng cả, nhà khó, nợ nần chồng chất, mới kiểm tính sơ sơ con số nợ đã là hơn 80.000 tỷ đồng, trên danh nghĩa là có tới hơn 220 cơ sở sản xuất, nhưng nhiều cơ sở để không hoặc bỏ bê, đình đốn, quây đất cho cỏ mọc. Như khu đất hơn 220ha bên cầu Lai Vu, tỉnh Hải Dương, dân bị Vinashin lấy đất bức xúc khiếu kiện từ tỉnh lên Trung ương hết năm này sang năm khác, Thanh tra Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã phải nhiều lần về xem xét, giải quyết. Dân nể việc xây dựng phát triển sản xuất của doanh nghiệp nhà nước và cả tin nghe lời hứa hẹn của Vinashin sẽ nhận dân vào làm thợ, họ thôi khiếu kiện, giao đất cho Vinashin. Nào ngờ Vinashin lấy xong đất thì chỉ xây có mỗi cái cổng đề tên Vinashin, còn thì quây rào để đấy cho cỏ mọc, vịt lội năm này sang năm khác, những người dân Lai Vu bị Vinashin lấy đất, không còn ruộng cấy, trông vào bãi cỏ mà uất hận, tiếc xót! Bài học từ Vinashin, thiết nghĩ đáng để suy nghĩ, cân nhắc khi cho thành lập các tập đoàn kinh tế vốn nhà nước, cũng như quản lý, sắp xếp lại các doanh nghiệp quốc doanh.

Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2010, tất cả các doanh nghiệp đều hoạt động trong phạm vi điều chỉnh của một Luật Doanh nghiệp, không còn Luật Doanh nghiệp nhà nước nữa. Đây là sự tiếp bước tất yếu của nền kinh tế nước ta theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời là việc thực hiện nghiêm cam kết với WTO. Nhưng vì công tác cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước tiến hành quá chậm nên còn tới 1500 doanh nghiệp nhà nước phải chuyển thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Làm sao để 1.500 doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả, không bình mới rượu cũ, là cả một vần đề, cần nhiều năng lực tự thân của các doanh nghiệp ấy, cũng như sự hướng dẫn, giám sát, kiểm tra và tiếp sức hợp tình, hợp lý, không trái cam kết với các hiệp định thương mại khu vực và thế giới, của các bộ ngành chức năng./. 
 

Trung Chính

 

letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra