Thanh tra, kiểm tra lễ hội Xuân

Thứ hai, 30/01/2023 21:08
(ThanhtraVietNam) - Mùa lễ hội Xuân năm 2023 đã bắt đầu. Cùng với sự đa dạng, phong phú của các lễ hội đem đến nhiều giá trị văn hóa truyền thống thì nguy cơ về những biến tướng, tồn tại, vi phạm trong các lễ hội vẫn còn đó, đặt ra nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước.

Thực tế, để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ nhân dân vui xuân, đón Tết Nguyên đán Quý Mão lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã gửi đi thông điệp tới Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) nhằm tuyên truyền, vận động các tăng ni, phật tử trong việc phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, các giá trị đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; lan tỏa giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự đa dạng văn hóa của cộng đồng có tín ngưỡng.

Bộ VHTTDL cũng đề nghị Trung ương GHPGVN hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con thực hiện biện pháp phòng ngừa các hiện tượng mê tín dị đoan, không đốt đồ mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo đảm bảo phù hợp với thuần phong mỹ tục, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tham gia, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội theo quy định của Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Cùng với đó, Bộ VHTTDL cũng có những văn bản yêu cầu tăng cường các giải pháp về thanh tra, kiểm tra trước và sau lễ hội. Đồng thời, thực hiện yêu cầu nâng cao ý thức cũng như biện pháp quản lý của chính quyền địa phương.

leftcenterrightdel
 Cần tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra tại các lễ hội. Ảnh: T.A

Mới đây, ngày 27/1/2023, Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Trong nhiều nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ đối với các bộ, ngành, địa phương thì Bộ VHTTDL có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lễ hội theo thẩm quyền. Hướng dẫn các địa phương khẩn trương tổ chức các biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội trên địa bàn, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, văn minh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về tổ chức và tham gia lễ hội; yêu cầu người cung ứng dịch vụ, hàng hóa tại khu vực lễ hội phải niêm yết công khai và bán đúng giá niêm yết; không chèo kéo và ép giá, ép du khách mua hàng tại các điểm du lịch, lễ hội.

Trong khi đó, Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tăng cường phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng, khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm, thanh kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong dịp lễ hội Xuân 2023.

Theo Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ, về nguyên tắc, việc tổ chức lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước; tuyên truyền giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích, truyền thống tốt đẹp của lễ hội.

Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa. Nghi lễ của lễ hội phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam...

Đặc biệt, không được lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội. Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Các cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội thực hiện đăng ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội và thực hiện theo nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận; thành lập, phê duyệt quy chế làm việc của Ban tổ chức lễ hội; chịu trách nhiệm về hoạt động của Ban tổ chức lễ hội; chịu trách nhiệm về công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định và báo cáo bằng văn bản kết quả tổ chức lễ hội đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo chậm nhất 20 ngày kể từ ngày kết thúc lễ hội.

Trong khi đó, Ban tổ chức lễ hội thực hiện các trách nhiệm: Ban hành, phổ biến quy chế làm việc và phân công trách nhiệm của các thành viên Ban tổ chức lễ hội; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội trên hệ thống loa phát thanh, bảng, biển và các hình thức tuyên truyền khác; thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người tham gia lễ hội. Đồng thời, xây dựng và triển khai phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật. Nhất là không bán vé, thu tiền tham dự lễ hội; hướng dẫn việc đặt tiền lễ đúng nơi quy định; quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động lễ hội hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng mục đích...

Như vậy, bên cạnh quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL thì trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý đối với các loại hình lễ hội tương ứng là rất rõ. Do vậy, địa phương nào để xảy ra vi phạm thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trong phạm vi quản lý. Vì thế, cùng với giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nét đẹp văn hóa và ý nghĩa biểu trưng của các thực hành lễ hội đến cộng đồng thì việc kịp thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động quản lý, tổ chức lễ hội là hết sức quan trọng để đảm bảo mùa lễ hội Xuân 2023 an toàn, vui tươi, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc./.

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra