“Thuốc” mới cho vi phạm về thương mại điện tử

Thứ tư, 10/05/2023 15:19
(ThanhtraVietNam) - Bên cạnh những mặt tích cực thì vi phạm về thương mại điện tử (TMĐT) là rất đa dạng, tinh vi và biến đổi để né tránh sự phát hiện của cơ quan quản lý. Ngành Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan đã triển khai nhiều giải pháp để xử lý. Mới đây, đề xuất về yêu cầu tất cả chủ tài khoản mạng xã hội phải thực hiện việc định danh, áp dụng cho cả mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok…được đưa ra. Nếu được luật hóa, thì đây sẽ là giải pháp mới để kiểm soát vi phạm, phục tốt cho công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, nhất là các tài khoản mạng xã hội hoạt động TMĐT.

Từ một số phương thức lừa đảo bán tour du lịch trên không gian mạng...

Các đối tượng lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thông qua các website/ứng dụng TMĐT và mạng xã hội đang diễn ra phổ biến.

Trước dịp nghỉ lễ 30/4 – 01/5 vừa qua và kỳ nghỉ hè sắp tới đang đến gần, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đưa ra cảnh báo nhưng thủ đoạn chiếm đoạt tài sản trên website/ứng dụng TMĐT và mạng xã hội:

Thứ nhất, phương thức lừa đảo phổ biến mà các đối tượng thường sử dụng bao gồm việc đăng tải bài quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn với giá rẻ trên website/ứng dụng TMĐT và mạng xã hội, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (từ 30-50% giá trị) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn, sau đó lừa đảo chiếm đoạt số tiền đặt cọc.

Thứ hai, các đối tượng cũng có thể đăng bài quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài trên website/ứng dụng TMĐT và mạng xã hội cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa. Sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ… Sau đó lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền.

Thứ ba, các đối tượng có thể làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả hình ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch, các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.

Thứ tư, các đối tượng cũng có thể làm giả/chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức. Đối tượng có thể sử dụng công nghệ Deepfake (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo).

Trong khi đó, Cổng thông tin Quản lý hoạt động Thương mại điện tử đưa ra cảnh báo về hiện tượng lừa đảo của công ty bán tour du lịch trực tuyến như: Cố tình nhầm lẫn hoặc sai sót về tên khách hoặc code (mã vé) máy bay cho đến sát ngày bay khách hàng mới nhận được code vé chuẩn; khách hàng đã đóng đủ tiền vé máy bay khứ hồi (2 chiều) và tiền phụ thu (ví dụ phòng cho trẻ nhỏ) nhưng chỉ nhận được code vé máy bay 1chiều và khách sạn báo không nhận được phụ thu từ phía chủ sở hữu website.

Hoạt động của công ty bán tour du lịch trực tuyến còn có thể tồn tại dưới dạng gửi cho khách hàng code vé máy bay và mã đặt chỗ đầy đủ, nhưng đến gần trước khi chuyến bay khởi hành đột ngột báo hoãn do phía Hãng hàng không. Khách hàng kiểm tra lại thông tin bên Hãng hàng không thấy không có việc này, và lại nhận được câu trả lời từ chủ sở hữu website là hoãn chuyến bay và chuyển sang mua vé hãng khác vì lý do giá vé máy bay quá đắt.

Ngoài trường hợp nêu trên, nhiều website lừa đảo tiến hành đăng tải các tour giá rẻ trên các diễn đàn hoặc mạng xã hội để quảng cáo. Người dân nào không chú ý, ham rẻ lập tức sẽ bị sập bẫy…

leftcenterrightdel
Tập huấn về thực thi pháp luật về thương mại điện tử. Ảnh: Moit.gov.vn 

Theo khuyến cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trước khi quyết định đặt tour hoặc dịch vụ du lịch, người tiêu dùng cần thận trọng và tìm hiểu kỹ thông tin về công ty du lịch hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ đó. Nên chọn các đơn vị có uy tín, được chứng nhận và có đầy đủ giấy tờ, giấy phép kinh doanh. Nếu có bất kỳ nghi ngờ hoặc phát hiện bất thường nào liên quan đến các hoạt động du lịch, người dân cần thông báo cho cơ quan chức năng và không chuyển tiền cho bất kỳ ai trước khi xác định rõ nguồn gốc và độ tin cậy của đơn vị đó.

Thực tế, những vi phạm về lừa đảo khách hàng đặt tour du lịch trực tuyến đã được các ngành chức năng xử lý nghiêm thời gian qua. Đầu tháng 5/2023, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Đà Nẵng) đã làm rõ đối tượng N.T.T.T (25 tuổi, trú huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) là một trong số các đối tượng sử dụng nhiều sim rác, facebook ảo để tham gia vào các hội nhóm du lịch, bán vé máy bay, book phòng khách sạn trên không gian mạng.

...Và các giải pháp xử lý

Vi phạm nói trên trong hoạt động về bán tour du lịch tại Đà Nẵng thông qua tài khoản mạng xã hội chắc chắn sẽ bị cơ quan chức năng xử lý nghiêm. Song, trên thực tế, còn những vi phạm về TMĐT trên các lĩnh vực, hoạt động khác hoặc bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường trực tuyến cần có các giải pháp xử lý mang tính căn cơ.

Trên thực tế, ngành Thông tin và Truyền thông cũng đã triển khai nhiều giải pháp như: Đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn bán hàng hóa, nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên mạng bưu chính, viễn thông; triển khai các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ trên không gian mạng, phát hiện, xử lý vi phạm, thực hiện tạm ngưng, thu hồi tên miền “.vn” và tên miền quốc tế vi phạm cung cấp thông tin trên mạng, trang thông tin điện tử cung cấp, chức năng, quảng cáo hàng giả, hàng kém chất lượng…

Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông cần chỉ đạo các cơ quan báo chí phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh phổ biến kiến thức, tuyên truyền chính sách, pháp luật; chỉ đạo các đơn vị chức năng giám sát và quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo của các đơn vị phát hành quảng cáo; nghiên cứu tổng đài được thiết lập, giả danh bác sỹ, dược sỹ để tư vấn bán các mặt hàng giả, kém chất lượng trên không gian mạng. Đánh giá, phân tích tình hình, đưa ra dự báo sát hợp, đề xuất giải pháp xử lý triệt để vi phạm của các trang tin điện tử, trang cá nhân trên mạng xã hội.

Mới đây, tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, theo ý kiến của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian tới, trong khuôn khổ pháp lý đối với dự án Luật Viễn thông sửa đổi, quy định sẽ quản lý các ứng dụng OTT nước ngoài như là các nền tảng trong nước. Yêu cầu được đưa ra với tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức phải thực hiện việc định danh. Việc này áp dụng cho cả mạng xã hội nước ngoài như Facebook, YouTube, TikTok…Với các tài khoản mạng xã hội không định danh sẽ bị đấu tranh, ngăn chặn, xử lý với các mức độ khác nhau.

Các chuyên gia đánh giá, nếu dự thảo quy định trên được luật hóa được ví như “liều thuốc” mới, không những ngăn chặn, xử lý các tài khoản mạng xã hội vi phạm cho dù là của ứng dụng nước ngoài, mà còn phòng ngừa được các vi phạm, kể cả dấu hiệu tội phạm thông qua không gian mạng bằng nhiều giải pháp kỹ thuật, trong đó có truy vết các hành vi vi phạm, lừa đảo...

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra