Tôi còn nhớ vào năm 1968, có dịp cùng cụ Viện Trưởng lên di chỉ Khảo cổ học Đồng Đậu (tỉnh Vĩnh Phú cũ), khi xe đến đầu làng, thấy trên gốc đa cổ thụ treo một chiếc nong cũ trên có viết nguệch ngoạc mấy hàng chữ bằng vôi trắng:
“Cấm vào làng:
- Quần ống tuýp
- Đầu đít vịt
- Xa chiêng nhọn”.
Cụ Viện trưởng Tây học của tôi nhìn cái biển cấm lạ chẳng hiểu ra sao cả. Cụ hỏi tôi: “Thế này là thế nào hở anh?” Vội nhìn xuống cái ống quần của cụ, cái quần tây của anh con trai cụ gửi từ bên CHDC Đức về biếu. Chết chửa! Quả là nó hơi chật.
Hồi ấy, người ta cho rằng mặc áo kẻ ô vuông (ca rô), mặc quần ống chật, đầu tóc chải lật lên nom như đít con vịt là những kẻ ăn chơi, càn quấy… Tôi đành cố giải thích cho cụ biết: “Bây giờ người ta đang xây dựng nếp sống văn minh đấy cụ ạ. Mặc quần mà không nhét đươc vào cái ống quần một chai bia thì coi là quần ống tuýp. Nếu nhét vào được… một cái chai sâm banh thì gọi là quần ống loe. Ở Hà Nội bây giờ ra đường mà thanh niên cờ đỏ vớ được anh nào mặc như thế là cắt phăng ngay cái ống quần…”
Cụ Viện trưởng của tôi luống cuống. Cụ đi đâu cũng bằng ô tô cả nên đâu có biết. Rất may là hôm ấy vào làng, cán bộ xã thấy cụ cao tuổi, lại chức sắc, đi ô tô nên chẳng ai để ý đến cái ống quần của cụ.
 |
Ngày xưa không có "xa chiêng nhọn", các bà các chị thường mặc áo yếm. Áo yếm ngày xưa có nhiều công dụng hơn "xa chiêng nhọn" bây giờ rất nhiều mà vẫn không làm mất đi vẻ mềm mại duyên dáng của người phụ nữ. |
Lúc ra về, cụ lại hỏi : “Thế xa chiêng nhọn là gì anh nhỉ?”. Tôi phì cười vì cụ là người rất giỏi tiếng Tây mà chẳng đoán ra. Tôi lại phải giải thích: “Cái mà Tây họ gọi là Soutien (vật nâng đỡ vú đàn bà), sang ta dân mình biến thành “xú chiêng”, sau về đến thôn xã thì lại một lần nữa cải tiến ngôn ngữ thành “xa chiêng” rồi thì cuối cùng, cái mốt thời ấy lại đẻ ra cái “xa chiêng nhọn” theo kiểu “tam sao thất bản”. Chính bởi thế mà nó mới kì khôi khiến cụ Viện trưởng của tôi chẳng đoán ra nổi.
Tôi còn cố nói vui cho cụ hiểu: “Khởi thủy, cái soutien bị đám thợ may nhà quê độn vải vào may cho nó nhọn hoắt, đeo vào vú con gái để gây cho đàn ông cảm giác như hai quả núi nhọn chọc vào khiêu khích.... Làng đã cấm đàn ông quần chật, đầu “đít vịt” thì cũng phải cấm luôn đàn bà mặc cái “xa chiêng nhọn” để cho “nam nữ bình quyền” cụ ạ!”
Ấy là chuyện xưa. Hôm qua, sau khi đọc báo xong, thấy tin phát hiện trong áo ngực phụ nữ (xuất xứ từ Tàu) có “chất lạ” độc hại, tôi giật mình. Vội vàng gửi cho ông bạn già là Việt kiều bên Pháp cái mẩu tin “Cái áo ngực của Tàu sản xuất bên trong có những viên thuốc lạ” để cảnh báo ông bạn vì ông có hai cô con gái đẹp như tiên.
Ông bạn già lâu ngày không về nước hỏi lại “Cái áo ngực là cái gì? Nếu cái soutien giờ dân ta gọi là cái áo ngực thì cái slip bây giờ dân mình đổi ra tiếng Việt thế nào?”. Đành chịu vì chưa thấy báo chí nào nói về cái thứ ấy. Quả thực, giờ tiếng Việt mình cứ cải biến thế nào ấy. Chẳng lẽ gọi là cái quần bọc X, bọc Y?...
Ngày xưa, các bà các chị đâu có dùng “xa chiêng nhọn” (cũng có thể vì ngày đó không/chưa có “xa chiêng” chăng?), mà dùng áo yếm. Người phụ nữ Việt Nam từ rất xa xưa đã biết dùng cái yếm để che kín bộ nhũ hoa. Không những thế, so với xu-chiêng của phương Tây thì cái yếm còn có công dụng hơn nhiều.
Trong khi cái xu-chiêng chỉ dùng để che kín và nâng đỡ bộ nhũ hoa (không thể mặc một mình xu-chiêng được, phải có áo khoác bên ngoài) thì cái yếm của người phụ nữ Việt Nam đôi khi còn có thể dùng thay thế cho cái áo cụt, nghĩa là có thể chỉ cần mặc mỗi cái yếm. Điều này phù hợp với môi trường khí hậu xứ nhiệt đới nóng nực cũng như đặc điểm lao động sinh họa của cư dân nông nghiệp: trang phục cần thoáng mát, gọn gàng.
Tuy hình thức của cái yếm trông có vẻ đơn giản, nhưng lại không hề thô tục. Cũng vì công dụng của nó mà nó hóa ra quyến rũ khác thường. Mê cái yếm chính là mê con người mặc yếm. Hơn thế nữa, có những cách mặc yếm nó làm cho người nhìn cũng phải ngất ngây vì sự kín đáo nửa vời của nó.
Tôi trộm nghĩ: Sao chị em mình lại quên mất thứ hàng Việt tuyệt vời và duyên dáng đến thế mà cứ lao vào ăn vận những yếm Tây rồi đến cả yếm Tàu để làm gì cho vừa tốn tiền mà còn độc hại? Nhưng mà nghĩ thì cũng chỉ thế thôi, chứ bây giờ còn ai đi mặc yếm nữa, họa chăng còn có mấy cô diễn viên hay khi người ta đi chụp ảnh nghệ thuật. Cũng không thể trách phụ nữ thời nay được, bởi đó là sự quy luật chọn lọc theo thời gian.
Nhớ lại câu chuyện treo biển cấm ở Đồng Đậu từ thế kỷ trước, tôi lại buồn cười mà nghĩ không biết từ vụ áo nịt ngực phụ nữ có chứa chất độc hại này, có làng quê nào lại tiếp tục treo cái bảng đầu làng, rằng: “Cấm vào làng: Áo nịt ngực phụ nữ của Tàu có chứa chất độc hại!”.
Nên treo lắm chứ, tại sao lại không nhỉ?!...
Trong hai ngày 26 và 27/10, lực lượng Quản lý thị trường Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã kiểm tra và phát hiện nhiều áo nịt ngực phụ nữ có chứa “chất lạ”. Ngoài ra, “chất lạ” trong áo nịt ngực này cũng được tìm thấy ở Hà Nội và nhiều địa phương khác. Những sản phẩm này có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong khi đó, trước thông tin suy đoán “chất lạ” trong áo ngực là silicone, một số bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình cho rằng giá thành của silicone y tế khá đắt, với một lượng silicone như thế chứa trong áo ngực thì giá thành có thể cao hơn nhiều lần giá thành chiếc áo, nên “chất lạ” khó có thể là chất silicone.
TS Vũ Thế Long