Vì sao nhiều hộ nông dân chán ruộng, trả ruộng?

Thứ sáu, 16/08/2013 07:04
(ThanhtraVietnam) – Thực đáng ngạc nhiên, nếu không muốn nói thêm là đáng lo khi gần đây đã xuất hiện trong nông dân tâm lý chán ruộng, bỏ cấy cày, ly nông ly hương và một số hộ nông dân đã trả lại ruộng cho hợp tác xã. Sự không tha thiết với ruộng đất được giao và việc trả ruộng đang có xu hướng lan rộng tại các địa phương. Vì sao vậy?

Nông dân vốn yêu quý ruộng đất vì từ đời này qua đời khác, ruộng đất đã tạo ra công ăn việc làm, lương thực cũng như nguồn sống chính của họ. Người nông dân từng tranh đấu giai cấp, theo Đảng, Bác Hồ làm cách mạng cũng vì để có được ruộng đất canh tác. Sau nhiều thay đổi về quản lý đất đai, đến khi Đảng và Nhà nước thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, khoán ruộng cho nông dân thì nông dân vô cùng phấn khởi, đã tích cực, chủ động trong lao động sản xuất, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật mới, nâng cao năng suất, sản lượng lúa và hoa màu. Người nông dân do vậy càng yêu quý, thân thiết gắn bó hơn với ruộng đất mà họ được giao sử dụng. 
 

Theo với ruộng đất mỗi hộ nông dân nhận giao khoán, là hàng chục thứ phí lệ và không lệ luật phải đóng góp cho làng xã.

Niềm khấn khởi, sự gắn bó của nông dân với ruộng đất, cùng với các chính sách thiết thực, hiệu qủa của Đảng và Nhà nước đã khiến cho nền nông nghiệp nước ta phát triển vượt bậc, từ chỗ dân số còn chưa đông nhưng vẫn phải đi nhập khẩu lương thực từ các nước về để dân đỡ thiếu đói, đến chỗ dân đông lên gấp mấy lần nhưng không những vẫn no, đủ lương thực, thực phẩm cho toàn dân, mà lại còn xuất khẩu được mỗi năm mấy triệu tấn gạo, đứng vào hàng nhất nhì thế giới trong các nước xuất khẩu gạo. Những thực tế trên đã cho thấy tình cảm sâu xa, ý nghĩa quan trọng của sự gắn bó với ruộng đất của người nông dân Việt Nam như thế nào. Cho nên thực đáng ngạc nhiên, nếu không muốn nói thêm là đáng lo khi gần đây đã xuất hiện trong nông dân tâm lý chán ruộng, bỏ cấy cày, ly nông ly hương và một số hộ nông dân đã trả lại ruộng cho hợp tác xã. Sự không tha thiết với ruộng đất được giao và việc trả ruộng đang có xu hướng lan rộng tại các địa phương. Vì sao vậy?

 

Trước hết  vì sự giảm sút trong thu nhập trên diện tích ruộng đất mỗi hộ được giao. Cơ chế thị trường tuy có tạo thêm giá trị cho nông sản mang tính thương phẩm để dễ bán, song thường là không bán được giá cao, do phải bán qua nhiều thương lái, trong khi người nông dân lại phải chi phí đầu vào cho sản xuất rất tốn kém, giá mua vật tư nông nghiệp luôn phi mã, như giá phân bón,  thuê máy móc nông nghiệp, thuốc trừ sâu,… khiến cân đối đầu ra đầu vào thì người nông dân thu lời lãi chẳng còn được là bao, nhiều khi còn lỗ vốn. Lại thêm thời tiết những năm gần đây thêm khắc nghiệt do rừng bị phá nhiều và sự biến đổi khí hậu toàn cầu nhiệt độ tăng thêm, mưa bão lũ lụt cũng nhiều hơn trước, khiến việc nông dân trắng tay vì thiên tai cũng diễn ra nhiều hơn. Thời gian đầu của khoán hộ, nhiều hộ nông dân có thể đảm bảo phần lớn cuộc sống nhờ vào ruộng đất, thì nay số đông hộ nông dân lại rơi vào cảnh chật vật, thiếu thốn, cộng thêm nhân khẩu trong nhà đông, nên họ đành phải cho bớt một số người ra thành phố kiếm sống. Cuộc sống của số người ly nông ra phố kiếm sống tuy cũng gian nan vất vả, song còn dễ kiếm tiền hơn so với ở nhà làm ruộng, khiến họ không muốn quay về làm ruộng nữa, ruộng đất ít người chăm sóc, năng suất thấp, thu nhập giảm càng tăng thêm tâm lý chán ruộng nơi cư dân làng quê.

 

Đã vậy, theo với ruộng đất mỗi hộ nông dân nhận giao khoán, là hàng chục thứ phí lệ và không lệ luật phải đóng góp cho làng xã. Theo kết quả điều tra mới đây của Cục hợp tác xã và phát triển nông thôn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi hộ nông dân còn phải chịu mấy chục khoản đóng góp bình quân từ 250 nghìn đến 800 nghìn đồng/ năm, tại đồng bằng sông Hồng có 26 khoản đóng góp, mức thu 350 nghìn đồng/hộ / năm, khu vực trung du miển núi phía Bắc có 28 khoản đóng góp với mức 250/450 nghìn đồng/hộ/năm, khu vực duyên hải nam Trung bộ 28 khoản và đồng bằng sông Cửu long 25 khoản, 300-700 nghìn đồng/ hộ/ năm, phải đóng nhiều nhất là tiền xây dựng nông thôn và trường học, rồi đến các khoản thu phí dịch vụ thuỷ lợi, bảo vệ thực vật, bảo vệ đồng điền,.... Nhà nước đã giảm hoặc thôi thu các khoản phí trước đây quy định nông dân phải đóng góp, tưởng đâu sẽ nhẹ đỡ cho cuộc sống của nông dân, nào ngờ họ lại phải gánh chịu các khoản đóng góp mà xã và hợp tác xã đặt ra, thường là bổ theo số diện tích ruộng mỗi hộ nhận khoán của hợp tác xã. Thu nhập từ cấy ruộng đã quá ít, chi phí giống vốn, phân bón đã quá cao, lại còn phải đóng lớn tiền mấy chục khoản phí cao, thì nông dân chán ruộng, bỏ hoang ruộng và trả lại ruộng cũng là điều dễ hiểu.

 

Đồng ý rằng với sự phát triển công nghiệp và đô thị hoá, việc một số nông dân chuyển nghề, chuyển cư, trả, bán ruộng đất cũng là bình thường và tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất để lập trang trại, sản xuất, chăn nuôi theo quy mô lớn, hiện đại, song phải có kế hoạch, lộ trình phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước. Chứ còn việc tự phát bỏ ruộng, trả ruộng, trong khi những hộ nông dân làm như vậy chưa có công ăn việc làm ổn đinh, đời sống vẫn khó khăn thì là sự phiêu lưu, tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và an sinh xã hội, quá lãng phí ruộng đất. Bởi vậy trước mắt vẫn phải giúp cho phần lớn nông dân sản xuất nông nghiệp có lãi, để họ yên tâm gắn bó với ruộng đồng, qua các biện pháp như thu mua lương thực, thực phẩm theo giá cả hợp lý, bảo đảm cho nông dân trồng lúa có lãi từ 30% trở lên. Đồng thời kiểm soát chặt giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, cũng như không để thương lái bắt chẹt nông dân về giá cả mua nông sản cũng như giá bán và chất lượng vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi.

 

Được biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới có công văn số 2491 gửi Sở nông nghiệp các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu kiểm tra xem xét, báo cáo tình hình  nông dân bỏ ruộng, trả ruộng để Bộ trên cơ sở đó đề xuất với Chính phủ các chính sách, giải pháp khắc phục sự việc này ngay trong dịp sơ kết Nghị quyết số 26 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá 10 về tam nông: nông nghiệp, nông dân và nông thôn

                                                                                   

Trung Vũ

nguyenthuhang
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra