|
|
Ảnh tư liệu về Bác Hồ được phóng viên chụp lại từ clip do Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch trình chiếu sáng ngày 18/6/2024 |
Đây là hoạt động có ý nghĩa thực tiễn, gắn với dịp kỷ niệm 55 năm ngày Bác đi xa, 55 năm thực hiện Di chúc của Người, 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969 - 2024); 70 năm Bác về ở và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch (1954 -2024) và 15 năm Khu Di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt (2009 - 2024).
Hội thảo đã nhận được 55 bài tham luận và hàng chục ý kiến phát biểu của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, từ các vị giáo sư đã dành cả cuộc đời nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đến các nhà khoa học trẻ tuổi thuộc nhiều cơ quan khác nhau. Họ đều có chung một tấm lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
|
|
TS. Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: K. Dung |
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh
TS. Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhấn mạnh: Đây là dịp để chúng ta đánh giá công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Hồ Chí Minh, tiếp thu những kinh nghiệm quý báu của các thế hệ đi trước, các đơn vị quản lý, các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn sâu để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa quốc gia đặc biệt này; để tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, góp phần to lớn thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh như Bác Hồ hằng mong muốn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất đã để lại cho đất nước ta, nhân dân ta một di sản văn hóa vô giá đó là Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Trong thời gian ở Phủ Chủ tịch, Người đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, góp phần tích cực vào hòa bình, hữu nghị và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời ngày 02/9/1969, với tấm lòng biết ơn vô hạn vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 206/NQ-TW, ngày 25/11/1970, tại Điều 2 ghi rõ: “Bảo quản tốt nhất khu lưu niệm, các di tích và hiện vật lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch".
|
|
Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: K. Dung |
Di sản của Người được bảo quản cẩn thận, giữ được tính nguyên trạng di tích cùng cảnh quan môi trường. Với giá trị di sản vật thể và phi vật thể vô giá của Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, ngày 15/5/1975, Bộ Văn hóa ra quyết định 38b/VH-QĐ, công nhận Di tích lịch sử - Văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Phủ Chủ tịch và ngày 12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1272 QĐ/TTg xếp hạng đợt đầu tiên Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là Di tích quốc gia đặc biệt.
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch được hình thành ngay tại nơi Người đã sống và làm việc, nên Khu Di tích có nét đặc thù riêng biệt: Công tác bảo tồn di tích ở đây được thực hiện trong điều kiện là kho mở, vừa làm công tác bảo quản giữ gìn, vừa phát huy giá trị. Nằm trong không gian Cụm di tích lịch sử văn hóa Ba Đình, Khu di tích thu hút một số lượng lớn khách tham quan trong nước và quốc tế. Do đó, các di tích, tài liệu hiện vật luôn phải chịu áp lực trực tiếp của môi trường khí hậu tự nhiên và ảnh hưởng gián tiếp của tác nhân con người. Đó là những khó khăn, thách thức của Khu Di tích trong việc giữ gìn, bảo quản nguyên vẹn và phát huy di sản của Bác Hồ.
|
|
ThS. Lê Thị Phượng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: K. Dung |
Cống hiến thầm lặng của tập thể cán bộ, nhân viên Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
55 năm qua, với tấm lòng kính yêu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao phó, các thế hệ cán bộ Khu Di tích đã không quản ngại khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ với những kết quả đáng khích lệ:
Trải qua bao biến động lịch sử, di sản nơi ở và làm việc của Bác tại Phủ Chủ tịch vẫn được bảo vệ an toàn chu đáo, hạn chế đến mức thấp nhất mọi tác động ảnh hưởng từ thiên nhiên, ảnh hưởng từ môi trường và ảnh hưởng từ con người. Hướng tới mục tiêu gìn giữ nguyên trạng Khu Di tích, giảm thiểu tối đa sự biến dạng, xuống cấp của các di tích so với lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc, nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai thực hiện. Kết quả thực tế cho thấy, Khu Di tích đang được bảo tồn thích nghi một cách tốt nhất và phát huy hiệu quả giá trị di sản Hồ Chí Minh. Mở cửa đón khách tham quan 365 ngày trong năm, phục vụ tận tình, chu đáo gần 90 triệu lượt khách tham quan, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia và nhiều đoàn khách cấp cao trên thế giới đến từ 160 quốc gia, góp phần tích cực vào công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
|
|
Khu trưng bày những cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Hội thảo. Ảnh: K. Dung |
Ghi nhận những cống hiến thầm lặng của tập thể Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao với nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương lao động; Cờ thi đua của Chính phủ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương; Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Cờ thi đua và Bằng khen của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch...
Vượt qua những khó khăn, thử thách, toàn thể cán bộ, nhân viên Khu Di tích đang ngày đêm chung sức xây dựng cơ quan thực sự trở thành “trường học lớn" - nơi nghiên cứu, giáo dục về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xứng đáng với những danh hiệu và phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước ta trao tặng cũng như niềm tin yêu, tình cảm của đồng bào và bạn bè quốc tế./.
K. Dung