Đường lên nhà ga cáp treo Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang - Trần Minh Hà Chia sẻ, thực hiện Nghị quyết số 44 của của Tỉnh ủy Bắc Giang về phát triển du lịch giai đoạn 2016 – 2020, Bắc Giang tập trung phát triển 3 sản phẩm du lịch: Văn hóa tâm linh; lịch sử-văn hóa; sinh thái - nghỉ dưỡng. Hiện nay, Bắc Giang có hơn 700 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh; trong đó có 103 di tích cấp quốc gia và 4 di tích quốc gia đặc biệt. Bắc Giang còn được biết đến với các di sản văn hóa phi vật thể như quan họ với 18 làng quan họ cổ, ca trù, cùng nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhiều làng nghề truyền thống ở Bắc Giang được lưu giữ, bảo tồn và phát triển đến ngày nay.
Nói đến Bắc Giang, nhiều du khách sẽ nghĩ ngay đến cảnh quan thiên nhiên Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, có nhiều cảnh đẹp như rừng nguyên sinh Khe Rỗ, thắng cảnh suối Nước Vàng. Khu cao nguyên Đồng Cao. Dãy núi Nham Biền với 99 ngọn núi nhấp nhô. Các hồ Quân Thần, Cấm Sơn, Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, điểm du lịch cộng đồng Bản Ven xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, thôn Nà Ó, xã An Lạc huyện Sơn Động… đều là những thắng cảnh đẹp, có thể khai thác phát triển các loại hình du lịch.
Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ thu hút nhiều du khách đến thăm quan trải nghiệm.
Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ thu hút nhiều du khách đến thăm quan trải nghiệm.
Một trong những điểm nhấn của du lịch Bắc Giang là Tuần Văn hóa - Du lịch bước đầu đạt được hiệu quả tích cực. Năm 2019, với chủ đề “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử”, với 14 hoạt động chính được tổ chức liên tục trong 07 ngày trên địa bàn một số huyện và TP Bắc Giang. Đã có hơn 70 doanh nghiệp đến tìm hiểu, tìm hướng đầu tư vào du lịch Bắc Giang. Đây là sự kiện văn hóa đặc biệt, được tổ chức thành công trên quy mô lớn, nhằm giới thiệu, quảng bá và giúp lan tỏa các giá trị văn hóa, đặc sắc, nổi bật về tài nguyên du lịch của tỉnh tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù
Theo ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bắc Giang đã tận dụng các lợi thế hệ thống đền chùa, xây dựng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, gắn với du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, trải nghiệm vùng cây ăn quả; tập trung đôn đốc xây dựng hoàn thiện giai đoạn 2 khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử vào hoạt động. Có giải pháp để gắn kết du lịch giữa những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế với An toàn khu II và di tích Công an (Khu 12) trở thành tuyến du lịch “về nguồn”. Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, liên kết hình thành các tour, tuyến du lịch hấp dẫn, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Điển hình như: Khu du lịch sinh thái suối Mỡ kết hợp với điểm du lịch sinh thái tâm linh sinh thái Tây Yên Tử; di tích chùa Vĩnh Nghiêm-chùa Bổ Đà, những điểm khởi nghĩa Yên Thế, Di tích chiến thắng Xương Giang… kết hợp với du lịch liên kết với các làng nghề truyền thống, du lịch trải nghiệm sản phẩm nông, lâm sản như du lịch làng nghề mỳ Chũ, vải thiều Lục Ngạn, gốm Thổ Hà, mây tre Tăng Tiến,… Qua đó, lượng khách du lịch đến Bắc Giang ngày càng gia tăng. Nhiều du khách nước ngoài thích đến Bắc Giang để khám phá những điểm du lịch hoang sơ, những cánh rừng nguyên sinh nên Bắc Giang sẽ chú trọng để phát triển loại hình du lịch này. Những năm qua, có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào du lịch Bắc Giang sân golf Yên Dũng đã đưa vào hoạt động, sân golf Việt Yên đã hoàn tất giải phóng mặt bằng, dự án sân golf Lục Nam và sân golf Lạng Giang cũng đang được đẩy mạnh. Nếu phát triển hệ thống sân golf tốt thì sẽ dễ dàng hơn trong việc thu hút du khách nước ngoài về với Bắc Giang.
Hát quan họ đầu Xuân của các liền anh, liền chị.
Trước năm 2017, lượng du khách đến với Bắc Giang chỉ đạt khoảng 200.000 đến 300.000 lượt thì đến năm 2019 tổng số khách du lịch ước đạt khoảng 2 triệu lượt khách, tăng 33% so với năm 2018, đạt 100% theo Kế hoạch (trong đó: Khách quốc tế đạt khoảng 29.000 lượt khách, tăng 79%; khách trong nước đạt khoảng 1.971.000 lượt khách, tăng 32%).
Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, thu hút trên 40.000 tỷ đồng đầu tư vào phát triển lĩnh vực du lịch, cơ bản hình thành hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch, bảo đảm khả năng tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch quy mô mang tầm quốc gia. Tạo được sự chuyển biến rõ nét trong lĩnh vực du lịch, phấn đấu đón được 2.5 triệu lượt khách du lịch năm 2020. Để triển khai thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Bắc Giang đã triển khai nhiều giải pháp, quy hoạch và thu hút đầu tư hình thành các khu, các điểm tuyến du lịch. Quan tâm đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch thông qua các chương trình tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, mở rộng liên kết nhằm thu hút đầu tư du lịch và khách du lịch về Bắc Giang. Tiếp tục thực hiện chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch, khai thác các tuyến du lịch với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Lạng Sơn liên kết với một số tỉnh của Trung Quốc có biên giới gần với tỉnh Lạng Sơn về phát triển du lịch; Phối hợp với tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương kết nối, xây dựng các tour, tuyến du lịch dọc tuyến đường Tây Yên Tử, kết nối Tây Yên Tử sang khu vực Đông Yên Tử (Quảng Ninh) và Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương). Tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch, nhất là các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh phát triển và thu hút các doanh nghiệp du lịch uy tín, có thương hiệu trong và ngoài tỉnh ký liên kết, mở các tour, tuyến du lịch tới các khu, điểm du lịch trong tỉnh. Đặt tên riêng cho đường tỉnh 293 để tổ chức quảng bá du lịch, đầu tư về cơ sở vật chất kết nối giao thông thuận tiện với các khu, điểm du lịch của tỉnh với các tỉnh, thành phố trong khu vực, góp phần thu hút du khách. Với cách làm này, trong những năm qua, tỉnh đã thu hút các doanh nghiệp đến khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, tìm kiếm cơ hội đầu tư thương mại, du lịch. Trong đó, đã có 16 dự án được UBND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư gần 35.297 tỷ đổng.
Bắc Giang: Trải thảm đỏ thu hút nhà đầu tư
Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch các huyện, thành phố tích cực tham mưu cho Huyện ủy, Thành ủy, HĐND, UBND cùng cấp tập trung thu hút đầu tư du lịch; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án, công trình phục vụ phát triển du lịch; quan tâm phân bổ kinh phí đầu tư cho các hoạt động phát triển du lịch nhiều hơn so với những năm trước đây, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh, đầu tư phát triển du lịch. Công tác xã hội hóa đầu tư cho xây dựng các công trình gắn với phát triển du lịch đạt được hiệu quả tích cực tại các khu, điểm du lịch thuộc địa phương quản lý. Những năm gần đây, các cơ sở lưu trú và hệ thống nhà hàng ở Bắc Giang có sự thay đổi rõ rệt.
Sân goft, dịch vụ Yên Dũng
Do làm tốt công tác xúc tiến thu hút đầu tư nên năm 2019 nhiều dự án lớn trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ được triển khai trên địa bàn với số vốn khoảng 3.900 tỷ đồng. Ngoài ra, tại các huyện, thành phố trong tỉnh một số dự án, đồ án quy hoạch về du lịch cũng đang được triển khai thực hiện như: Quy hoạch Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí Hố Cao vào đồ án quy hoạch chung thị trấn Kép mở rộng và vùng phụ cận đến năm 2035; quy hoạch phân khu Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái thể thao và vui chơi giải trí Khuôn Thần vào đồ án quy hoạch chung đô thị Chũ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồ án Quy hoạch chung Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hồ Suối Nứa, huyện Lục Nam... cũng đang được triển khai thực hiện.
Quyết tâm phấn đấu đưa du lịch Bắc Giang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về sản phẩm du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ du khách, xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện nhằm từng bước đưa Bắc Giang trở thành điểm đến chất lượng, hấp dẫn khách du lịch. Thu hút đầu tư có hiệu quả, thiết thực về phát triển du lịch./.
Kim Dung