Cần chấn chỉnh lại hành vi ứng xử trong giao tiếp của một bộ phận người Việt

Thứ năm, 13/07/2017 13:52
(ThanhtraVietNam) - Vụ 5 thanh niên đánh một du khách Tây ở Sa Pa đã gióng lên hồi chuông báo động về văn hóa ứng xử của người Việt đối với du khách nước ngoài nói riêng cũng như toàn ngành du lịch nói chung.

Văn hóa ứng xử xuống cấp

Vụ việc 5 thanh niên đánh một du khách nước ngoài là một người đàn ông quốc tịch Hà Lan ở Sa Pa đã và đang gây sự chú ý của dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng vụ việc trên đã phản ánh tình trạng xuống cấp trong văn hóa ứng xử trong giao tiếp của người Việt, đặc biệt là tầng lớp thanh niên hiện nay.

Chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng văn hóa ứng xử trong giao tiếp của giới trẻ hiện nay thực sự đáng báo động.

leftcenterrightdel
 Chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ phân tích: “Chúng ta cần phải thẳng thắn nói với nhau rằng, chúng ta đang bị “sốc” văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử. Phải chăng, sự thay đổi của xã hội đã khiến suy nghĩ, thái độ, lố sống và ứng xử giao tiếp giữa người với người, người với thiên nhiên và môi trường sống bị khủng hoảng một cách trầm trọng. Có thể nhiều người sẽ cho rằng điều này là nói quá, nhưng thực tế hiện nay đã chứng minh bây giờ người ta chỉ biết sống cho mình, làm giàu cho mình và khuếch trương danh tiếng cho mình. Sự hy sinh nhường nhịn là rất ít, sự yêu thương đùm bọc cũng rất hiếm”.

Về vụ va chạm dẫn đến xô xát ở Sa Pa vừa qua, chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ nhìn nhận: “Sự xuống cấp trong văn hóa ứng xử của người Việt Nam được thể hiện ở cách giao tiếp với người nước ngoài. Mà vụ việc ở Sa Pa vừa qua là một ví dụ. Việt Nam chúng là một địa điểm du lịch, văn hóa, ẩm thực không thua kém bất kỳ một đất nước nào trên thế giới. Vậy thì tại sao, chúng ta lại bị xếp vào top những nước mà đã đi một lần thì không muốn quay lại lần thứ hai? Xin trả lời, đó là do văn hóa ứng xử, giao tiếp của chúng ta với người nước ngoài còn chưa đúng chuẩn mực lắm đâu. Không nói đâu xa xôi, cứ nhìn vào thực trạng chèo kéo, chặt chém, lừa đảo khách du lịch, rồi xô xát với họ... là đủ hiểu. Tất nhiên đây chỉ là thiểu số, song nó cũng ảnh hưởng rất nhiều đến du lịch cũng như hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam”.

leftcenterrightdel
Vụ 5 thanh niên đánh một du khách Tây ở Sa Pa 

Theo chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, văn hóa ứng xử giao tiếp không phải có ngay trong ngày một ngày hai được mà đó là một quá trình. Đó là thái độ, hành vi giao tiếp giữa người với người, người với thiên nhiên và cả với môi trường nhân văn xung quanh đời sống con người được hình thành cùng với tiến trình vận động lịch sử của cộng đồng người, của dân tộc. Văn hóa ứng xử của người Việt Nam được hình thành, tồn tại và duy trì phát triển trong quá trình giao tiếp trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó là những nét đẹp văn hóa không thể phủ nhận và lãng quên một cách dễ dàng.

Về nguyên nhân của tình trạng văn hóa ứng xử trong giao tiếp hiện nay, chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng: “Phải nói thực là thanh niên ngày nay có nhiều kiến thức hiện đại hơn thế hệ trước, nhưng về văn ứng xử lại không được chuẩn bị kỹ. Lỗi này không phải của họ, mà thuộc về xã hội, thuộc về cách giáo dục và hành động của những người đi trước. Mà như ta hay nói là thiếu giáo dục hoặc vô giáo dục ấy. Tất nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho xã hội, nhà trường và gia đình bởi một phần cá tính của con người là do “trời ban”. Thế nhưng, xã hội, gia đình và nhà trường lại là cái nôi giúp con trẻ phát triển cá tính của mình, vì vậy mới nói xã hội, gia đình mà lệch lạc thì lấy đâu ra người ưu tú”.

Cần chấn chỉnh lại văn hóa ứng xử

Nhận xét về vụ việc ở Sa Pa, ông Cao Mạnh Tuấn (phụ trách CMT Travel, Hà Nội), một người đã nhiều năm hoạt động trong lĩnh du lịch cho rằng vụ việc trên thực sự là một hồi chuông đáng báo động về “văn hóa ứng xử” của người Việt cũng như ngành du lịch nói chung.

leftcenterrightdel
Ông Cao Mạnh Tuấn (phụ trách CMT Travel, Hà Nội) 

Ông Cao Mạnh Tuấn cho rằng ông không ngạc nhiên trước vụ việc trên: “Là người đi nhiều nơi và cũng có lúc “bị va chạm” nhiều, thực sự tôi không ngạc nhiên lắm với cách hành xử của nhóm người Việt Nam khi xảy ra va chạm và xô xát với một du khách Hà La ở Sa Pa như vừa qua. Trước những va chạm, phản ứng tiêu cực gần như là cách ứng xử đầu tiên của nhiều người. Nhẹ thì chửi mắng, nặng thì xông vào gây gỗ, xô xát với nhau luôn mà không cần giải thích. Chuyện này có lẽ không cần ví dụ mà chỉ cần tìm kiếm trên mạng các clip về đánh nhau sau va chạm là bạn sẽ thấy. Nhưng có một điều lạ là thời gian gần đây, hiện tượng va chạm rồi tấn công người nước ngoài xảy ra liên tiếp khiến tôi rất ngạc nhiên. Ngược lại thời gian một chút, chỉ cách đây vài năm thôi, người Việt Nam được các du khách nước ngoài đánh giá là thân thiện, dễ gần, thậm chí thích giao lưu với người nước ngoài. Nhưng giờ đây có vẻ như cái tiếng đó đã bị “xoá sổ” bỏ bởi nạn chặt chém, lừa đảo du khách, thậm chí đánh cả họ khi có va chạm. Vấn đề này cần phải tìm hiểu và làm rõ để chỉnh đốn lại”.

Ông Tuấn nhận xét: “Chưa cần biết ai đúng ai sai, nhưng cá nhân tôi cho rằng, ở Việt Nam, người đuối lý sẽ thích dùng tay chân hơn lý lẽ giải thích. Người nước ngoài thích tranh luận để rõ đúng sai ngay lúc đó và nếu không giải quyết được thì mới nhờ đến cơ quan chức năng giải quyết. Còn người Việt Nam thường không nghĩ đến cơ quan chức năng mà tự cho mình quyền làm “người phán xử”, có thể thấy điều đó qua cách người Việt ứng xử với nhau. Cộng với việc người Việt Nam đã quen với người nước ngoài ở Việt Nam, phải chăng vì thế mà va chạm đã xảy ra?”.

Theo ông Cao Mạnh Tuấn, những vụ việc xô xát nói trên chắc chắn ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài. “Hãy nhìn từ cái nhỏ nhất như mua bán nói thách, lừa khách đánh sửa giày thu tiền giá cao, cho đến va chạm, đánh hội đồng... Những vấn đề đó chắc chắn sẽ được các công ty du lịch cảnh báo tới khách của mình để đảm bảo an toàn cho họ. Chưa nói đến các báo cáo của đại diện nước đó tại Việt Nam như Đại sứ quán, Lãnh sự quán về nước từ đó họ cũng có những cảnh báo tương tự với người dân của mình”, ông Tuấn nói. Vấn đề đặt ra cho ngành du lịch Việt Nam lúc này – cũng là thách thức lớn nhất của ngành – chính là phải làm sao đó chỉnh đốn lại văn hóa ứng xử của người Việt đối với du khách nước ngoài.

“Thực ra tôi nghĩ việc ngành du lịch cần làm gì thì họ cũng đã phải nghĩ và có thể đang triển khai rồi. Cá nhân tôi chỉ quan tâm đến con người, hay cụ thể hơn là văn hoá ứng xử của từng cá nhân. Tôi mong có những sự thay đổi trong giáo dục nhân cách, văn hoá, hiểu biết pháp luật ở người Việt Nam hơn”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Tuấn dẫn chứng: “Tôi chỉ ví dụ đơn giản thế này. Nếu anh có tiền mua ô tô, hãy tuân thủ luật là mua thêm bảo hiểm xe. Có va chạm thì đã có bảo hiểm đền. Đừng vì xót cái xe mà cãi vã mất thời gian, đánh nhau rồi có thể bị khởi tố. Tất nhiên thời điểm này, khi một số người giàu quá nhanh thì cũng khó có thể đòi hỏi họ nâng cao ngay được nhận thức về văn hoá nhưng cái đó hoàn toàn có thể gán ghép, nhắc nhở ở đâu đó để họ hiểu hơn. Hãy chấn chỉnh từ những hành vi nhỏ nhất trong giao tiếp hằng ngày”./.

Lưu Thủy

 

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra