Cánh Diều vàng 2016: Phim truyện tư nhân lên ngôi

Thứ ba, 18/04/2017 15:42
(ThanhtraVietnam) - Lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam không có phim truyện điện ảnh của Nhà nước tham gia giải Cánh Diều vàng 2016. Năm nay, phim tư nhân thắng lớn, song cũng là chỉ dấu hiệu đáng buồn của các hãng phim Nhà nước và người yêu mến điện ảnh Việt Nam.

Vì sao phim truyện Nhà nước lép vế, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho rằng, những người làm phim tư nhân, trước hết họ là những người làm thương mại, họ đón đầu được xu hướng và tất yếu họ phát triển. Còn nền điện ảnh theo tính chất Nhà nước, có khi họ chưa kịp chuyển động, chưa bắt nhịp kịp xu thế.

Bên cạnh đó, nói đến dòng phim tư nhân là nói đến tính thương phẩm của một tác phẩm điện ảnh. Tư nhân là những người bán lẻ, Nhà nước thì khác họ giống như hệ thống đại lý. Vì vậy, phim tư nhân họ tiếp xúc gần gũi hơn với khán giả, họ hiểu ngay và luôn việc khán giả đang cần gì. Từ đó, đề tài phim, nội dung phim thỏa mãn được thị hiếu của người xem, kéo được khán giả đến rạp.

Khác với dòng phim Nhà nước, những nhà làm phim tư nhân phải chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh tế của bộ phim. Bởi họ dồn hết tâm sức và tự đầu tư vốn liếng. Sự thất bại hay thành công của bộ phim thậm chí được đánh cược bởi sự nghiệp của họ. Mặt khác, những nhà làm phim tư nhân họ có phương pháp nhanh hơn, gọn gàng, tức thì hơn. Nếu không có tư duy mới, sự nhanh nhạy với thị trường thì khó phát triển. Nếu cùng một đề tài, phim làm càng lâu thì càng nguội đề tài và không thu hút được khán giả.

Còn phim Nhà nước, họ phải đi theo tôn chỉ nghệ thuật theo định hướng. Mà nội dung đó không thể giải quyết hết nhu cầu thưởng thức của số đông công chúng.

leftcenterrightdel
Ảnh minh hoạ - Internet 

Theo đạo diễn Trần Chí Thành, dòng phim Nhà nước đã hoàn thành sứ mệnh phục vụ tuyên truyền và đang dần chuyển biến để theo kịp thị trường. Nhưng do từ lâu nay với cách sản xuất phim theo quy trình cũ (Nhà nước tài trợ, đặt hàng các hãng phim sản xuất những bộ phim với những đề tài đã được định trước, đa số nhằm mục đích tuyên truyền hoặc phục vụ những ngày lễ lớn) thì nhiều khi là đề tài rất khô cứng, các bộ phim ít có giá trị nghệ thuật cao và hướng đến khán giả. Đó cũng là lý do tại sao nhiều phim Nhà nước khi đem ra chiếu thì rất ít người xem.

Hiện nay, theo chủ trương của Nhà nước, tất cả các hãng phim đều phải cổ phần hóa và không còn việc Nhà nước đặt hàng các hãng phim. Tất cả các hãng phim với quy trình sản xuất phim cũ đã rơi vào cảnh khủng hoảng, không có phim đặt hàng, không có nguồn vốn để đầu tư sản xuất phim nên hệ quả tất yếu là các hãng phim không đủ khả năng sản xuất phim nữa. Điều đó lý giải cho việc vắng bóng phim Nhà nước tham dự giải Cánh diều 2016.

Để chuyển mình, phim Nhà nước cần phải học hỏi lại cách tiếp cận khán giả của các hãng phim tư nhân. Qua đó có những quy chế, định hướng phù hợp cho từng tác phẩm, từng đề tài. Vấn đề cốt lõi là cách nhìn nhận khi sản xuất một bộ phim. Nó là một mặt hàng thuần túy cần được thu lời. Yếu tố khán giả luôn phải được đặt lên hàng đầu.

Qua đó, đội ngũ sáng tác phải luôn tiếp cận gần nhất với khán giả, kịp thời cho ra đời những bộ phim hợp với thời cuộc, kể cả những dòng phim giải trí và những dòng phim mang tính nghệ thuật, hay tuyên truyền thì phải đảm bảo được tính phổ cập cao được số đông khán giả chấp nhận. Đó là điều kiện tiên quyết để vực dậy dòng phim Nhà nước.

Còn theo PGS - TS, Nghệ sĩ ưu tú Trần Duy Hinh - Giảng viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Nhà nước năm vừa rồi không chi kinh phí để làm phim, vậy thì không có phim nào là đúng. Các hãng chỉ chăm chăm chờ Nhà nước đặt hàng và “rót” tiền. Khi không có tiền sẽ chẳng có bộ phim nào ra đời. Phim tư nhân thì khác, họ tự móc hầu bao chi trả mọi thứ nên tiến độ nhanh và hiệu quả.

Dòng phim Nhà nước được điều khiển bởi một bộ máy to lớn, cồng kềnh nhưng không phát huy được hiệu quả dẫn đến nhiều trì trệ. Trong khi đó, điện ảnh không chỉ đòi hỏi sự phát triển, nó cần hơn thế là sự thăng hoa.

Cơ chế quản lý và sản xuất của dòng phim Nhà nước đã không còn phù hợp trong xã hội hiện tại. Việc duyệt kịch bản, các hãng phim tư nhân làm nhanh hơn, nhưng phim Nhà nước thì khác, phải xem xét và duyệt nhiều vấn đề. Phim tuyên truyền, cổ động lại càng phải biết cách thể hiện. Thể hiện một cách ẩn ý, khôn khéo để cho người xem thưởng thức.

Ý tưởng tuyên truyền được lồng vào các câu chuyện, sao cho người xem từ nội dung hiểu ra thông điệp của bộ phim. Việc đưa những giáo lý cứng nhắc, mang tính chất tuyên truyền sẽ khiến người xem cảm thấy khó chịu và không hứng thú. Tuy nhiên, người tài năng có thể làm được điều đó lại rất hiếm.

Bên cạnh đó, với dòng phim Nhà nước, nghệ sĩ dù được sáng tác tự do, song đó là tự do trong khuôn khổ. Đã vậy, khuôn khổ đó lại quá chật chội. Cần phải cho họ có cơ hội để thể nghiệm và bộc lộ hết khả năng của mình.

Nhà nước cần thể hiện vai trò của mình trong việc quản lý vĩ mô, bên cạnh đó có các động thái khuyến khích các cá nhân và tổ chức có năng lực để phát triển hơn nền điện ảnh nước nhà. Vi mô nên để tư nhân tác nghiệp, bởi họ sát sao và gần gũi hơn với người dân, hiểu được nhu cầu thưởng thức của khán giả, từ đó có những chiến lược đúng đắn trong việc tìm đề tài và xây dựng tác phẩm điện ảnh.

Phải xem xét lại toàn bộ nhân lực để biết các thành viên đã làm hết mình chưa? Những người đó thật sự có tài năng, tâm và đạo đức hành nghề không?... Vì dòng phim Nhà nước được bao cấp, nếu làm không tốt, hiệu quả không cao thì ai chịu trách nhiệm, hay chỉ đơn giản là rút kinh nghiệm?!

Việc các hãng phim Nhà nước tiến hành cổ phần hóa là tín hiệu rất tốt. Bởi nếu không thay đổi, vẫn giữ mô hình trì trệ đó thì không thể phát triển được. Nước Mỹ từ năm 1908 đã bắt đầu tiến hành xã hội hóa điện ảnh và nhanh chóng phát triển chỉ trong một thời gian ngắn. Việt Nam, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh những năm gần đây đang tiến hành xã hội hóa điện ảnh một cách mạnh mẽ với hàng loạt các hãng phim và cụm, rạp chiếu ra đời. Phải khẳng định, chỉ có con đường xã hội hóa thì mới thay đổi được diện mạo điện ảnh nước nhà./.

L.A

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra