Tết thế nào để an toàn?
Trừ các trường hợp đặc biệt phải ở lại đơn vị còn hầu hết đều cố gắng tìm phương tiện để về sum họp với gia đình hay đại gia đình trong những ngày nghỉ Tết. Điều đó sẽ gặp khó khăn về các phương tiện giao thông. Cố gắng tăng chuyến đường hàng không, đường xe lửa, đường thuỷ và đường bộ là trách nhiệm của ngành giao thông vận tải. Nhưng mọi người mua vé cần tôn trọng trật tự và an toàn. Tuyệt đối không bị đánh lừa bởi dân “phe vé”, vì ngành giao thông không có chủ trương bán một lúc nhiều vé cho những kẻ lợi dụng dịp Tết để bán lại vé giá cao.
An toàn giao thông là trách nhiệm quan trọng nhất để tránh ngày vui lớn nhất trong năm lại là ngày đau thương của những gia đình có người chết hay bị thương nặng vì tai nạn giao thông. Làm sao để dịp Tết năm nay không có số tai nạn lớn như nhiều năm trước. Vội một phút chậm cả đời là điều mọi người cần ghi nhớ.
Khác với những dịp Tết thời chiến tranh, khi mỗi gia đình chỉ được mua một gói quà Tết với một chai rượu chanh, một ít miến, một ít bột ngọt, vài bao thuốc lá…, hiện nay quà Tết được bầy bán khắp nơi, nhưng cần tránh mua sắm lãng phí để rồi không dùng hết, tránh các thứ không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế sử dụng hàng nhập khẩu để ủng hộ chủ trương Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Con cháu dù công tác nơi xa vẫn cố thu xếp về với cha mẹ, ông bà để vui xuân
Nhà nhà gói bánh chưng chỉ còn thích hợp ở nông thôn. Ở thành thị nên tổ chức bán bánh chưng như kiểu bán bánh Trung thu để đáp ứng nhu cầu của mọi gia đình. Nên có nhiều loại bánh chưng khác nhau để đáp ứng các nhu cầu khác nhau. Cần có đủ chuối xanh và hoa quả để các gia đình sắm sửa mâm ngũ quả theo truyền thống. Hoa đào nên được ngành giao thông tổ chức trao đổi với hoa mai ở miền Nam để cả hai miền đều được thưởng thức hai loại hoa đặc trưng cho ngày Tết cổ truyền.
Cần có các mâm cỗ Tết truyền thống để thờ cúng Tổ tiên cùng những người thân đã khuất bóng và để chia vui cùng con cháu. Tuy nhiên không nên bày vẽ quá tốn kém để rồi ăn không hết. Đặc biệt cần hạn chế tình trạng say rượu tổn hại đến sức khoẻ và gây tai nạn trên đường đi thăm viếng nhau. Các nhà khoa học xác định để bảo vệ gan không được đưa vào cơ thể quá 10g cồn trong bia, rượu trong thời hạn 1 giờ. Tuỳ nồng độ cồn trong bia, rượu mà tự tính toán để sao cho có thể bảo vệ lâu dài được lá gan của mình. Cần hạn chế hút thuốc lá, nhất là với trẻ em và những thanh niên chưa từng hút thuốc. Không hút thuốc trong nhà hay chỗ đông người để tránh ảnh hưởng sang người khác.
Chúng ta chủ trương bỏ pháo Tết để tránh tai nạn mà thay thế bằng đốt pháo hoa ở các thành thị lớn và truyền hình đến mọi nơi. Nhiều người cho rằng nên học tập Trung Quốc bằng việc cho đốt pháo ở nông thôn và chỉ có pháo tép do Nhà nước sản xuất. Điều này khuyến khích các gia đình thành phố về nông thôn hưởng thụ Tết và không hề gây tai nạn đáng tiếc do dùng các loại pháo cỡ lớn.
Tết để tri ân
Ngày Tết là dịp để tỏ lòng biết ơn với cha mẹ, ông bà, các thầy cô giáo và các thầy thuốc đã chữa bệnh cho mình. Chỉ cần thành thật tỏ lòng biết ơn khi thăm viếng chứ không cần quá tốn kém mua quà cáp đắt tiền. Tuyệt đối không cần tặng quà, nhất là phong bao tiền với thủ trưởng các cấp.
Trước khi nghỉ Tết, các thủ trưởng nên có hình thức họp mặt mừng Xuân và cùng chúc Tết nhau trong không khí đoàn kết và hy vọng những thành tích mới của đơn vị trong năm tới. Các thủ trưởng cần kiên quyết từ chối nhận hoa đào, hoa mai nhiều đến mức xếp kín cả sân, vườn và vì vậy nên công bố không tiếp các đơn vị dưới quyền trong dịp Tết.
Có lần chúng tôi đến thăm một thủ trưởng cấp cao, đồng chí bảo vệ đã yêu cầu để các gói quà Tết ở bên ngoài. Rất tiếc chuyện này còn ít phổ biến.
Các thầy cô giáo chỉ mong nhận được tình cảm của học sinh, sinh viên, kể cả những người học trò đã thành danh, đâu cần nhận quà cáp từ các thế hệ trẻ. Tặng quà hay đưa phong bì cho thầy cô gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội và làm phiền lòng các thầy cô của mình.
Bây giờ trình độ khoa học đã bước vào thời đại 4.0 trong cả công nghiệp lẫn nông nghiệp, vì vậy cần dẹp bỏ các câu chuyện phản khoa học như bói toán, cầu xin ân huệ từ các đền, miếu (kiểu đền Bà Chúa kho).
Hạnh phúc sẽ đến với bất kỳ ai biết xây dựng ước mơ và dũng cảm vượt mọi khó khăn để đạt tới thành công.
Ngày Tết cũng là dịp con cháu kể với cha mẹ, ông bà về những tiến bộ của mình và các dự định trong Năm mới. Ông bà, cha mẹ sẽ thưởng con cháu bằng những phong bao đỏ mang tính tượng trưng để lấy lộc, chứ không phải những món tiền lớn (ngày xưa chỉ cho tiền lẻ mang ý nghĩa sẽ sinh sôi nẩy nở, không ai đặt những món tiền lớn trong phong bao).
Có thể mừng trẻ nhỏ đến thăm bằng những phong bao nhỏ, nhưng tránh cố tình mang theo trẻ đi thăm nhiều nhà để nhận nhiều phong bao. Cần giáo dục cho trẻ nhỏ về ý nghĩa của phong tục này, tránh nhất việc trẻ mở ngay phong bao và tỏ ra khó chịu khi thấy tiền phong bao không lớn.
Vào dịp Tết Nguyên đán đừng quên trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể (Mặt trận, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…) đối với việc thăm hỏi và tặng quà với các Mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình liệt sĩ, các thương binh trong địa bàn của mình. Đó là truyền thống đền ơn đáp nghĩa của dân tộc ta từ trước đến nay.
Cũng cần quan tâm và động viên các hộ nghèo khổ vì các lý do khác nhau trong thôn làng. Cần động viên phong trào mua sắm quần áo rét tặng trẻ em vùng cao nhân dịp mùa Xuân thường về khi trời tiết giá lạnh.
Nếu mỗi đơn vị cơ quan hay đoàn thể nhận giúp đỡ cụ thể cho học sinh một trường học vùng cao để có quần áo ấm đón Xuân thì là câu chuyện hay biết mấy, cách làm mà lâu nay nhiều nơi đã thực hiện rất có hiệu quả. Quần áo phải lành lặn, sạch sẽ và phù hợp với hoàn cảnh. Bên cạnh quần áo nên chú ý cả giày vải cho những địa bàn các em nhỏ còn phải đi đất hay đi dép tổ ong đến trường.
Phong tục xin chữ các ông đồ ngày càng ít phổ biến, vì đó là các chữ Hán, ít người muốn treo. Nên thay thế bằng việc in các tập lịch đẹp có đủ 12 trang cho 12 tháng, sao cho mỗi gia đình, dù là nghèo đến đâu, cũng có điều kiện có một cuốn để sử dụng trong suốt cả năm. Kinh phí có thể vận động xã hội hoá từ các doanh nghiệp trong từng địa phương. Tránh in quá nhiều các lịch blốc, lịch bàn để quảng bá hình ảnh cơ quan, đơn vị đến mức dư thừa vì không sử dụng hết, gây lãng phí lớn.
Mùa Xuân là dịp thực hiện Tết trồng cây theo lời kêu gọi của Bác Hồ vô cùng kính yêu. Sao cho phong trào mỗi người trồng một cây trong ngày hội trồng cây được triển khai ở mọi địa phương trong dịp đón Xuân. Muốn vậy phải có sự chuẩn bị chu đáo của chính quyền, các đoàn thể ở từng địa phương và động viên mọi người tham gia trong ngày hội trồng cây ở địa phương mình.
Để chào đón mùa Xuân mới, chúng ta cùng nhớ lại một bài thơ Đường đón Xuân của Bác Hồ, bài Tình thiên (Trời hửng): “Sự vật tuần hoàn nguyên hữu định/ Vũ thiên chi hậu tất tình thiên/ Phiến thì vũ trụ giải lâm phục/ Vạn lý sơn hà sái cẩm chiên/ Nhật noãn phong thanh hoa đới tiếu/ Thụ cao chi nhuận điểu tranh nghiên/ Nhân hòa vạn vật đồ hung phấn/ Khổ tận cam lai, lý tự nhiên”.
Nghĩa là, “Sự vật vần xoay đà định sẵn/ Hết mưa là nắng hửng lên thôi/ Đất trời một thoáng thu màn ướt/ Sông núi muôn trùng trải gấm phơi/ Trời ấm, hoa cười chào gió nhẹ/ Cây cao, chim hót rộn cành tươi/ Người cùng vạn vật đều phơi phới/ Hết khổ là vui vốn lẽ đời”.
Theo GS. Nguyễn Lân Dũng/Báo Chính phủ