Cứ mỗi khi đến dịp kết thúc năm học, trên mạng xã hội lại tràn ngập giấy khen Học sinh giỏi và những bảng điểm tổng kết toàn những con điểm 9, 10. Thế mới có chuyện một lớp có 43 học sinh thì có đến 42 học sinh giỏi hay trong lớp có tới 98% Học sinh giỏi. Và thực tế hiện nay, ít có lớp nào mà có ít hơn 3/4 số học sinh là Học sinh giỏi.
Với việc học sinh bây giờ “giỏi” như vậy, nên không quá bất ngờ khi có trường chuyên ở Hà Nội quy định về tuyển sinh vào lớp 6, để qua được “vòng gửi xe”, bảng điểm của học sinh trong 5 năm học Tiểu học phải toàn điểm 10, chỉ được phép có duy nhất một điểm 9.
Với những thành tích cao chót vót như vậy, có phải thực sự con cái chúng ta đều là những “siêu nhân”?
Những con điểm hoàn hảo, những thành tích vượt bậc đó trên bài thi, trên học bạ đúng là của các con, nhưng cách để các con đạt được những kết quả đó thực sự là điều rất đáng lo ngại. Và chính nhà trường, cô giáo, phụ huynh và bản thân học sinh đều hiểu vì sao lại có được những con điểm đẹp đẽ đến như vậy.
Bởi, trước mỗi kỳ thi, hầu hết học sinh đều được phát đề cương, được ôn tủ và đến lúc thi cứ thế mà làm, con nào “dốt” thì cũng đạt điểm 7, điểm 8. Nhưng đó chỉ là trường hợp hy hữu, còn lại toàn điểm 9, 10. Thế mới có chuyện tìm mỏi mắt trong học bạ của học sinh Tiểu học không bao giờ thấy điểm 8, mà điểm 9 cũng ít, hầu như toàn điểm 10. Đăng ký thi vào các cấp 2, nhiều trường chuyên nhận tới hàng ngàn hồ sơ mà trong suốt 5 năm học, các con chỉ toàn điểm 10, không có nổi một con điểm 9.
Những con điểm hoàn hảo, hồ sơ đẹp đẽ như mơ của các em cũng là tiêu chí để xếp loại giáo viên, để xét tăng lương, khen thưởng, xếp loại lớp học, trường học nên nhiều thầy cô trong lòng cũng thực sự trăn trở về chất lượng giáo dục nhưng không còn cách nào khác, nếu không vì thành tích cá nhân thì chí ít cũng phải vì thành tích của lớp, của trường.
Không lo ngại sao được khi con mình là “siêu nhân” nhưng trong cuộc sống lại giống như một người máy. Lịch cả ngày của con chỉ có học, học và học. Hết học trên lớp lại đến học thêm. Nhiều khi bố mẹ phải đem đồ ăn đến tận cổng trường để cho con ăn vội còn kịp ca học thêm tiếp theo. Mà không học không được, vì con người ta cũng học thêm, cả xã hội đều học thêm. Nếu không muốn là “người ngoài hành tinh” thì phải chấp nhận trong guồng quay đó.
Cũng vì thời gian dành cho học quá nhiều, nêu các con không còn thời gian để vui chơi, để học các kỹ năng cuộc sống. Có chút thời gian để nghỉ ngơi thì bố mẹ lại thương cho giải trí bằng aipad, điện thoại... Không ngạc nhiên khi có nhiều con học đến cấp 2, cấp 3 nhưng vẫn không biết làm bất cứ việc gì, kể cả các việc đơn giản rửa bát, quét nhà.
Cũng chính không có thời gian quan tâm việc khác ngoài học, các con sống thờ ơ, vô cảm với chính bản thân và gia đình. Không biết mình học như thế nào và học để làm gì. Nhiều con có tư tưởng “học cho bố mẹ”, “học vì bố mẹ bắt học” nên khi có thành tích cao, con được quyền ra yêu sách bố mẹ phải “thưởng” bằng tiền hoặc hiện vật. Và nhiều bố mẹ vì bận bịu công việc, vì nghĩ đơn giản con điểm cao là đang cố gắng, là tiến bộ nên thỏa hiệp làm theo mọi yêu sách của con.
Và đáng lo ngại hơn hết là với điểm 9, 10 và những tờ Giấy khen “Học sinh giỏi” đã làm cho các con ảo tưởng về khả năng của mình. Với một học sinh Tiểu học hay phổ thông, đây là những điểm số tối đa, vì thế các con nghĩ rằng mình đã chinh phục được những thành tích vượt trội như vậy, không còn gì để phấn đấu. Chính những con điểm hoàn hảo này đang ru ngủ các con và nhiều bậc phụ huynh. Từ đó làm thui chột khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh.
Hầu hết các bậc cha mẹ đi đều đã từng đi họp phụ huynh cho con và không ít người đã được nghe những câu nói quen thuộc của cô giáo “Cả lớp là học sinh giỏi nhưng thực tế chỉ có 5-10 con có năng lực thực sự”.
Các con có năng lực thực sự chỉ chiếm trên đầu ngón tay trong các lớp toàn con là Học sinh giỏi. Điều đó ai cũng biết. Nhà trường biết, cô giáo biết, phụ huynh biết nhưng sao vẫn phải ru ngủ nhau bằng những thành tích “ảo” hết năm này qua năm khác?.
Đã đến lúc, chúng ta phải “thức tỉnh” thực sự, để không còn mộng mị bởi những điểm số “ảo” của căn bệnh thành tích. Có như thế mới mong có một nền giáo dục phát triển bền vững, trung thực và không gian lận.
Có như vậy, khi cầm tờ giấy khen của con trên tay, nhiều cha mẹ mới không ái ngại thầm hỏi “Có Giấy khen “Học sinh giỏi”, sao con vẫn... “dốt”?./.
Theo VOV