Các tao nhân mặc khách và muôn vàn kẻ sĩ của mọi triều đại tìm về Côn Sơn như tìm về căn nhà vũ trụ để thực hiện đời sống tâm linh trong sự hòa hợp tột cùng của âm dương, sơn – thủy và trời – đất. Chẳng những Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi… đã tìm về đây để sống đạo, hoằng dương phật pháp, mà còn có cả những vị vua cuối đời Trần như Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông và nhiều trí thức Trần – Lê khác dù đang phải gánh vác triều chính, thỉnh thoảng cũng lén về Côn Sơn để tu dưỡng, tận hưởng không khí “bán nhật thâu nhàn gã diệc tiên” (trộm cái nhàn nửa ngày - ở Côn Sơn – ta cũng là tiên) theo cách nói của Nguyễn Phi Khanh. Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã có bài thơ về Côn Sơn trong thời gian ông ở ẩn tại đây:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm.
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Trong rừng có bóng trúc râm,
Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.”
Chân núi Côn Sơn có một ngôi chùa cổ, tên chữ là Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự, tục gọi là chùa Hun, khởi dựng vào cuối thế kỷ XIII, được Pháp Loa mở rộng vào năm 1329. Cuối thế kỷ XIII, Thiền phái Trúc Lâm, một Thiền phái Phật giáo mang ý thức dân tộc, tự chủ đã dựng liêu Kỳ Lân cho các tăng ni tu hành. Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, ba vị tổ xác lập thiền phái này đã từng tu hành và thuyết pháp ở đây.
Chính vì vậy, chùa Côn Sơn trở thành một trong ba trung tâm của dòng Phật giáo Trúc Lâm Việt Nam:
“Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm
Nếu ai chưa đến thiền tâm chưa đành”
Thiền sư Huyền Quang (1254 – 1334) – Trúc Lâm đệ tam tổ đã về trụ trì chùa Côn Sơn. Tại đây ông đã tôn tạo, mở rộng chùa Côn Sơn, với nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng như: Đài cửu phẩm liên hoa, Am Bạch Vân… xây dựng tăng viện đào tạo tăng ni, giảng kinh thuyết pháp,… đưa Côn Sơn thành đại già lam, đại tùng lâm.
Ngày 23 tháng Giêng, năm Khai Hựu thứ 6 (1334), sư tổ Huyền Quang viên tịch tại Côn Sơn, đệ tử dựng tháp để xá lị ở sau chùa. Tháp có tên gọi là Đăng Minh bảo tháp. Vì thế, Côn Sơn được gọi là chốn Phật tổ và hàng năm mở hội dâng hương vào trung tuần tháng Giêng.
Thời Trần, kiến trúc chính của chùa là nội công ngoại quốc. Quy mô di tích khá lớn, với đầy đủ các công trình kiến trúc đồ sộ, hoành tráng từ hồ Bán Nguyệt lên đến đỉnh núi Côn Sơn như: Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện, 2 dãy tiền hành lang, hậu hành lang, Cửu phẩm liên hoa, các tòa tháp và Am Bạch Vân…
Thời Lê, chùa có quy mô 83 gian, có tượng nghìn mắt, nghìn tay, cửu phẩm liên hoa có 385 pho tượng…
Qua thăng trầm lịch sử, chùa Côn Sơn vẫn còn dấu ấn kiến trúc thế kỷ XIV, XVII, XVIII, XIX, vẫn theo lối cung đình: Hồ Bán Nguyệt, Tam quan, gác chuông, phật điện, tổ đường, hậu hành lang… hệ thống tượng thờ khá phong phú, biểu hiện phật giáo thu nhỏ với ý nghĩa triết lý nhân sinh, giáo dục hướng thiện khai tâm cho chúng sinh.
Hiện chùa còn lưu giữ nhiều giá trị vật thể, phi vật thể vô cùng phong phú: hệ thống văn bia từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XIX, đặc biệt có tấm bia Thanh Hư động tạo thời Long Khánh (1373 – 1377) là bút tích của vua Trần Nghệ Tông; tấm bia “Côn Sơn Tư Phúc tự bi” Bác Hồ đọc khi Người về thăm Côn Sơn (15/2/1965); Ngói mũi hài và chân tảng hoa sen là di tích thời Trần… Bên cạnh đó còn có các bộ sách kinh phật, bộ cúng đàn Mông Sơn Thí Thực, bùa chú Huyền Quang, hệ thống phả hệ dòng họ Nguyễn Trãi.
Trải qua bao năm tháng, chùa Côn Sơn nhỏ bé hơn rất nhiều so với hình bóng ngôi chùa xưa được ghi trong sử sách và bi ký, nhưng không vì thế mà chùa Côn Sơn và núi rừng nơi đây mất đi vẻ tôn kính thiêng liêng vốn có của nó. Côn Sơn vẫn là nơi hấp dẫn bao tín đồ phật tử và du khách. Hơn nghìn năm tồn tại và phát triển, các thế hệ người Việt vẫn về đây trẩy hội, chiêm bái tưởng niệm các bậc danh nhân.
Đến Côn Sơn là một dịp về cõi thanh hư, để gần hơn với Phật tâm, nghe tiếng chuông mà tỉnh cơn mê vào miền thánh thiện.
Hoàng Minh