Cuộc đua của những “siêu nhân” và con điểm 10 “bất an”?

Thứ tư, 17/04/2019 15:24
Để đạt được những con điểm làm đẹp hồ sơ, hầu hết học sinh đang học theo kiểu học vẹt, học tủ, học theo đề cương… Cách dạy và học này đang làm thui chột khả năng tư duy, sáng tạo của các em.

Trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, quy định về tuyển sinh vào lớp 6 của một trường THPT Chuyên ở Hà Nội gây xôn xao. Theo thông báo, trường sẽ tuyển sinh kết hợp giữa sơ tuyển và kiểm tra đánh giá năng lực.

Học sinh muốn vào trường sẽ phải làm 3 bài kiểm tra. Nhưng trước đó phải lọt qua vòng hồ sơ dự tuyển ngặt nghèo. Cụ thể, tổng điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm của môn Toán, Tiếng Việt trong 2 năm học lớp 1 và 2 phải đạt từ 39 điểm trở lên. Tính ra, trong 4 bài kiểm tra này, chỉ có 1 bài được điểm 9; còn lại là điểm 10. Đến năm lớp 3, tổng số các bài kiểm tra định kỳ cuối năm của 2 môn Toán, Tiếng Việt phải đạt 20 điểm. Tính ra, mỗi môn phải đạt điểm 10. Đến năm lớp 4 và 5, từng năm phải đạt điểm 10 của 4 bài kiểm tra các môn: Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý.

Như vậy, để lọt qua vòng hồ sơ, một trong những tiêu chí bắt buộc là trong suốt 5 năm học, học sinh phải đạt toàn điểm 10, chỉ duy nhất có một điểm 9. Đành rằng, khi xét tuyển vào các trường chuyên lớp chọn, cần có những tiêu chí riêng biệt để phân loại học sinh, nhưng liệu với tiêu chí chỉ chọn những học sinh đạt toàn điểm 10 với tất cả các môn từ Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử, Địa lý… như cách xét tuyển trên, có tuyển chọn được những học sinh tài năng thực sự? Trong khi đa số các em học sinh giỏi, mỗi em sẽ có một tố chất về một môn học, lĩnh vực vào đó.

leftcenterrightdel
(Ảnh minh họa) 

Điểm 10 là điểm số cao nhất trong thang điểm hiện hành ở các trường tiểu học và phổ thông. Điểm số dành cho những bài làm xuất sắc và tuyệt đối đúng, không có bất kỳ một sai sót nhỏ nào. Với việc xét tuyển “toàn điểm 10” như vậy, vô hình trung chúng ta bắt các em phải là “siêu nhân” ngay từ khi vào một 1.

Để đạt được kết quả này với một đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi chơi từ mẫu giáo lên lớp 1 là vô cùng khó khăn. Vì thế, để có điểm số đẹp như vậy, nhiều gia đình phải cho con đi học “tiền lớp 1” từ rất sớm, rồi cuốn vào cuộc đua, học thêm, học trước. Chỉ có cách ấy thì mới mới hạn chế được “sai sót” trong cuộc đua tìm kiếm điểm 10, để chuẩn bị cho hành trình 5 năm được lọt qua “vòng gửi xe” khi thi tuyển vào trường chuyên, lớp chọn ở cấp 2.

Nhưng thực sự, kể cả các bậc phụ huynh và ngay cả các thầy cô, ai cũng thấy sự vô lý về những con điểm 10. Trong các cuộc họp phụ huynh cuối học kỳ hoặc cuối năm, hầu hết các con, nhất là ở các lớp cấp 1, đều có kết quả học tập tốt, toàn điểm 9, 10, nhưng bao giờ cô giáo cũng chốt lại rằng “Lớp toàn các con điểm số cao nhưng thực chất trong số này chỉ có vài con có năng lực thực sự”.

Điều đó là đúng, bởi khó có một đứa trẻ nào ngay từ khi bước vào lớp 1 và trong suốt 5 năm học, lúc nào cũng là học sinh xuất sắc và toàn diện về tất cả các môn học như vậy. Các em đang độ tuổi phát triển, đến trường là để tìm hiểu, học hỏi những cái mới, chắc chắn không phải cái gì các em cũng biết, lúc nào các em cũng có kết quả học tập xuất sắc mà không có bất cứ sự sai sót nào.

Những con điểm tròn trịa và hoàn hảo đó, tưởng chừng là sự hân hoan, vui mừng vô hạn của gia đình và của nền giáo dục nhưng thực tế lại không phải vậy, nó khiến cho nhiều người đang lo ngại về một sự bất an.

Có thể những con điểm 10 đúng với những gì các em thể hiện trên bài thi, bài kiểm tra, nhưng đằng sau đó là gì? Thực tế, nhiều bậc phụ huynh, dù con em mình có đạt được những điểm 10 tròn trịa và hoàn hảo như vậy, thì cũng không khỏi lo lắng. Bởi họ là người hơn ai hết hiểu rõ để đạt được những con điểm làm đẹp hồ sơ, hầu hết học sinh đang học theo kiểu học vẹt, học tủ, học theo đề cương… Cách dạy và học này đang làm thui chột khả năng tư duy, sáng tạo của các em.

Để có được những điểm 10, các em phải cuốn vào vòng xoáy của sự học và học. Học đêm, học ngày, học trên lớp, học thêm ở nhà thầy cô, học thêm ở Trung tâm với đủ các môn… Học nhiều đến nỗi các em không còn có thời gian để vui chơi, trau dồi kỹ năng sống. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến những nạn bạo lực học đường chưa bao giờ lại nóng như bây giờ. Các em trở nên vô cảm, hung bạo, dã man với chính cả những bạn học của mình. Hoặc thiếu kỹ năng, nhiều em lại rơi vào trạng thái bế tắc khi bị điểm kém, bị cha mẹ la mắng hay bị bạn bè trêu chọc…

Nhưng hơn hết, đằng sau những điểm 10 đẹp đẽ là cả một môi trường giáo dục, xã hội nặng về thành tích. Cha mẹ thì cần những con điểm đẹp để khoe với mọi người, để tự an ủi rằng con mình không thua kém chúng bạn. Thầy cô, nhà trường thì cần những điểm số đẹp để cuối kỳ, cuối năm xét thưởng, xét thi đua và báo cáo lên cấp cao hơn. Và Phòng Giáo dục, Sở Giáo dục cũng cần những thành tích đẹp để đem ra so sánh với các địa phương khác…

Thực tế, căn bệnh thành tích phố biến, tràn lan đang gây ra những hệ quả đau lòng. Để có được thành tích, người ta tìm mọi cách để chạy trường, chạy lớp, mua điểm, chạy điểm… Những vụ gian lận như ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình là những minh chứng rõ ràng nhất. Những lùm xùm này làm cho xã hội càng thêm mất lòng tin vào một môi trường giáo dục đang còn nhiều tồn tại. Tệ hại hơn, trong tương lai chúng ta sẽ có một lớp cán bộ trẻ, những người chủ đất nước thiếu trung thực và gian dối.

Nếu chúng ta cứ mải miết chạy theo những điểm 10 tròn trịa, chắc chắn những yếu kém trong giáo dục sẽ khó được khắc phục. Một khi còn vị thành tích, chúng ta sẽ tìm mọi cách, trong đó có cả cách tiêu cực như nhiều nơi vẫn đang sử dụng để đạt được những thành tích “ảo”. Và không ai khác, lại chính con em chúng ta là người phải gánh chịu mọi hậu quả của những vòng xoáy tiêu cực đó.

Đã đến lúc, chúng ta nên mạnh dạn chấp nhận những con điểm thấp hơn điểm 9, 10, thậm chí là những điểm số kém, nhưng đó là tất cả khả năng, sự cố gắng của con em mình.

Chỉ khi nào nhà trường, thầy cô và cha mẹ có cái nhìn bình thường với những con điểm, thì các em mới không bị áp lực và quay cuồng vào vòng xoáy thành tích của bản thân, gia đình và nhà trường.

Và chỉ như vậy, chúng ta mới có quyền hy vọng vào một môi trường giáo dục trung thực và nói không với bệnh thành tích./.


Theo Hòa An/VOV.VN


Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra