Mấy chục năm qua, tháng Chạp nào của má cũng bận rộn. Là bởi ngoài công việc đồng ruộng, vườn tược má còn phải chăm sóc đàn heo bốn con. Heo má nuôi là giống heo để lấy thịt, kịp bán cho người ta mổ Tết. Vì vậy, từ trong năm má căn ngày mua giống, rồi chăm sóc, tới ngày bán, chuẩn không lệch một ngày. Anh em chúng tôi thấy má cực quá liền khuyên má bớt việc, nghe xong má gạt phắt “Tụi bây đừng cản má, để má làm, sát Tết heo bán mới đắt, ra Giêng hay trong năm, bán được nhiêu đồng”. Má nói vậy rồi, anh em cũng đành lặng im. Thương má sớm hôm đầu tắt mặt tối mà chẳng biết làm sao.
Mỗi năm má nuôi hai đợt heo. Mỗi đợt nuôi tầm sáu tháng là xuất chuồng. Đợt đầu năm má nuôi chừng hai con. Bắt đầu đến đợt tháng sáu má mới nuôi bốn con. Trong làng chẳng ai chăm heo cẩn thận như má. Ngày hè nắng nóng, đều đặn ngày nào má cũng tắm cho chúng sạch sẽ, mát rượi. Anh Hai tôi nói với má, heo đâu như người mà má tắm chi nhiều thế, má rằng, nóng nực nó khó ở, ăn ít làm sao lớn nhanh? Con người ăn ngày ba bữa, heo của má cũng được ăn ba bữa. Đồ ăn của heo, dù cám hay rau má cũng đều nấu lên chín nhừ. Không những vậy, bữa ăn của heo cũng phải thật đúng giờ. Hồi nhỏ, má hay phân công tôi nấu cám cho heo, có bữa tôi ham chơi quên giờ nấu, heo ăn muộn, má từ đồng về la quá trời. Má bảo, heo cũng như con người không những ăn đủ bữa còn phải đúng giờ để tiêu hóa thật tốt, như thế mới nhanh lớn. Anh Hai tôi bảo, con heo nào vô tay má sướng như công chúa, tiểu thư con nhà giàu vậy đó.
Trên người của má hiếm khi có mùi thơm, đọng lại toàn mùi cám, mùi đám heo trong chuồng. Đi đâu về má cũng phải ghé vào chuồng heo coi một lượt rồi mới yên tâm. Ngoài vườn, má trồng bạt ngàn dây lang cho heo. Những ngày mưa, ban đêm má mang đèn pin đi soi nhái đồng. Nhái được nấu lẫn với cám và rau lang đàn heo rất thích ăn. Má cũng không ngại đường xa, trên chiếc xe đạp cọc cạch đi dò hỏi những nhà không nuôi heo, những nhà hàng xin cơm thừa canh cặn về nấu lên cho heo ăn. Đàn heo của má ngày một lớn như thổi. Hôm tôi phụ má mang chậu cám ra chuồng thấy má cười rất tươi - nụ cười đầy hy vọng, chỉ vào từng chú heo bảo, con heo này dành tiền sắm Tết cho cả nhà, con kia thì dành tiền đóng học phí, con nữa bán lấy tiền mua giống heo vụ sau, lòng tôi cũng hoan hỉ lây.
Má làm việc nhiều như thế không ốm mới lạ. Có đợt má ốm ba bốn ngày liền. Anh Hai tôi vừa lo vừa trách nhẹ má “tham công tiếc việc”. Má sốt, nằm li bì trên giường. Thương má lắm! Nhìn má nuốt từng thìa cháo chậm rãi mà lòng tôi quặn thắt. Trong cơn mê sảng má cứ nhắc đến heo, kêu đứa này, đứa kia nấu cám cho heo ăn đi. Thiệt tình, chẳng có ai như má tôi. Người đang ốm mà lại đi lo cho đàn heo ngoài chuồng. Nhưng tôi biết đó cũng do bởi má hết lòng vì đàn heo, công việc chăm lo cho cả gia đình.
Tuy đàn heo được chăm sóc kỹ càng nhưng có những lần nằm ngoài dự đoán, đàn heo của má đổ bệnh. Chậu thức ăn ngon đến mấy nó cũng lắc đầu, bỏ đi. Má kêu bác sỹ thú y, mất bao nhiêu tiền thuốc vậy mà cuối cùng đàn heo cũng không khỏi lần lượt chết. Má khóc. Đó là lần thứ hai tôi thấy má khóc to như thế sau cái lần đám tang của ngoại. Mấy anh em cũng không biết làm gì nhìn má bất lực. Tôi biết má vẫn đang buồn nhưng má giấu kín trong lòng, chỉ ngay ngày hôm sau má vui vẻ trở lại. Tết năm đó má không có heo để bán, cái Tết của cả nhà cũng vì thế mà ảm đạm hơn. Má dọn lại chuồng heo, lấy vôi bột rắc trong chuồng khử trùng rồi ra Tết má lại nuôi heo.
Anh em chúng tôi lớn lên có cơm ăn áo mặc, học hành nhờ hết vào đàn heo mỗi năm của má. Mấy anh em không ai ở quê, đều lập nghiệp trên phố. Má ở lại với mái nhà, buồn hiu, quạnh vắng. Anh Hai tôi bảo má lên ở cùng cho vui, nhưng má không ưng bảo quen sống ở quê rồi. Má bảo, ở nhà má còn đàn heo, buồn sao được? Cứ mỗi đợt tháng Tết cận kề là tôi lại nhớ má cùng đàn heo trong chuồng. Nhiều lúc nằm nghĩ ngợi nước mắt tuôn chảy thành dòng. Tuổi má ngày một nhiều lên, những đứa con của má đã tự lập lo được cuộc sống cho mình nhưng má dường như không muốn chúng tôi phải phiền vì má nên má cứ nuôi heo, chắt chiu, dành dụm cho tuổi già./.
Tăng Hoàng Phi