Độc đáo Tết phương Nam

Thứ ba, 28/01/2020 07:42
Khi ngàn mai khoe sắc vàng rực rỡ trong nắng ấm tràn trề như rắc vàng trải mật đều trên khắp đất trời cũng là lúc bước chân Xuân gõ cửa miền đất phương Nam. Cũng như người Bắc, người dân phương Nam đón Tết với những đặc sắc riêng của vùng miền.
Hoa mai - Biểu tượng của mùa xuân phương Nam


leftcenterrightdel
 Ngày Tết phương Nam nhà nhà đều trang trí mai vàng.

Với ý nghĩa đó, gia đình nào cũng cố gắng trang trí một cây mai hay cành mai nở rộ trong nhà ngày Tết, để mong ước bước sang năm mới có nhiều niềm hân hoan, hạnh phúc, tiền tài, công danh được gấp bội.

Theo quan niệm xưa, cây mai biểu trưng 4 đức tính quý nhất của người quân tử, như nhân, nghĩa, lễ, trí tương ứng với chu kỳ nhú nụ – nở hoa – ra quả – kết quả. Đồng thời, cành mai ngày tết là hình ảnh ẩn dụ cho sức sống và trí tuệ của con người Việt Nam.

Tên gọi của hoa mai cũng chính là thể hiện sự mai mắn, tốt đẹp, một sự khởi đầu hoàn hảo và thịnh vượng cho một năm mới. Mai vàng là loài hoa có sức sống mãnh liệt, khẳng định cho niềm tin, ý chí và hy vọng không bao giờ vụt tắt.

Hoa mai còn có ý nghĩa xua đuổi những điều xấu xa, không tốt đẹp. Và cầu cho một năm mới luôn được bình an, hạnh phúc và phát đạt. Có lẽ vì thế mà hoa mai vàng là một trong những sự lựa chọn hàng đầu của người dân Việt, đặc biệt là người miền Nam.

Ngoài ra, hoa mai có màu vàng, tượng trưng cho hành thổ – trung tâm của ngũ hành. Thổ là đất đai, là sự sống, đặc biệt với cư dân nông nghiệp còn là phương tiện nuôi sống con người. Nhờ đất mà con người ngày càng phát triển, sung túc và thịnh vượng.

Hoa mai đã trở thành một trong những biểu tượng độc đáo cho văn hóa ngày Tết ở miền Nam. Gắn liền tính cách vừa mộc mạc, giản dị, vừa coi trọng nhân nghĩa, đạo lý ở đời của con người Nam bộ. Vì vậy, những đóa mai vàng khoe sắc không chỉ báo hiệu cho thời điểm năm hết Tết đến mà còn phản ánh những khát vọng về cuộc sống của cư dân trên vùng đất phương Nam qua hàng trăm năm.

Mâm ngũ quả -  ước mong năm mới đủ đầy, sung túc

leftcenterrightdel
Mâm ngũ quả "cầu vừa đủ xài" của người phương Nam. 

Người miền Nam xem mâm ngũ quả như biểu tượng cho thành quả sau một năm lao động miệt mài. Những sản vật này là sự kết tinh từ mồ hôi, công sức của những người dân lao động chắt chiu qua những vụ mùa, thành kính dâng lên ông bà tổ tiên.

Mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Nam thường có các loại quả: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, đọc chệch thành các tên "cầu vừa đủ xài" hoặc "cầu vừa đủ sung". Mỗi chữ cũng là đại diện cho những loại quả chính được trưng bày trong mâm ngũ quả của người miền Nam. Ở đây “cầu” chính là trái mãng cầu (hay trái na ở miền Bắc), “sung” chính là trái sung, “vừa” là cách nói theo ngữ điệu, chính là quả dừa, “đủ” là quả đu đủ và cuối cùng “xài” chính là quả xoài. Ngoài ra, còn thêm chân đế là 3 trái thơm (dứa) thể hiện sự vững vàng và cặp dưa hấu ruột đỏ vỏ xanh, bởi màu đỏ của ruột dưa hấu tượng trưng cho tài lộc, may mắn, còn vỏ màu xanh là sự hi vọng ẩn chứa niềm vui từ bên trong.

Nếu như người miền Bắc, nải chuối xanh dần không thể thiếu trên mâm ngũ quả thì người miền Nam lại kiêng kỵ. Mâm ngũ quả của người miền Nam không bao giờ có chuối, vì loại quả này tên gọi có âm giống từ “chúi" thể hiện sự nguy khó.

Bên cạnh đó, quả cam cũng ít được có mặt trong mâm ngũ quả ngày Tết, vì câu “quýt làm cam chịu”, hoặc trái lê cũng ít xuất hiện vì đồng nghĩa với “lê lết”,…

Với người dân miền Nam mâm ngũ quả ngày Tết luôn thể hiện cho 5 yếu tố Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Đây là 5 yếu tố được cho là đã cấu thành nên vũ trũ trong quan niệm của người Việt nói riêng và của văn hóa Á Đông nói chung.

Ngoài ra, mâm ngũ quả ngày tết của người dân miền Nam đều mang một nghĩa chung sâu sắc đó là thể hiện lòng hiếu thảo, ước mong những điều tốt lành cho một năm mới sắp tới.

Các món ăn ngày Tết

leftcenterrightdel
Mâm cỗ Tết miền Nam còn các món ăn đặc trưng khác như nem bì, lạp xưởng tươi, giò heo nhồi, gỏi gà xé phay trộn củ hành, tôm khô kiệu chua. 

Các món ăn trong mâm cỗ Tết của miền Nam mang đặc điểm của vùng có khí hậu nhiệt đới ,như món thịt kho tàu được kho cùng trứng và nước dừa, ăn kèm củ kiệu muối chua ngọt. Món ăn này mang ý nghĩa cầu mong không khí hòa thuận, sum vầy trong gia đình – dấu hiệu của một năm mới thuận lợi, an lành.

Ngoài ra, sẽ là thiếu sót nếu mâm cỗ Tết miền Nam không có món canh khổ qua nhồi thịt. Theo truyền thống, người dân ở đây ăn món này đầu năm để cầu mong mọi chuyện không may mắn trong năm cũ sẽ qua đi, một năm mới bình yên, hạnh phúc sẽ đến.

Tết đã đến, có gì ngon hơn món chè ngày xuân, bởi chén chè mang hương vị của bốn mùa, và ngay cả tâm tư tình cảm của người dân nơi đây cũng đều gửi gắm vào chén chè. Chè không những thể hiện ngày Tết đầm ấm, ngọt ngào, hạnh phúc, mà còn thể hiện mong muốn mọi việc sẽ trôi chảy, thuận lợi và lòng ngưỡng vọng tổ tiên, biết ơn thiên nhiên đất mẹ cho cuộc sống an lành, truyền thống từ xa xưa được tiếp nối cho mãi đến muôn đời sau.

Cũng giống với miền Trung, miền Nam thường ăn bánh tét vào dịp năm mới. Tuy nhiên, phần nhân bánh tét ở miền Nam được biến tấu với nhiều loại như bánh tét lá cẩm, bánh tét ngũ sắc đi kèm với nhân đậu xanh, nhân chuối, nhân dừa, nhân trứng muối,… Chính vì vậy, bánh tét ở miền Nam rất đa dạng, có màu sắc bắt mắt.

Đặc biệt, mâm cỗ Tết miền Nam còn các món ăn đặc trưng khác như nem bì, lạp xưởng tươi, giò heo nhồi, gỏi gà xé phay trộn củ hành, tôm khô kiệu chua,… Tùy theo từng địa phương, mâm cỗ Tết có các món ăn đặc trưng khác như: cuốn thịt heo luộc, cá lóc nướng cuốn bánh tráng, bánh ít, cơm rượu,…

Nét riêng Tết phương Nam

leftcenterrightdel
Tết là ngày sum họp. 

Đối với người Nam bộ, Tết trước hết là cho Tổ tiên, ông bà, cho những người đã khuất, rồi mới đến niềm vui cho những người đang sống. Chính vì thế, trước Tết, nhiều gia đình đi tảo mộ, dọn dẹp trang trí lại phần mộ của người đã khuất để đón Tổ tiên, ông bà về ăn Tết cùng con cháu. Từ sáng sớm ngày 30 Tết, mọi thành viên trong gia đình đều tập trung sắm sửa, chuẩn bị cho ngày Tết. Đàn bà, con gái lo chuẩn bị mâm cơm ngày Tết. Đàn ông, con trai thì chuẩn bị đồ thờ cúng.

Lễ cúng ngày Tết của người phương Nam phải đủ 2 phần. Phần trưng trên bàn thờ là lời nhắc nhở đến nguồn cội, phần cúng thì thường thay đổi. Phần trưng gồm bánh kẹo, mứt, mâm ngũ quả nhiều ý nghĩa và 5 bông cúc tượng trưng cho ngũ phúc. Mâm cơm cúng ông bà chiều 30 bao giờ cũng có con gà ngậm cọng hành và củ hành tía bày xung quanh là tượng trưng cho năm mới mọi việc hanh thông, sinh sôi nảy nở, nhiều nềm vui hơn năm cũ; bên cạnh đó là thịt kho, cá chiên, rau xào, canh khổ qua. Đó là những phong vị truyền thống trong ngày Tết phương Nam. Người phương Nam kính cẩn mời ông bà về cùng sum họp ngày Tết.

Lễ cúng lúc giao thừa rất trang trọng nhưng cũng rất đơn giản, chỉ cần xẻ trái dưa hấu, rót chén rượu và thắp nén nhang là đủ. Một điều đặc biệt là Người miền Nam không có tục hái lộc đầu xuân, thời điểm ngày cuối năm này, nhà nhà phải tưới hoa, cây trái, cây cảnh trong vườn nhà.

Mồng một tết là ngày của sum họp. Người phương Nam ít khi ra khỏi nhà, sáng sớm và chiều tối là lễ dâng trà và bánh mứt cho ông bà tổ tiên.

Khác với người miền Bắc là gói bánh trưng vào ngày 30 Tết thì người phương Nam gói bánh tét vào ngày mồng 2 tết. Bánh được luộc trong đêm để mồng 3 có bánh tiễn chân ông bà và làm Tết Giếng.

Lễ dùng Tết Giếng gồm mứt tết, bánh tét, trái cây, nhang đèn được sắm sửa ngay trên thành giếng. Nhang được thắp lên, người thành kính tạ ơn Ông Bà Giếng cũng chính là tạ ơn nguồn nước đã mang lại nguồn sống cho vạn vật ở đất này. Giếng được đậy nắp từ chiều 30 Tết và phải đến lúc Tết Giếng thì nắp giếng mới được mở ra. Sau đó, người ta sẽ múc chén nước giếng đầu tiên để cúng với lễ Tết Giếng. Bên cạnh đó còn cúng long thần, thổ địa.

Tết ở Nam bộ cơ bản vẫn còn nguyên bản nét văn hoá truyền thống của người  Việt Nam. Những phong tục bình dị ấy thể hiện tính cách điển hình người dân ở phương Nam. Ngày nay, Tết Phương Nam người ta thường chọn đi du lịch, đi du xuân, đi lễ hội nhưng tục lệ ấy vẫn được nhiều gia đình gìn giữ đến nay./.

 

Theo dangcongsan.vn




Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra