Bảo vệ cả học sinh và nhà giáo
Bày tỏ quan điểm về Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục có quy định cụ thể mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm trong môi trường giáo dục, GS-VS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - bày tỏ: Những hành vi vi phạm trong môi trường giáo dục khi đã được xác định là vi phạm pháp luật dù chưa tới mức hình sự cũng cần phải có chế tài xử lý. Khi xác định hành vi vi phạm mà không có chế tài xử lý thì sẽ kém hiệu lực.
“Tôi cho rằng việc có chế tài xử lý hành chính là bình thường. Trước kia chúng ta có kỷ luật nhưng chỉ là kỷ luật mang tính chất công vụ. Còn vi phạm hành chính là vi phạm pháp luật. Thậm chí, những giáo viên bạo hành học sinh, phụ huynh đánh giáo viên thời gian qua còn bị xử lý hình sự chứ không chỉ là hành chính” - ông Thi nói.
Ông Thi cho rằng giáo viên bạo hành học sinh hay học sinh hay bất cứ ai xúc phạm giáo viên đều bị xử lý công bằng với nhau và chịu chung chế tài của pháp luật. “Chúng ta không nên coi giáo viên là những người đặc biệt, sẽ có “vùng cấm”. Trong môi trường giáo dục lại càng cần thiết phải thực hiện thật tốt các quy định của pháp luật” - ông Thi nhấn mạnh.
Tương tác giữa giáo viên và học sinh trong giờ học là rất quan trọng. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Xử phạt không giải quyết “gốc rễ” vấn đề
Phạt tiền chỉ là biện pháp “ngắt ngọn” - đó là ý kiến của PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT. Ông Nhĩ cho rằng cần có những mức độ quy định cụ thể thế nào là xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học thì mới có thể áp dụng phạt tiền. Hoặc có thể quy định nếu giáo viên và người học vi phạm lần đầu thì nhắc nhở, kiểm điểm, nếu tái phạm, hay mức độ nghiêm trọng thì mới xử phạt.
PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, giáo dục là lĩnh vực đặc thù, nên phải lấy giáo dục làm gốc. Còn việc đánh vào túi tiền của giáo viên, học sinh hay phụ huynh, có thể ngăn chặn tiêu cực, nhưng chỉ là cách làm “ngắt ngọn”.
Ở góc nhìn khác, PGS-TS Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người - lo ngại cách xử lý hành chính như thế thì giáo dục sẽ thất bại. Trong giáo dục không phải như thị trường, vi phạm luật trật tự an ninh có thể phạt bằng tiền nhưng trong hệ thống giáo dục phải giáo dục.
PGS-TS Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng, để có môi trường giáo dục trong sạch cần có sự bình đẳng trong giáo dục.
“Giáo dục phải được thực hiện một cách dân chủ và bình đẳng, phải coi đối tượng học sinh là thành viên của nhà trường bị có điều sai sót để dạy bảo chứ không coi đối tượng học sinh là đối lập để có hình phạt. Muốn học sinh tâm phục, khẩu phục thì phải có tấm gương trong nhà trường, giáo viên tôn trọng học sinh và học sinh tôn trọng thầy giáo trên tinh thần dân chủ, cởi mở và bình đẳng” - ông Kỳ Anh nói.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người bày tỏ, ngày nay, mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình vẫn chưa bình đẳng. Phía nhà trường vẫn quan hệ với phụ huynh giống như con họ đi học thì họ là người phải lệ thuộc vào mình, không cần thương lượng, thương thảo, làm rõ các nội dung. Trái lại, phụ huynh cho rằng các thầy cô là người làm công và phụ huynh đóng thuế, bỏ tiền ra để thuê.
“Vì những suy nghĩ đó nên mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh xa dần; không chung được mục tiêu giáo dục cho đứa trẻ. Phải có sự hợp tác giữa hai đối tượng này một cách thân thiện, bình đẳng, được nói và góp ý cho nhau” - ông Kỳ Anh nói.
Ông Vũ Minh Đức - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch CĐ Giáo dục VN: Dự thảo Nghị định nhằm mục đích cảnh báo, ngăn ngừa là chính
Việc cơ quan quản ý nhà nước ban hành văn bản quy phạm pháp luật (trong đó có các quy định xử phạt hành chính trong các lĩnh vực) là bình thường và phù hợp với quy định của pháp luật. Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục không phải là văn bản mới mà là sửa đổi, cụ thể hóa Nghị định 138/2003/NĐ-CP cho phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành. Việc ban hành Nghị định này nhằm hoàn chỉnh khung pháp lý làm căn cứ để xử phạt hành vi vi phạm, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, vừa qua có một số hiện tượng tiêu cực xảy ra trong ngành (xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà giáo, học sinh…) mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng chưa có chế tài xử phạt. Dự thảo Nghị định này nhằm khắc phục hạn chế đó. Dự thảo Nghị định không chỉ quy định xử phạt vi phạm các hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của giáo viên và học sinh mà còn quy định nhiều nội dung khác. Mối quan hệ của giáo viên và học sinh không điều chỉnh bởi Nghị định này mà điều chỉnh bằng Luật Giáo dục, Luật Công chức, Luật Viên chức, điều lệ trường học, các quy định khác của Bộ GDĐT. Dự thảo Nghị định nhằm mục đích cảnh báo, ngăn ngừa là chính, không lấy việc xử phạt là mục tiêu. Nghị định cũng quy định những biện pháp bảo vệ danh dự, nhân phẩm nhà giáo. CĐ Giáo dục VN thấy rằng, vì Nghị định trong lĩnh vực giáo dục có tính đặc thù nên ban soạn thảo cũng cần tính đến đặc thù này. Làm sao vừa đảm bảo công tác quản lý nhà nước, vừa giữ gìn được truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc.
XUÂN TRƯỜNG ghi
|
Theo Lao động