Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa:

Đừng để thanh tra, kiểm tra ra...chuyện đã rồi!

Thứ hai, 02/03/2020 08:22
(ThanhtraVietNam) – Tu bổ, tôn tạo, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa là rất cần thiết, thế nhưng, không ít di tích thời gian qua đã “được” tu bổ, tôn tạo một cách nóng nội, vi phạm quy định của pháp luật.

Nhiều di tích lịch sử - văn hóa được tu bổ, tôn tạo...“thô bạo”

Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, Việt Nam có rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa tồn tại qua nhiều thế kỷ đến nay. Việc trải qua quá trình rất dài của thời gian khiến không ít di tích lịch sử - văn hóa xuống cấp và việc phục dựng, tu bổ là vấn đề tất yếu. Song, vấn đề tu bổ, tôn tạo đối với một số di tích lịch sử, văn hóa trong thời gian gần đây tại một số địa phương không được tính toán kỹ, không tuân thủ quy trình, thủ tục, khiến cho di tích “được” tôn tạo, phục hồi một cách “thô bạo”.

Cuối năm 2017, quá trình tu bổ di tích quốc gia chùa Khúc Thủy, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội đã xảy ra không ít sai phạm do sự nóng vội từ địa phương. Nhiều tồn tại trong quá trình tu bổ chùa đã được Đoàn Thanh tra liên ngành của Hà Nội chỉ rõ. Trong đó, có những khối nhà xây mới đồ sộ, nhiều tượng phật sơn màu vàng chói... Rất may, hoạt động xây dựng thêm nằm ngoài địa giới bảo vệ di tích được xếp hạng quốc gia. Sau khi được báo chí phát hiện cùng hoạt động thanh tra kết luận, địa phương đã buộc phải “sửa sai”.

Mới đây, cây cầu Ngói chợ Thượng có tuổi đời 300 năm tuổi được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa quốc gia tại Nam Định trong quá trình tu sửa đã bị làm mới, sai lệch so với kết cấu ban đầu. Điều đáng nói, mặc dù có đầy đủ các ban, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, nhưng việc tu bổ, sửa chữa với di tích quốc gia này lại được diễn ra một cách không thể “tự phát” hơn, khi đơn vị sửa chữa yêu cầu các “thợ” phục dựng lại chỉ bằng tấm ảnh chụp cũ. Do vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định đã yêu cầu các đơn vị liên quan phục hồi lại theo nguyên mẫu.

Một câu chuyện khác tại Hà Nội khiến dư luận bức xúc khi trước ngày lập hồ sơ di tích, trạm phát sóng Bạch Mai (địa chỉ ngách 128C/22 phố Đại La, phường Đồng Tâm) đã bị đập bỏ 1 gian ngôi nhà và tháo dỡ gần hết mái ngói. Một gian của ngôi nhà Trạm phát sóng Bạch Mai bị phá sập hoàn toàn, kết cấu ngôi nhà bị phá hủy nghiêm trọng. Gần như ngay sau đó, UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, với quan điểm yêu cầu đơn vị quản lý nhà khẩn trương khôi phục nguyên trạng công trình là nhà gạch xây 1 tầng mái ngói. Song, đến nay, việc khôi phục lại nguyên trạng đang gặp rất nhiều lúng túng và khó khăn...

leftcenterrightdel
Ảnh chụp trước và sau khi được tu sửa. Nguồn: dantri.com.vn 

Cần tuân thủ nghiêm quy định pháp luật

Những câu chuyện đáng tiếc về việc tu bổ, tôn tạo hay phục hồi các di tích lịch sử - văn hóa trên đây có những biểu hiện, cách thức khác nhau, song đều có một điểm chung là không tuân thủ trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật và nóng vội thực hiện.

Theo Nghị định 166/2018/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2019), trong nguyên tắc cơ bản có điểm quan trọng: “phải bảo đảm giữ gìn tối đa yếu tố gốc của di tích; tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích”.

Cùng với đó, tại Điều 15 của Nghị định về nội dung dự án tu bổ di tích quy định chi tiết về thuyết minh dự án tu bổ di tích. Trong đó, nhấn mạnh, phương án bảo dưỡng, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích sau khi hoàn thành dự án. Tiếp đó, phải có bộ ảnh màu kích thước 10 x 15 cm, chụp vào thời điểm khảo sát, thể hiện tổng thể và từng hạng mục di tích, kết cấu tiêu biểu, hiện vật, tình trạng kỹ thuật của công trình. Kèm theo thiết kế cơ sở của dự án tu bổ di tích gồm: Bản vẽ, ảnh tư liệu liên quan đến quá trình hình thành, tồn tại, biến đổi và những lần tu bổ trước đây của di tích; Các bản vẽ hiện trạng di tích (theo các tỷ lệ tùy từng hạng mục từ 1:50.000 đến 1:50). Trong khi, bản vẽ thiết kế bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải đầy đủ từ bản vẽ quy hoạch mặt bằng tổng thể di tích, tỷ lệ 1:500 đến bản vẽ thiết kế mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt từng hạng mục công trình, bản vẽ thiết kế từng bộ phận của công trình được bảo quản, tu bổ, phục hồi, tỷ lệ 1:50.

Trường hợp chỉ thực hiện nội dung bảo quản di tích thì dự án bảo quản di tích phải bao gồm: Thuyết minh; Bộ ảnh màu kích thước 10 x 15 cm, chụp vào thời điểm khảo sát, thể hiện tình trạng kỹ thuật công trình và hiện vật cần bảo quản. Trong thiết kế cơ sở của dự án bảo quản di tích phải đầy đủ: từ bản vẽ, ảnh tư liệu liên quan đến những lần bảo quản trước đây; Bản vẽ hiện trạng từng bộ phận của công trình và hiện vật cần bảo quản, tỷ lệ 1:50 tới bản vẽ thiết kế từng bộ phận của công trình và hiện vật được bảo quản, tỷ lệ 1:50.

Đặc biệt, Nghị định quy định, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao thẩm định dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích đối với di tích cấp tỉnh. Còn đối với thiết kế bản vẽ thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, thì Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định nội dung, thẩm quyền thẩm định thiết kế bản vẽ thi công bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Chiểu theo quy định từ Nghị định 166/2018/NĐ-CP thì nhiều trường hợp như đã đề cập trên đều không tuân thủ nghiêm các nội dung quy định chi tiết về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa. Và khi sự việc xảy ra, các lực lượng chức năng vào cuộc thanh tra, kiểm tra thì đều ở trong thế “sự đã rồi”.

Di tích lịch sử - văn hóa là tài sản vô giá, kết tinh những giá trị lao động, sáng tạo của cha ông để lại và thường gắn với đặc trưng văn hóa mỗi địa phương. Do vậy, việc bảo tồn, tôn tạo, phục hồi di tích không những cần tuân thủ nghiêm những quy định của pháp luật về bảo tồn di tích mà còn cần xuất phát từ cái tâm của người thực hiện, làm sao để di tích vừa được bảo tồn vừa phải phát huy giá trị.

Oanh Hữu

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra