Vào những ngày cận Tết, hơn ai hết, mẹ tôi vẫn là người sốt sắng nhất. Mặc dù xung quanh mẹ ngổn ngang những công việc, nhưng tôi vẫn thấy niềm hạnh phúc ánh lên từ thẳm sâu khóe mắt mẹ. Mẹ vui vì trong suốt một năm qua, mấy chị em tôi mỗi người mỗi nơi, đứa thì đi làm ăn xa, đứa thì chăm chỉ đèn sách nơi xứ lạ, chỉ có Tết là cả nhà mới được dịp đoàn tụ, sum vầy.
Tết đến xuân về, ai nấy đều khẩn trương lo tu sửa lại nhà cửa, mua sắm quần áo, hay chăm bón chậu hoa cúc, hoa mai... Còn riêng với mẹ tôi, căn bếp là nơi mẹ đặt nhiều tâm huyết nhất. Mẹ lau dọn, kì cọ từng chiếc nồi, cái rổ, chén bát cho thật sạch, quét dọn mái ngói bị khói than, tro trấu bám vào đen kịt, thay chiếc lò mới, sắp xếp lại cái cũi gỗ đựng lỉnh kỉnh đồ đạc. Dù tuổi tác làm mẹ khi ngước nhìn lên lại bị đau đầu, nhưng mẹ vẫn tảo tần quét sạch lớp bồ hóng đóng trên vách tường cao. Mẹ lặng lẽ vun vén từng bữa cơm cho gia đình, trao yêu thương vào niềm mong ngóng những đứa con nơi phương trời xa ngái. Để rồi mỗi độ xuân sang, mẹ lại gửi trọn tình yêu đó vào từng mẩu bánh, mẻ mứt do tự tay mẹ làm.
Chuyến về quê ăn Tết của mấy chị em tôi làm lòng mẹ vui mừng khó tả. Buổi sáng ngày chúng tôi về, mẹ dậy sớm tất tả đi chợ mua bao nhiêu đồ ngon về nhà, lom khom bên căn bếp, nấu những món mà con của mẹ thích ăn. Những ngày bình thường chỉ có cha mẹ ở nhà, vì tiết kiệm để dành dụm cho chúng tôi ăn học, mẹ nào dám mua những thứ đắt tiền. Nghĩ đến đó, tự dưng tôi thấy cay xè nơi khóe mắt. Cả một đời lam lũ vì con, có bao giờ mẹ nghĩ cho mình? Về đến nhà, tôi cùng mấy đứa em vội xuống bếp quây quần bên mẹ, đứa thì phụ mẹ nhặt rau, đứa thì lụi cụi nấu cơm, kho cá. Mẹ nhìn chúng tôi cười âu yếm, rồi bảo rằng chắc ở thành phố, thực phẩm sẽ không tươi sạch bằng ở quê...
Căn bếp trở nên rộn ràng hơn bởi tiếng cười nói vui vẻ, trong buổi tối cả nhà ngồi quanh nồi bánh tét nghi ngút khói. Để có được những đòn bánh tét thơm ngon, cần sự góp sức của các thành viên trong gia đình. Mẹ đảm nhiệm khâu xào trộn nhân bánh, vo nếp, cha vót tre, chẻ lạc, còn việc nhẹ nhất là chuẩn bị lá chuối do mấy chị em tôi làm. Bước quan trọng cuối cùng vẫn là gói bánh. Mẹ khéo léo, tỉ mỉ sắp đều hai, ba lớp lá chuối ra chiếc nia, rồi trải gạo nếp lên thành hình chữ nhật tròn ở hai đầu, sau đó cho nhân cùng thịt ba chỉ vào giữa. Mẹ bảo rằng gói bánh phải đều tay, vừa đủ chặt mà không quá lỏng, vì chỉ cần một chút sơ hở là nếp sẽ bị bong ra khỏi lớp lá chuối. Cả nhà vừa gói bánh vừa ôn lại bao chuyện cũ của một năm đã qua, cùng sẻ chia bao vui buồn, để rồi khuôn mặt ai nấy đều ánh lên niềm hạnh phúc. Nụ cười mãn nguyện của mẹ, ánh mắt trìu mến của cha sưởi ấm lòng tôi bên bếp lửa bập bùng.
Ngày 30 Tết rộn rã niềm vui, mọi người quây quần trong căn bếp nhỏ chuẩn bị cho bữa cúng Tất niên. Có sự chung tay của cả nhà, nên mẹ đỡ phần vất vả. Lúc chị em tôi còn nhỏ chưa biết phụ mẹ trong việc bếp núc, mình mẹ phải lo liệu tất cả. Khi đã khôn lớn, bôn ba xứ người, lòng tôi lại càng thấm đượm tình thương của mẹ. Quanh năm mẹ một nắng hai sương lầm lũi nuôi đàn con khôn lớn, chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ, từng bộ quần áo, sách vở mới cho tôi, đến lúc tôi trưởng thành lại như cánh chim bay xa mà không ở bên mẹ. Chỉ đến những ngày cuối năm, Tết về, mẹ mới có thể khỏa lấp sự nhớ nhung, trông ngóng những đứa con nơi phương xa.
Căn bếp đơn sơ chứa đựng sự gắn kết của tình thân, là nơi chất chứa, ẩn sâu bao nỗi niềm của mẹ. Dù ở bất cứ nơi đâu, dù bận rộn chừng nào, tôi vẫn tranh thủ về kịp chuyến xe để đón Tết cùng gia đình. Lòng cồn cào, nôn nao mong về nhà thật sớm, để được thấy dáng mẹ ân cần, lam lũ trong gian bếp thân thương...
Trần Thị Thắm