Lễ Kỷ niệm là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước, nhất là thế hệ trẻ, tri ân và tôn vinh một đồng chí lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn vinh người có công với cách mạng.
Sáng 9/9, tại Nhà Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Văn phòng Quốc hội và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bùi Bằng Đoàn với cách mạng Việt Nam”. Ảnh: Nguyễn Văn
Bên cạnh đó, việc tổ chức Lễ kỷ niệm gắn với tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và công lao, đóng góp to lớn của Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn đối với sự nghiệp cách mạng dân tộc, với Quốc hội Việt Nam; nêu bật những cống hiến, đóng góp đối với các lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam nói chung và lịch sừ văn hóa Hà Nội nói riêng.
Dự kiến Lễ kỷ niệm diễn ra vào 09h00 ngày 16 tháng 9 năm 2019 (thứ Hai) tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (Số 91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) với khoảng 1000 đại biểu tham dự.
Sở Văn hóa và Thể thao sẽ là cơ quan thường trực, chủ trì phối hợp Văn phòng UBND Thành phố xây dựng Kế hoạch tổ chức Lễ kỷ niệm; tham mưu, trình UBND Thành phố phê duyệt, ban hành; xây dựng và chủ trì kịch bản, nội dung và thực hiện chương trình nghệ thuật biểu diễn tại Lễ kỷ niệm.
Đồng thời, phối hợp, hướng dẫn UBND huyện ứng Hòa và gia đình Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất (trang trí, nghi lễ...) phục vụ Lễ dâng hương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và TP Hà Nội dâng hương tại Khu lưu niệm Nhà thờ Thiệu Đức Đường - thôn Bặt Chùa, xã Liên Bạt, huyện ứng Hòa, thành phố Hà Nội…
Cụ Bùi Bằng Đoàn, sinh năm 1889 trong một gia đình có truyền thống nho học, thuộc làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Cụ là nhà chí sĩ yêu nước, một học giả uyên bác, thấm nhuần đạo lý, triết lý phương Đông và truyền thống văn hóa của dân tộc.
Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban bố sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra đặc biệt do cụ Bùi Bằng Đoàn làm Trưởng ban. Hoạt động của Ban Thanh tra đặc biệt trong thời điểm đất nước vừa mới giành được độc lập là vấn đề cực kỳ khó khăn. Với tri thức, kinh nghiệm phong phú của mình, cụ Bùi Bằng Đoàn đã tham mưu với Chính phủ ban hành nhiều sắc lệnh có tác động tích cực đến đời sống xã hội, giữ gìn kỷ cương, phép nước, chấn chỉnh và làm trong sạch đội ngũ cán bộ cách mạng trong chính quyền thời kỳ đầu đất nước giành được độc lập.
Sau cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I, tại kỳ họp thứ nhất, ngày 2/3/1946, các đại biểu đã bầu chí sĩ Bùi Bằng Đoàn vào Ban Thường trực Quốc hội. Trên cương vị mới, cụ đã có những đóng góp quan trọng vào việc ký kết bản Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, tạm thời hòa hoãn thực dân Pháp, giúp Đảng và Chính phủ có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến lâu dài.
|
Lan Anh