Đó là những biện pháp nhằm hạn chế hiện tượng tiêu cực trong mùa lễ hội 2019 được cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa chỉ ra trong Hội nghị triển khai công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2019. Hội nghị do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chiều 18/1 tại Hà Nội.
Những hạn chế chưa chưa được khắc phục
Bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, trong năm 2018, công tác quản lý, tổ chức lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là các lễ hội có yếu tố bạo lực, nghi thức hiến sinh (đâm, chém, chọi động vật) đã được thay đổi hình thức tổ chức, cách thức thực hành nghi lễ: năm thứ ba liên tiếp lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) không tổ chức chém lợn giữa sân đình; lễ hội Gióng đền Sóc (Hà Nội) thay đổi hình thức lễ tạ (không có hai đoàn rước giò hoa tre và trầu cau; khi việc tế lễ kết thúc, ban tổ chức sẽ tiến hành phát lộc cho du khách để tránh tình trạng tranh cướp lộc phản cảm); hội phết đình Đông Lai (Vĩnh Phúc) không tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ…
Những chàng trai đóng giả con gái trong hội làng Triều Khúc (Hà Nội). (Ảnh: Vietnam+)
Tuy nhiên, một số hiện tượng tiêu cực, hình ảnh phản cảm, gây bức xúc trong dư luận vẫn xảy ra trong mùa lễ hội 2018. Đó là hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy để cướp lộc tại một số lễ hội: lễ hội làm chay (Long An), lễ hội đúc bụt tại (Vĩnh Phúc), hội làng Sơn Đồng (hay còn gọi là lễ hội Giằng Bông, Hà Nội), hội phết Hiền Quan (Phú Thọ)...
Ngoài ra, hiện tượng bày bán hàng rong, đổi tiền hưởng chênh lệch... vẫn diễn ra ở một số lễ hội lớn như lễ hội Chùa Hương (thành phố Hà Nội), lễ hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)... Hiện tượng đặt tiền lễ không đúng nơi quy định, đặt tiền lẻ lên đầu/tay tượng Phật vẫn diễn ra ở nhiều nơi như chùa Bái Đính (Ninh Bình), Yên Tử (Quảng Ninh)...
Các đại biểu đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực nói trên là nhiều ban tổ chức lễ hội mới chỉ chú ý đến hình thức, quy mô mà chưa đảm bảo về nội dung giá trị văn hóa truyền thống; chậm đưa ra những phương án, kế hoạch thay đổi hình thức tổ chức, quản lý lễ hội và cách thức thực hành nghi lễ cho phù hợp với thực tế cuộc sống hiện nay…
Ngoài ra, việc chưa quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của đơn vị tổ chức; trách nhiệm của các cấp, ngành ở địa phương diễn ra lễ hội… cũng là nguyên nhân dẫn tới việc xảy ra những hiện tượng tiêu cực trong lễ hội.
“Phải hiểu đúng thì mới quản lý được”
Từ đó, nhiều biện pháp nhằm khắc phục những tồn tại nêu trên, hạn chế những hiện tượng tiêu cực phát sinh trong mùa lễ hội 2019 đã được đưa ra. Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu ngành văn hóa các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc, nhận diện đúng giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng.
Khung cảnh chen lấn cướp chiếu tại lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc) năm 2018. (Ảnh: Vietnam+)
Ban tổ chức lễ hội cần chủ động tham vấn ý kiến cộng đồng trong việc xây dựng kế hoạch đổi mới cách thức tổ chức lễ hội cho phù hợp với điều kiện, tình hình mới; bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc…
“Việc quản lý và nghiên cứu không thể tách rời nhau. Cán bộ ở các cơ quan chức năng muốn làm tốt công tác quản lý, tuyên truyền để người tham gia lễ hội hiểu đúng, thực hiện đúng các nghi thức thì cần có sự hiểu biết chính xác. Việc đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ quản lý cần được thực hiện thường xuyên, bài bản,” phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Phương Châm (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) bày tỏ ý kiến.
Theo vị chuyên gia này, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới những hành vi phản cảm trong các mùa lễ hội là sự thiếu hiểu biết của những người thực hành, tham gia lễ hội.
Trai làng "thủy chiến" tại lễ hội cầu bùn (Bắc Giang) năm 2018. (Ảnh: Vietnam+)
“Tôi cho rằng, cần có sự hướng dẫn cụ thể về cách thực hành nghi lễ, chỉ dẫn về các loại trang phục phù hợp... đối với người tham gia lễ hội. Khi họ nhận thức đúng thì sẽ làm đúng, từ đó, những cảnh tượng phản cảm sẽ được hạn chế. Nói khác đi, cùng với các chế tài xử lý vi phạm thì chúng ta cần có chương trình giáo dục cụ thể,” phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Phương Châm chỉ rõ.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội cần được tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, kích động bạo lực và các hành vi vi phạm pháp luật khác./.
Theo An Ngọc/Vietnam+