Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn: Ai được hưởng lợi từ thân xác các “ông trâu”

Thứ hai, 24/09/2018 14:19
Mặc dù là lễ hội văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, nhưng năm nay, công tác tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn được dư luận đánh giá mang đậm nét thương mại, không còn đúng với những nét truyền thống, làm nên giá trị của lễ hội này.

Thương mại hóa lễ hội

Khác với mọi năm, Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn năm 2018 không tổ chức vòng đấu loại và bán vé vào sân. Cũng vì lẽ đó, lễ hội năm nay được đánh giá có lượng du khách đông hơn hẳn các lễ hội mùa trước. Tuy nhiên, lượng khách đông trong khi sức chứa của sân vận động có giới hạn đã phần nào khiến người hâm mộ không khỏi hụt hẫng. Khoảng 7h40 sáng ngày 18.9, cánh cửa sân vận động đóng lại, du khách và cả những đại biểu khách mời đều phải “vật vờ” ở ngoài sân, nhiều người vượt cả trăm cây số chỉ để thỏa ước đam mê cũng đành thưởng thức chọi trâu qua điện thoại. Cũng có người bị “phe vé” lừa đảo mua các tấm thiệp mời dự lễ hội do Ban tổ chức phát hành với giá cả trăm nghìn đồng nhưng đến cửa soát vé thì “ngậm bồ hòn” ra về.

leftcenterrightdel
 Những khoảnh khắc đẹp trong Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn năm 2018. Ảnh: CTV

Theo ghi nhận của PV, mùa lễ hội năm nay, công tác tổ chức của quận Đồ Sơn mang đậm tính thương mại. Mọi hoạt động đều hướng vào túi tiền của du khách cũng như các ông chủ trâu. Bên cạnh đó, Ban quản lý lễ hội đã buông lỏng quản lý, để các cơ quan nhà nước, cá nhân tự tung tự tác, “chặt chém” dịch vụ trông xe không thương tiếc.

Ở những năm trước, khi bán vé vào sân, giá trông giữ phương tiện là 10.000-20.000 đồng/xe máy; 30.000-50.000 đồng/ôtô. Tuy nhiên, năm nay không bán vé vào sân, việc thu phí gửi xe được đẩy lên chóng mặt. Theo phản ánh của du khách, giá trông giữ xe máy ở công viên Đầm Vuông là 100.000 đồng/xe, giá trông giữ xe ôtô từ 4-7 chỗ là 150.000 đồng/xe, giá trông giữ ôtô từ 7 chỗ trở lên là 200-250.000 đồng/xe.

Thêm một minh chứng nữa cho thấy sự buông lỏng quản lý, thương mại hóa trong Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn năm nay, đó là giấy mời có dấu đỏ và chữ ký tươi của chủ tịch quận được dân “phe giấy mời” bán công khai, tràn lan trên đường và bên ngoài cổng dẫn vào sân vận động với giá 100.000 đồng/vé đơn, 150.000 đồng/cặp đôi vé. Mặc dù lực lượng chức năng làm nhiệm vụ ở đó khá đông nhưng không hề nhắc nhở, tịch thu hay có bất kỳ tác động nào.

Ngoài ra, mùa lễ hội năm nay, UBND quận Đồ Sơn phát động xã hội hóa trong tổ chức lễ hội, nhưng trên thực tế lại áp dụng nguồn thu xã hội hóa này với cả 16 ông chủ trâu. Rất nhiều chủ trâu phản ánh, cơ cấu giải thưởng năm nay giải nhất là 70 triệu đồng nhưng để “ông trâu” được vào sới chọi họ phải bỏ ra khoản tiền lớn lên tới 60 triệu đồng, chỉ thấp hơn một chút so với giải nhất của lễ hội. “Vẫn biết khoản xã hội hóa này hơi đắng, nhưng vì đam mê, muốn nhìn “ông trâu” của mình vào sân thi đấu nên dù có vay mượn cũng phải nộp” - một chủ trâu cho biết.

Chưa minh bạch thu chi lễ hội

Liên quan đến các nội dung trên, trao đổi với Báo Lao Động, ông Đỗ Văn Viết - Trưởng phòng Du lịch văn hóa thể thao quận Đồ Sơn, - cho biết: Phòng cũng đã nghe về vấn đề “chặt chém” giá vé gửi xe và bán giấy mời công khai. Tuy nhiên, Phòng Văn hóa - thể thao - du lịch không phải là cơ quan thường trực nên không có chức năng xử lý vụ việc. Theo ông Viết, việc trông giữ phương tiện tại khuôn viên công viên Đầm Vuông được giao cho Trung tâm văn hóa quận quản lý. Trung tâm có nhiệm vụ quản lý giá dịch vụ trông giữ phương tiện tại đây theo quy định. Việc thu giá vé gửi xe cao hơn hàng chục lần so với giá quy định trách nhiệm là của Trung tâm văn hóa.

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Trung Hiếu - Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn - cho biết: Những nội dung phản ánh trên là đúng và quận xin được tiếp thu. Về giá vé trông coi xe, trước ngày diễn ra lễ hội, UBND quận đã họp và phân công cho Trung tâm văn hóa thể thao quận bố trí nhân sự để trông coi xe cho nhân dân và du khách tại công viên Đầm Vuông. Đồng thời, cấm các đơn vị, tổ chức, cá nhân khác lập bãi trông giữ xe để tránh trường hợp loạn giá vé. Mức giá, quận cũng yêu cầu trung tâm phải công khai, niêm yết theo bảng giá quy định của nhà nước, của thành phố. “Không biết trung tâm làm như thế nào nhưng ngay trong sáng ngày diễn ra lễ hội, báo chí đã gọi điện cho tôi phản ánh về việc giá vé xe thu cao, vé không ghi số xe cũng như giá tiền”… - ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, quận đang chờ Giám đốc trung tâm văn hóa báo cáo, giải trình về việc này, sau đó tiến hành xem xét xử lý kỷ luật đối với cá nhân, tập thể có liên quan. Còn về giấy mời xem chọi trâu được dân “phe giấy mời” rao bán công khai, tràn lan, Phó chủ tịch quận Đồ Sơn khẳng định việc bán vé mời là hành vi vi phạm pháp luật bởi họ đang bán tài liệu của cơ quan nhà nước. Ông Hiếu đổ lỗi: “Số lượng giấy mời bán ra ngoài có thể do các chủ trâu được ban tổ chức tặng 16 vé mỗi người nhưng họ không sử dụng hết nên mang bán(!?).

Liên quan đến việc chủ trâu đóng góp cao nhưng giải thưởng thấp, Phó chủ tịch quận Đồ Sơn, cho rằng: Nhiều năm nay, quận tổ chức lễ hội chọi trâu truyền thống không sử dụng ngân sách mà dựa vào xã hội hóa, trong đó có tiền bán vé, tiền các nhà tài trợ, tiền các chủ trâu tự nguyện đóng, tiền dịch vụ trông giữ xe. Năm nay, BTC “thất thu” vì không được bán vé, do vậy giá trị giải thưởng sẽ bị giảm đi.

Theo Tiến Nguyễn (Báo Lao động)

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra