Khi những đóa hoa ban rừng nở rộ cũng là lúc người dân vùng núi Tây Bắc lại rủ nhau vào rừng hái măng đắng. Măng hầu như có quanh năm nhưng nhiều nhất vẫn là mùa mưa, khi ấy mầm măng mới nhú mọc râm ran khắp các vạt rừng. Vào đầu mùa, măng mới nhú có vị ngọt xen lẫn cái the the đầu lưỡi, vậy nhưng chỉ cần gặp mưa trong tiếng sấm là măng lại chuyển vị đắng ngắt trong họng.
|
|
Măng đắng còn được gọi với nhiều tên khác nhau như măng vầu, măng lành hanh. Món ăn của núi rừng này ngon và lạ nhất là ở chính cái vị đăng đắng, ngọt ngọt như lắng đọng cái hoang dã, thâm sâu của núi rừng. Măng hái về, bỏ đi những bẹ lá, chẻ hay thái miếng tùy ý, cho vào nồi luộc sơ qua với chút muối để giảm vị chát đắng, sau đó vớt ra ngâm nước lạnh khoảng 1 giờ là có thể chế biến. Đơn giản nhất là món măng đắng luộc chấm muối ớt song cũng đủ khiến bao người ăn một lần lại muốn có lần thứ hai, thứ ba. Với những người thích cái vị đắng, vị chát, thì thay vì luộc, người ta đem nướng măng, có thế mới đã cái thú thưởng thức quà rừng. Những món ăn được chế biến từ măng đắng giờ đã trở thành đặc sản của miền núi Tây Bắc bởi nó đem theo hương vị của rừng, tình cảm của người miền núi thật thà, chân chất nhưng đong đầy tình cảm.
Đường xá giờ cũng đã hanh thông thế nên người núi về xuôi, dân phố lại lên rừng, món ăn của vùng núi theo đó mà đổ về vùng bằng và nhanh chóng chinh phục cái thú sành ăn của người thành thị. Thế nên giờ chẳng phải chỉ người miền núi mà cả dân đô thị cũng ưa chuộng, nhớ nhung cái vị đắng giòn của măng. Cũng từ cái “mầm tre” ấy mà nhiều người lại chế biến thành nhiều món hấp dẫn như xào mẻ, luộc, hầm xương, hấp quấn thịt vịt hoặc thịt lợn. Mỗi món một vị nhưng dù chế biến thế nào vẫn không lẫn đi đâu được vị đắng đắng của cây măng rừng ấy.
Có điều rằng nếu như trước đây, người dân chỉ cần “ra ngõ” là đã có măng về nhà vì đâu đâu cũng thấy măng mọc thì nay, bà con phải vào tận rừng sâu mới tìm được. Cũng bởi một phần đất chật người ngày một đông nên người ta cứ mải miết phạt cây làm nhà, rừng trở nên xa hơn, và tre mọc cũng ít hơn. Đáp ứng cái sành của người thành thị mà măng rừng được khai thác triệt để bởi nó dễ bán mà lại có giá hơn là lên nương trồng lúa, vào rừng chăm bò. Thế nên, những dịp đầu xuân, bên ven đường quốc lộ chạy dọc vùng Tây Bắc, những gùi, những đống măng xếp la liệt, cao chất ngất. Thậm chí, măng đắng còn được bày bán khắp các con đường lớn nhỏ dẫn vào phố hay thôn bản. Giá măng ở vùng núi như Hòa Bình chỉ từ 6.000 – 10.000 đồng/kg nhưng xuống phố nó là vài chục nghìn đồng.
Những ngày này, trên các con đường của Hà Nội như Hoàng Hoa Thám, Ngã Tư Sở, Phạm Hùng, Quan Hoa, hay các khu chợ lớn nhỏ măng đắng cũng được bày bán khá nhiều và lúc nào cũng đắt khách. Có lẽ vật lộn với cuộc sống đầy toan tính và khắt khe, con người ta cũng không còn thiết tha lắm với những món sơn hào hải vị, ngọt bùi mà lại tìm thấy sự “ép phê” trong món mang vị đắng chát nhưng chất chứa sự tinh khiết của đất trời, thế gian.
Chuyện kể rằng từ lâu lắm rồi, có chàng trai người Thái tài giỏi nhưng nhà nghèo tên là “Khôm” – tức là đắng. Chàng yêu một cô gái tên “Bók” – tức Hoa. Khuôn mặt nàng như trăng rằm mùa thu, làn da trắng ngần như cánh hoa rừng thơm ngát. Tiếng hát trong vắt như tiếng chim rừng, như suối reo trong nắng mùa xuân.
Nàng tặng chàng Khôm chiếc khăn Piêu gửi lời thề ước nguyện. Tuy nhiên, khi cha nàng phát hiện và ngăn cản, hai người đã cùng nhau chạy trốn vào rừng sâu, quyết bảo vệ tình yêu trong sáng. Bị người nhà đuổi theo, lại đói và kiệt sức, đôi trai gái nhìn nhau ứa đầy nước mắt, nắm chặt tay cùng nhảy xuống vực sâu. Đất bỗng dâng lên ôm trọn hai người vào lòng. Từ nấm mồ chung mọc lên một cây vầu – người Thái gọi là “mạy pao”, măng có vị đắng – tiếng Thái là “nó khôm”. |
Theo Bích Liên
Sống mới online