“Nếm” vị Tết xưa trong ký ức người Hà Nội

Thứ hai, 04/02/2019 06:04
(ThanhtraVietNam) - Tết đến xuân về, nhà nào cũng náo nức sắm Tết, chuẩn bị cho gia đình mình những thứ tốt nhất để “no ba ngày Tết”. Không khí xuân cứ thủng thẳng tràn về khắp các phố phường Hà Nội nhưng dòng người sắm Tết lại bắt đầu tấp nập, rộn rã.

Bắt đầu từ giữa tháng Chạp là khắp các nẻo đường 36 phố phường Hà Nội đã tràn ngập không khí Tết, người mua, người sắm tất bật mọi thứ. Sắc đỏ của giấy ông đồ, sắc hồng của đào Nhật Tân, sắc xanh của những tàu lá chuối, lá dong cứ thế nối tiếp quyện vào nhau làm nên những nét đặc trưng riêng của đất Tràng An dịp Tết, mà mỗi khi nhớ về người ta phải bồi hồi.

leftcenterrightdel

Một người bán hoa và cây cảnh. Ảnh sưu tầm. 

 

Góc chợ đơn sơ nhưng ấm tình người

Hình ảnh những người xếp hàng dài đợi mua hộp mứt Tết, hay cân thịt là những hình ảnh không thể nào quên đối với những người thuộc thời bao cấp ngày xưa. Đặc biệt với ông Sâm, một trong những người đã đón gần 80 cái Tết ở Hà Nội lại càng không thể nào quên được những cái Tết gian khó, thiếu thốn nhưng đầm ấm tình người.

Nhớ về những cái Tết xưa, ông Sâm cho biết, ngày gần Tết đi các chợ ở quanh Hà Nội là vui nhất, đây cũng là nơi có nhiều không khí Tết nhất. Trong các chợ thì chợ Bưởi (Tây Hồ) là chợ nổi tiếng và to nhất vùng, hội tụ đủ các sản vật nhưng nhiều nhất là hoa, cây cảnh và vật nuôi. Chợ Bưởi dịp Tết họp vào ngày 19, 24, 29 âm lịch. Phiên chợ ngày 29 Tết là một trong những phiên chợ đặc biệt vì nó là phiên chợ cuối cùng của năm, là thời điểm cuối cùng cho mọi người sắm Tết. Thời điểm này những nhà giàu đã sắm xong Tết, tới chợ để thăm thú thưởng ngoạn nhưng với những người nghèo lúc này họ mới sắm Tết, chuẩn bị chớp nhoáng cân thịt, bó lá dong để lo nồi bánh chưng.

Dốc chợ Bưởi đoạn lên đường Hoàng Hoa Thám là cả dãy bày bán cây cảnh, bên cạnh là đủ các loại lồng to nhỏ với đủ loại vật nuôi, từ chó mèo đến chim chóc. Năm nào cũng vậy, sau khi thăm thú chợ với đám bạn xong, ông Sâm cũng không quên xách một lồng chó hoặc mèo về nuôi đầu năm lấy may.

leftcenterrightdel
Một người đang mua đào trên phố cổ Hà Nội. Ảnh sưu tầm. 
Trong nội thành, chợ Đồng Xuân và chợ hoa hàng Lược là một trong những phần không thể thiếu của Tết Hà Nội. Tuy nhiên, chợ hoa hàng Lược nổi tiếng hơn cả. Không chỉ là một trong những ngôi chợ lâu đời nhất mà nó cũng hội tụ nhiều tinh hoa nhất của mảnh đất nghìn năm văn hiến này. Các loại hoa, cây cảnh ở các vùng trồng hoa nổi tiếng ven đô như Quảng Bá, Nghi Tàm, Nhật Tân… đều được tập hợp tại đây. Ngoài các giống đào bích, đào phai truyền thống còn có các giống đào như đào bạch và đào thất thốn mà chỉ dành riêng cho các nhà quyền quý. Ngày đó, bên cạnh thú chơi đào dịp Tết, mốt chơi hoa thủy tiên cũng là nét đặc trưng của người Tràng An. Những bình hoa càng cầu kỳ, kiểu dáng, dễ cây càng phức tạp thì càng chứng tỏ gia chủ chịu chơi, quyền quý.

Ông Sâm cho biết, ngày đó phố Hàng Lược không chỉ có mỗi hoa và cây cảnh mà nó còn có những sạp hàng viết chữ của các ông đồ. Người qua kẻ lại cũng tấp nập không kém các hàng bán cây cảnh, tranh chữ, câu đối treo đỏ vang một góc chợ. Ai đi qua cũng muốn dừng lại một chút ngắm nghía, bàn luận. Trẻ con thì chạy tíu tít khoe chữ với bạn bè, nét ngây thơ trong sáng hồn nhiên đến lạ.

“Thời đó, nói là sắm Tết chứ thực chất có không có nhiều lựa chọn cho thực phẩm. Ngày Tết quan trọng nhất là nồi bánh chưng. Nhà nào có nồi bánh chưng đầy đủ thịt, gạo, tươm tất thì coi như đã là một cái Tết hoàn chỉnh. Lúc đó nhà nào khá hơn thì có thể sắm thêm hộp mứt hoặc vài bánh pháo tép. Mặc dù đơn sơ như thế nhưng nó lại rất thân thương, ấm áp. Các nhu yếu phẩm đều được nhà nước phân phối qua tem phiếu, chế độ, mặc dù xếp hàng chờ đợi vất vả nhưng cầm được hộp mứt, xách được cân thịt thì ai cũng đều trân quý.”. Ông Sâm cho biết.

Những cái Tết không thể quên

Những năm 70 của thế kỷ trước, nhà ông Sâm là một trong những gia đình khá giả, buôn bán đồ phế liệu trên phố Khâm Thiên nên những ngày Tết được chuẩn bị rất kỹ và rất sớm. Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, ông đã được bố mẹ cho đi cắt may một bộ veston trắng tinh trên phố hàng Trống. Là một trong những “dân chơi” thời đó nên việc may đồ của ông cũng thật cầu kỳ và tỷ mỉ. Loại vải may phải là vải của Pháp chứ tuyệt đối không phải của Trung Quốc, bởi chất vải của Pháp mặc ấm mà diện vào dáng rất đẹp không bị nhăn nhúm. Những loại vải của Pháp thời đó khi may xong bên ngoài thường nổi một số sợi chỉ màu mà giới “dân chơi” khi đó gọi là nảy hoa, rất được mốt.

Sau khi may áo chơi Tết xong, ông Sâm thường cùng bạn bè ghé qua các hiệu cắt tóc cũng trên phố hàng Trống làm mốt tóc quăn. Thời bấy giờ, thanh niên được danh là “dân chơi” phải sắm cho mình một mái tóc quăn, đó cũng là cách để so đẳng cấp với nhau. Các thợ làm tóc ở đây thường dùng một thanh sắt hơ nóng rồi kẹp vào tóc cuộn lại hết sức khéo léo để các chàng công tử có một mái tóc ưng ý. Thường trước Tết nửa tháng, những hiệu cắt tóc ở phố hàng Trống luôn đông nghẹt người, không chỉ thanh niên mà các thiếu nữ thời đó cũng chuộng mốt tóc quăn.

leftcenterrightdel
Ông Triệu Tử Sâm, một người đã có gần 80 năm ăn Tết ở Hà Nội. 
Chiều 27 Tết, nhà ông Sâm đã gói xong bánh chưng, các mẻ bánh lần lượt được đưa lên bàn rồi dùng một tấm ván dài úp lên, bên trên đặt một chiếc cối đá nhỏ. Mục đích để ép chiếc bánh chưng cho chặt, có thể để được nhiều ngày liền. Những chiếc bánh chưng này ngoài việc gia đình dùng thường sẽ để biếu nội ngoại.

“Tôi nhớ và trông đợi nhất đêm giao thừa. Thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới cận kề cảm giác trong lòng đứa trẻ con như tôi lúc đó rất lạ. Có một thứ gì đó bồi hồi, thiêng liêng mà vừa muốn nín thở chờ đợi, vừa muốn tận hưởng hương vị Tết… Ngay sau đó là những tiếng nổ đì đoàng của bánh pháo. Thời đó, tiếng pháo nhà nào đanh, to, tròn thì nhà đó sẽ được lộc trong năm tới. Những âm thanh một thời tuổi trẻ mê mải…”.

Ngày mùng một, sau khi nhờ người đến xông đất, cả gia đình ông Sâm mới ra khỏi nhà đi chúc Tết nội ngoại. Ngày đó, gia đình ông đã có một chiếc xe đạp hiệu Peugeot, một trong những gia tài lớn thời bấy giờ.

“Gia đình họ nội tôi ở bên Hà Đông bấy giờ, nhưng thời đó là ngoại thành Hà Nội. Đi xe đạp về quê sang trọng là thế nhưng lúc nào cũng phải thủ sẵn, kè kè một chiếc que dài bên người. Đi về đường quê, bùn đất dính vào bánh xe thì dùng que đó chọc đất ra cho khỏi dính lên người. Câu chuyện nhỏ hài hước này giờ đây kể cho con cháu, đứa nào cũng khoái.” Ông Sâm cười thích chí.

Nhấp một ngụm trà nóng, kéo một hơi thuốc dài, đột nhiên ông Sâm trầm ngâm một lúc. Hình như càng nói chuyện Tết xưa ông lại càng cảm thấy tiếc nuối một điều gì đó. Hay phải chăng ông lại càng muốn nhớ kỹ thêm một kỷ niệm đẹp nào nữa vì nhỡ một ngày ông sợ ông sẽ quên những hình ảnh đó. Trong suốt cuộc trò chuyện, nhiều lần ông Sâm dừng lại trầm ngâm, và hình như lần nào cũng thở dài: “Bây giờ các cậu sướng thật đấy.”

leftcenterrightdel
Các mặt hàng trang trí nhà cửa rực rỡ trên phố hàng Mã hiện nay. 
Những cái Tết ở phố cổ cứ thế trôi qua để lại trên gương mặt cậu thanh niên xưa kia giờ đây là những nếp nhăn, sợi tóc bạc. Thời gian luôn phũ phàng như vậy. Luôn khiến người ta phải day dứt, cam chịu. Thế nhưng có một điều thời gian không thể thay đổi đó là mùa xuân và những cái Tết. Mặc cho thời gian xoay vần, ngoài kia hoa đào vẫn nở rộ, một mùa xuân nữa lại sắp tới, khắp phố phường Hà Nội lại ngập tràn trong sắc xuân. Nhớ về những cái Tết cũ để thêm yêu và quý trọng những cái Tết hiện tại.

 

Dương Đỗ

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra